'Hai Đầu Méo' Trần Nhã Thụy: Xả xì-trét với 'Váy ơi là váy'

13/05/2013 07:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trần Nhã Thụy là cây bút “đa năng”, anh được biết đến với tư cách tác giả truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, hàng ngàn bài báo và tiểu phẩm. Như một đầu bếp giỏi, Trần Nhã Thụy chế biến được nhiều món ngon từ “nguồn nguyên liệu chữ” ở vườn văn của mình. Cuốn tiểu phẩm Váy ơi là váy vừa được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành của Trần Nhã Thụy đã chứng minh điều đó.

Trần Nhã Thụy dùng bút danh Hai Đầu Méo khi viết tiểu phẩm Váy ơi là váy. Tại sao lại là Hai Đầu Méo? “Vì tôi thứ Hai, từ nhỏ đã sở hữu một cái đầu hơi… móp méo, nên khi nghĩ bút danh cho mục tiểu phẩm tôi đã lấy cái tên nghe ngồ ngộ này. Thêm nữa, vì đây là tiểu phẩm châm biếm, nên phải được tư duy bằng cái đầu hài hước và hơi… méo mó một chút” - Trần Nhã Thụy “trần tình đơn giản” về cái bút danh ngồ ngộ của anh.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Viết tiểu phẩm để “xả xì-trét”

Gần 50 tiểu phẩm trong Váy ơi là váy, tôi đã đọc phần nhiều khi in trên báo, vì Hai Đầu Méo từng rủ rê tôi - dùng bút danh Y Choang Trần - khi viết tiểu phẩm cho mục này. Viết với chúng tôi, hẳn nhiên là để kiếm sống và viết cũng không phải để thành đại gia lắm tiền đi bao mấy em chân dài... Tuy nhiên, viết không chỉ để kiếm sống, viết còn là cách để người viết bớt buồn. Gặp mặt hàng ngày, tôi ít khi thấy Trần Nhã Thụy buồn ai, vì có lẽ những nỗi buồn của anh đã được “xả xì-trét” trong lúc viết tiểu phẩm hết rồi!

Cuốn sách Váy ơi là váy lúc đầu được Hai Đầu Méo đặt tên Bờ mông cực buồn theo một câu thơ của tác giả 8x từng tạo nên hiện tượng trên văn đàn Nguyễn Thế Hoàng Linh. Thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh thế này: “Chẳng qua tại sịp em hồng/ Và em có một bờ mông cực buồn. Còn tiểu phẩm Bờ mông cực buồn viết chuyện thời trang thiếu vải của nhiều cô gái hiện nay, khiến người khác khó xử khi nhìn, một cách trào lộng đến cười ra nước mắt.

Đọc Váy ơi là váy giúp tôi giải sầu được! Bởi theo tôi, Hai Đầu Méo như một đầu bếp giỏi đã biết dọn ra những thực đơn có thật, được chọn lọc và hợp khẩu vị với nhiều người đọc hôm nay, trong đó có tôi. Nhà văn phải biết tưởng tượng, điều này hẳn nhiên, nhưng nhà văn viết tiểu phẩm dù tưởng tượng siêu phàm đến mấy mà không dựa trên thực tế cuộc sống thì khó thể khiến người đọc nhếch mép cười. Viết tiểu phẩm mà không có chất thực của đời sống, cũng giống như ông đầu bếp toàn làm bánh vẽ hoặc bày ra các món “thịt rồng, thịt phượng” xa lạ với con người vậy. Người đọc chưa nhìn thấy, chưa nếm thử “chất thực” trong đời làm sao biết ngon hay dở, vui hay buồn để so sánh… mà cười được.

Váy ơi là váy, cuốn sách mới nhất của nhà văn “đa năng” Trần Nhã Thụy

Một đầu bếp giỏi

Nhiều người sẽ hỏi: đọc tiểu phẩm chỉ để bớt buồn thôi ư, nếu vậy có khác gì xem tấu hài? Vâng, hoàn toàn đúng, đọc tiểu phẩm chỉ để cười thì đó là một tiểu phẩm hay một cách… cơ học, giống như mình bị thọc lét vậy.

Nhưng đọc Váy ơi là váy lại bớt buồn theo cách khác. Hai Đầu Méo đưa ra những góc nhìn về cuộc sống xung quanh khiến người đọc tự nhận thức lại sự bi lụy của mình, để rồi tủm tỉm cười: “Cuộc đời vui quá không buồn được”  (thơ Tuân Nguyễn).

Với bạn đọc trung thành của Trần Nhã Thụy, tôi tin người yêu thích văn của anh không ít, nếu để ý sẽ thấy ông nhà văn sinh năm 1973 này rất chịu khó thâm canh đề tài. Cùng là vấn đề về môi trường sống bị ô nhiễm, Trần Nhã Thụy viết thành tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước (tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2009), với câu mở hàng: “Cơ thể chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”.

Cũng đề tài môi trường, Hai Đầu Méo thì viết Chuyện tào lao với một buổi sáng trốn kẹt xe tấp vào quán cà phê được pha chế bằng hóa chất ở chợ Kim Biên, gặp con cua biết nói tiếng người vừa “tị nạn” trong trái nước dừa vì không chịu nổi các dòng sông bốc mùi. Rồi lại chính Trần Nhã Thụy chuyển đề tài môi trường ô nhiễm này thành kịch bản phim truyền hình Ám ảnh… Tôi nói Trần Nhã Thụy hay Hai Đầu Méo là một đầu bếp giỏi là vì vậy, bởi anh “chế biến” các món tiểu thuyết, món tiểu phẩm hay món kịch bản phim truyền hình từ một nguồn nguyên liệu đều ngon và có vị riêng!

Tin rằng khi đọc một tác phẩm hay cũng giống như được ăn một món ngon khoái khẩu vậy. Thì đây, Váy ơi là váy là một món ngon như thế, xin mời “bạn xơi” - nếu thích - hoặc đứng nhìn cũng được, vì tiểu phẩm Váy ơi là váy không phải hàng hóa độc quyền bắt buộc bạn phải dùng. Bởi Trần Nhã Thụy thuộc dạng nhà văn không bao giờ chủ động “PR” tác phẩm của mình để thành “hàng hóa” best-seller, dù anh không hề thiếu “phương tiện” để đánh bóng tên tuổi và tác phẩm của mình.

TRẦN HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm