Hàng loạt hoạt động văn hóa tại Phố cổ Hà Nội mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

19/11/2021 21:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Quản lý bền vững và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11: Quản lý bền vững và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Chiều 23/11, tại khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã ra mắt Trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ của Làng nghề mộc truyền thống Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai. Những sản phẩm này với kỹ thuật chế tác riêng, đã góp phần lưu giữ, phát huy những nét mỹ thuật, điêu khắc truyền thống Việt qua các thời kỳ.

Chú thích ảnh
Trình diễn điêu khắc gỗ của Làng nghề mộc truyền thống Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội sau lễ khai mạc

Triển lãm ảnh chủ đề “Nghề truyền thống Việt Nam” cũng được tổ chức, giới thiệu 60 tác phẩm nhiếp ảnh chọn lọc từ cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam “Nghề truyền thống Việt Nam”.

Thông qua các triển lãm, trưng bày, công chúng và du khách cảm nhận sâu hơn sức sống trường tồn của di sản nghề truyền thống, sức sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề trong công cuộc gắn kết các giá trị truyền thống và hiện đại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Chúng ta cần quan tâm tới nghệ nhân, bởi nghệ nhân là báu vật làng nghề. Có như thế, nghệ nhân mới có thể sáng tạo ra những sản phẩm, đồng thời cũng là tác phẩm nghệ thuật. Từ đó lại kích thích xã hội, thị trường chấp nhận để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản”.

Chú thích ảnh
Trưng bày các sản phẩm điêu khắc gỗ của Làng nghề mộc truyền thống Áng Phao, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Lễ khai mạc cũng mở ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói chung, di sản văn hóa Phố cổ Hà Nội nói riêng tại nhiều không gian di sản, giao lưu văn hóa phố cổ, như: Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây; Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm... Đáng chú ý, trong ngày 21/11, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm sẽ diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi thiết kế mỹ thuật “Hoàn Kiếm - 60 năm một tình yêu”.

Bà Trần Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, khách đến tham quan tại các địa điểm trên đều phải thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19, thông điệp 5K, cài đặt và quét mã QR, đo thân nhiệt và xịt khuẩn trước khi ra vào tham quan…

Hiện nay, Hà Nội trong giai đoạn trạng thái bình thường mới để khôi phục, thúc đẩy xúc tiến kích cầu du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống. Vì vậy, để duy trì tổ chức hoạt động tại các điểm trong Khu Phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã lên phương án tổ chức, sắp xếp để mọi người có thể tới trực tiếp hoặc gián tiếp tham quan trên trang Fanpage “Phố cổ Hà Nội”.

Các hoạt động sẽ kết thúc vào 15/12.

Thanh Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm