'Hậu' Monsoon 2017: Không ở Hoàng thành, 'Gió mùa' sẽ thổi về đâu?

14/11/2017 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau đêm cuối của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) vào tối 12/11, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Quốc Trung đã đính chính rằng anh không khóc như báo giới viết: “Chẳng có giọt nước mắt nào cả, chỉ có niềm vui thôi. Mình chỉ nghẹn ngào vì xúc động chứ không bật khóc...".

1. Quốc Trung vẫn thế, vẫn cứ giữ được sự bình tĩnh, điềm đạm đến phút cuối của giờ phút chia tay. Nhưng quan trọng hơn, anh có để Monsoon tiếp tục trong những năm sau – khi mà việc không được tiếp tục sử dụng không gian tại Hoàng Thành Thăng Long là một trở ngại quá lớn?

4 năm (kể từ 2014) là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để Lễ hội Âm nhạc Quốc tế gió mùa làm nên dấu mốc đáng nhớ.

Dấu mốc ấy gắn với việc Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến, đã có một không gian văn hóa đẳng cấp quốc tế như Monsoon – nơi người (sống ở) Hà Nội có cơ hội được tận hưởng âm nhạc với biên độ “không biên giới” đến từ khắp nơi trên thế giới.

Theo đó, những thói quen sinh hoạt văn minh trong một cộng đồng yêu nhạc, từ việc mua vé nghe nhạc, xếp hàng mua phiếu đồ ăn thức uống, cho đến thưởng thức âm nhạc một cách tự do hay cả nhận thức về văn hóa giao thông (uống bia thì không lái xe), về giữ gìn vệ sinh, trật tự chung... đã được khán giả làm quen và thích nghi.

Chú thích ảnh
Khán giả cuồng nhiệt tại Monsoon2017

Riêng với âm nhạc, khán giả đang tiến tới thói quen đến nghe nhạc vì sự mới lạ chứ không vì nghệ sĩ nổi tiếng hay ca khúc quen thuộc. Vì thế, họ đã không chỉ biết đến Bond, Scorpions mà còn là Garden City Movement, Samaris, Joss Stone…

Chỉ có điều, khán giả Việt cần mở lòng mình ra với âm nhạc bằng thái độ hưởng ứng và tương tác nhiệt tình với nghệ sĩ nhiều hơn.

2. Dù muốn hay không, đêm cuối của Monsoon 2017, nhạc sĩ Quốc Trung vẫn tỏ lời thanh minh: anh có chiều khán giả đấy chứ. Nhưng không phải là nuông chiều mà là yêu chiều. Mà yêu thì quan điểm mỗi người một khác.

Với Quốc Trung, lạ chính là hay. Mà muốn hay thì phải mở lòng mình. Và cách chiều khán giả của nhà tổ chức như Quốc Trung là cái chiều …sâu và âm thầm.

Vì thế, dù là kì lễ hội cuối cùng nhưng cả ê-kíp vẫn nỗ lực vượt qua những khó khăn khi 3 lần phải dời lịch diễn vì lý do thời gian và địa điểm tổ chức. Các nghệ sĩ quốc tế cũng phải vất vả để thu xếp lịch diễn toàn cầu của mình cho Monsoon.

Một câu chuyện bên lề: Chris Minh Doky, nghệ sĩ bass xuất sắc của Đan Mạch mang nửa dòng máu Việt, đã phải chạy xe tổng cộng 9 tiếng để ra sân bay nhưng chuyến bay của anh lại bị hoãn đến 20 tiếng về Việt Nam. Vậy mà chỉ trong 16 tiếng có mặt tại quê hương của cha, anh bảo mình đã kịp làm nhiều điều có ý nghĩa: được về thăm nhà cũ – nơi bố anh sinh ra ở phố Huế, đi ăn bánh cuốn bà Hoành ở Tô Hiến Thành. Và nhất là cống hiến 50 phút biểu diễn cùng ban nhạc tại Hoàng Thành, để rồi  sau đólại tất tả lên máy bay.

Những gì mà Monsoon đã gây dựng và làm được trong những năm qua, không đơn giản chỉ là để khán giả yêu Hà Nội, yêu Hoàng thành và xây dựng cộng đồng yêu nhạc như nhạc sĩ Quốc Trung mong mỏi.

Vì ở một tầm cao hơn, ngay từ những ngày đầu được công bố, Monsoon được biết đến là sự kiện nằm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thủ đô của Hà Nội.

Với vai trò này, nếu để sự kiện dừng lại vì lý do địa điểm Hoàng thành Thăng long không còn phù hợp, chắc chắn sẽ rất khó có cơ hội nào khác để đời sống âm nhạc Việt Nam được phát triển và lan tỏa một cách văn minh và lành mạnh như Monsoon. Chưa kể đến cơ hội để quảng bá hình ảnh Hà Nội, thành phố văn hóa truyền thống, hiện đại nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm thế giới.

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên, khi nói về việc tìm kiếm địa điểm tổ chức mới cho kỳ lễ hội âm nhạc tiếp theo của Monsoon, Quốc Trung khẳng định: "Chúng tôi cần một địa điểm mới, phù hợp và tương xứng được khoảng khoảng 90% so với Hoàng thành Thăng Long để tiếp tục với những kì lễ hội tiếp theo. Ban tổ chức sẵn sàng trao giải thưởng lớn dành cho người đưa ra phương án tốt nhất.”

Như nhạc sĩ Quốc Trung nhắn nhủ:mình anh không làm nên Monsoon, do vậy để chương trình còn cơ hội diễn ra tại Hà Nội thì điều đó phụ thuộc khá nhiều vào sự ủng hộ của cộng đồng.

Song, có lẽ, điều tiên quyết còn nằm ở sự quan tâm và ủng hộ từ phía các nhà quản lý, định hướng văn hóa thủ đô.

"Đến Hà Nội, phải dự Gió mùa"

 "Chúng tôi mong muốn đưa Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa trở thành biểu tượng văn hoá của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của một thế hệ trẻ trung và sáng tạo hơn, để người Hà Nội có thể tự hào giới thiệu với những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới: Đến với Hà Nội, phải dự Lễ hội Âm nhạc Gió mùa" – Quốc Trung nói về Monsoon.

Mở màn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa Monsoon 2017: Ngọt như 'Ngọt'

Mở màn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa Monsoon 2017: Ngọt như 'Ngọt'

Đêm mở màn lần thứ 4 của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa đã diễn ra tối 10/11 với sự có mặt của hàng nghìn khán giả. Cơn gió mùa của âm nhạc tại lễ hội diễn ra cũng vừa vặn với tiết trời Hà Nội đầu Đông, mát dịu nhẹ.

An Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm