10/01/2020 11:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội chùa Hương năm 2020 sẽ tổ chức khai hội vào ngày 30/1/2020 (tức mùng 6 tháng Giêng) với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”.
Để ngăn chặn hiện tượng phát sinh điểm thờ tự trái phép như mùa lễ hội 2019, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2020 nhấn mạnh tăng cường lực lượng phối hợp kiểm tra, giám sát. Theo đó, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra gồm: Tiểu ban Văn hóa - Xã hội; Kinh tế - Tài chính; An ninh trật tự; Quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường; Quản lý điều hành cổng trạm; Điều hành vận chuyển khách… nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Ban tổ chức lễ hội sẽ bố trí lực lượng thường trực lễ hội 24/24h. Lễ hội sẽ tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn; cấm quảng cáo và tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã; thực hiện nghiêm quy định về phương tiện cứu hộ trên xuồng, đò chuyên chở hành khách…
100% hộ kinh doanh, dịch vụ tham gia tập huấn về Luật Di sản văn hóa, thực hiện ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thực hiện niêm yết công khai giá và số điện thoại, ký cam kết không chèo kéo, đeo bám du khách…
Năm nay, giá vẻ thắng cảnh, dịch vụ xuồng đò chùa Hương không thay đổi, giữ nguyên như 2018. Cụ thể, giá vé thắng cảnh là 80.000 đồng/người cho toàn bộ di tích thắng cảnh Hương Sơn (21 điểm); giá vé xuồng đò là 50.000 đồng cả lượt vào và ra.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 9-1-2020, các ban HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát công tác bảo đảm an toàn xã hội, an toàn giao thông, quản lý lễ hội trên địa bàn huyện Mỹ Đức trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Đoàn khảo sát đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao thành phố và UBND huyện Mỹ Đức tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân; chú trọng phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian trong lễ hội và hướng dẫn nhân dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội.
Ngoài ra, đoàn khảo sát cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại diễn ra trong lễ hội như chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, nâng giá trông giữ phương tiện…
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất