Goethe hiện diện cả ở khu quân sự

31/07/2011 15:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ban đầu chỉ là một hiệp hội nhỏ được thành lập nhằm thúc đẩy tiếng Đức, nhưng giờ đây sau 60 năm, Viện Goethe có 3.000 nhân viên đang xúc tiến nhiều dự án văn hóa cùng các đối tác bản địa trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chi nhánh thứ 150 của Viện Goethe vừa được mở ở một nơi vô cùng đặc biệt - tại chính khu quân sự nghiêm ngặt giữa Bắc và Nam Cộng hòa Cyprus. Chi nhánh này được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai và nằm trong sự canh phòng cẩn mật của lính Liên hiệp quốc. Việc khai trương chi nhánh này được xem như một hành động đặc biệt nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Goethe.

“Một cầu nối” giữa thủ đô Nicosia đang bị chia cắt

Chi nhánh Viện Goethe từng có mặt ở thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus, tuy nhiên nó đã phải đóng cửa cách đây 11 năm. Nhưng giờ ông Klaus-Dieter Lehman, Tổng Giám đốc của Viện Goethe từ năm 2008, cho rằng thực tế đó phải được thay đổi và quyết định thành lập chi nhánh Viện Goethe ở giữa Bắc và Nam Cộng hòa Cyprus, coi đây như một cầu nối giữa thủ đô đang bị chia cắt và là thông điệp của châu Âu ở quốc đảo Âu Á này.

Các dự án phát triển ở thế giới A Rập cho thấy các hoạt động văn hóa đã thâm nhập vào lĩnh vực chính trị như thế nào. Viện Goethe đang đặc biệt chú trọng tới khu vực này. Ở Ai Cập và Tunisia, Viện đã xúc tiến nhiều dự án liên danh giữa các nghệ sĩ và nhà làm phim A Rập và Đức. Ở Cairo, Viện đã nhanh chóng mở trung tâm mang tên Tahrir để qua đó mọi người có cơ hội chia sẻ trải nghiệm với nhau sau khi nước này trải qua cuộc bạo động chính trị hồi đầu năm.

“Chúng tôi từng cử các nhân viên trung tâm tư liệu của cảnh sát mật Đức tới Cairo (Ai Cập) để hướng dẫn cách xử lý với các file mật như thế nào” - ông Klaus-Dieter Lehmann cho biết. “Phạm vi công việc của chúng tôi trải dài từ nghệ thuật và văn hóa tới chính trị, xã hội”.

Chi nhánh Viện Goethe mới được khai trương ở khu vực quân sự
nghiệm ngặt giữa Bắc và Nam Cộng hòa Cyprus.

Nỗ lực giành lại uy tín sau Thế chiến II

Khi Viện Goethe được thành lập cách đây 60 năm, các nhà điều hành không hề “đả động” gì đến các công việc liên quan đến chính trị. Lúc đó, Chính phủ Đức - mới được thiết lập lại sau Thế chiến II với sự hỗ trợ của các nước đồng minh - mới được 2 tuổi. Thời điểm đó, uy tín của nước Đức đã giảm mạnh trên trường quốc tế do chiến tranh và các tội ác do Phát xít gây ra và mục đích của Chính phủ Đức là giành lại sự tin cậy bằng những bước nhỏ.

Một trong những bước nhỏ đó là thiết lập một hiệp hội chuyên đào tạo các giáo viên tiếng Đức người nước ngoài. Ngày 9/8/1951, Viện Goethe được thành lập ở Munich. Các buổi dạy tiếng Đức đầu tiên diễn ra tại các thị trấn nhỏ như Bad Reichenhall và Murnau ở Bavaria.

Đầu năm 1952, chi nhánh nước ngoài đầu tiên của Viện Goethe được thành lập ở Athens, thủ đô Hy Lạp. Một thập kỷ sau đó thì thiết chế này đã có 54 văn phòng ở nước ngoài và 17 chi nhánh ở Đức.

Viện Goethe là một tổ chức tự trị và phương châm hoạt động của nó là không lệ thuộc vào chính trị. “Chúng tôi không phải là một tổ chức của nhà nước mà là một thực thể độc lập. Mặc dù 2/3 kinh phí của chúng tôi do Quốc hội Đức cấp, nhưng chúng tôi hoàn toàn tự chủ về nội dung trong các chương trình hoạt động của mình. Điều này đã được ghi nhận trên toàn thế giới và với cách đó mà chúng tôi đã giành lại được uy tín cho nước Đức” - ông Lehmann nói.

Đối thoại và hợp tác ở mức ngang tầm

Trong những năm đầu hoạt động, Viện Goethe đã cân nhắc chú trọng tới chủ nghĩa kinh điển. Nhờ vậy mà danh tiếng của các nghệ sĩ như Goethe, Schiller, Bach và Beethoven vẫn lan tỏa khắp toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu này đã phải chuyển hướng. Năm 1970, nhà xã hội học nổi tiếng Ralf Dahrendorf đã đưa ra những nguyên tắc hoạt động nổi tiếng trong việc thiết lập chính sách văn hóa: “Cởi mở là châm ngôn trong chính sách văn hóa nước ngoài của chúng ta”.

Thay vì xuất khẩu văn hóa như Viện Goethe vẫn làm trong một thời gian dài, ông Dahrendorf kêu gọi trao đổi, đối thoại và hợp tác ở mức ngang tầm. Và nhờ vậy mà giờ đây Viện Goethe đã có 3.000 nhân viên đang hợp tác với các đối tác bản địa trên khắp toàn cầu.

Trong một thời gian dài, Viện Goethe không thể hoạt động được ở các nước Đông Âu cho đến khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Chỉ riêng trong năm 1991, Viện đã mở chi nhánh ở Warsaw, Krakow (Ba Lan), Prague (Cộng hòa Czech), Budapest (Hungary) và Moskva (Nga).

Thời điểm hiện tại, Viện Goethe không có kế hoạch mở thêm văn phòng mà chú tâm tới hoạt động của 150 chi nhánh đang tồn tại. Ông Lehmann nhận thấy thách thức lớn nhất hiện nay đối với thiết chế của mình là thúc đẩy các hoạt động ở Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm