Góc nhìn 365: Khi Hồ Gươm chờ 'mốc 0'

12/05/2020 07:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về “cột mốc số 0” tại Hồ Gươm một lần nữa được quan tâm trở lại. Cụ thể, tuần qua, thông tin từ thành phố Hà Nội cho biết: lãnh đạo thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xem xét nghiên cứu, xây dựng công trình này với các yêu cầu có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...

Mốc số 0 tại Hồ Gươm: Tưởng dễ mà... lại rất khó

Mốc số 0 tại Hồ Gươm: Tưởng dễ mà... lại rất khó

Hà Nội sẽ có cột mốc số 0 tại Hồ Gươm. Đó là thông tin đáng chú ý trong đề án cải tạo, chỉnh trang không gian văn hóa lịch sử này (hiện đang được trưng bày để lấy ý kiến nhân dân trước khi hoàn thiện).

Trước đó, ý tưởng thiết lập mốc số 0 đã được dư luận đề cập nhiều lần - đặc biệt là ở thời điểm chuẩn bị đón Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

Gần nhất, khi đề án chỉnh trang, cải tạo không gian quanh Hồ Gươm được đưa ra để lấy ý kiến dư luận vào năm 2018, công trình này cũng tiếp tục được nhắc tới.

Cần nhắc lại, mốc số 0 vốn khá phổ biến tại nhiều thành phố trên thế giới. Trong cách hiểu phổ thông nhất, đó là điểm trung tâm của đô thị, từ đó tạo ra mạng lưới trắc đạc để tính khoảng cách tới các vị trí trong thành phố hoặc hệ đô thị xung quanh. Thậm chí, ở nhiều trường hợp, mốc 0 xuất hiện ngay từ khi mới thành lập đô thị: Các nhà quy hoạch sẽ chọn mốc này rồi phát triển ra mỗi hướng khoảng 1 km để xây dựng những công trình đầu tiên.

Và, không có gì lạ khi rất nhiều mốc 0 trên thế giới đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, với những câu chuyện được hình thành quanh sự tồn tại của nó. Chẳng hạn, như những gì được kể, mốc 0 tại Paris nằm trước Nhà thờ Đức Bà, gắn với lời nguyền rằng du khách đặt chân lên điểm này sẽ có cơ hội trở lại thành phố trong tương lai. Ở Athens (Hy Lạp),mốc 0 được cho là điểm xuất phát của các cuộc đua marathon từ xa xưa. Còn tại Nga, mốc 0 tại Quảng trường Đỏ lại gắn với truyền thuyết về việc giúp mọi người đạt được mọi ước nguyện của mình...

Như thế, có thể thấy: ý tưởng dựng mốc 0 tại Hồ Gươm - nơi được coi là trung tâm của một Hà Nội ngàn năm tuổi - là hợp lý và khả thi.

Chú thích ảnh
Câu chuyện về “cột mốc số 0” tại Hồ Gươm một lần nữa được quan tâm trở lại. Ảnh: Internet

Vấn đề còn lại chỉ là việc xác định vị trí cụ thể, cũng như thiết kế của công trình đặc biệt này. Có điều, đó lại chính là lý do mở ra những cuộc tranh luận trong vài năm qua.

Ở thời điểm hiện tại, ý tưởng được nhắc tới nhiều nhất là việc đặt mốc số 0 vào vị trí đang tồn tại chiếc đồng hồ hoa Thụy Sĩ (gần ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) - từng được thành phố Bern tặng cho Hà Nội vào năm 2010 nhưng lại không mấy phù hợp với khung cảnh Hồ Gươm trên thực tế. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy:Giải pháp này thuận lợi với việc tận dụng một vị trí sẵn có nhưng lại gắn với một không gian hẹp và không nhiều ý nghĩa lịch sử nếu so với các điểm khác.

Từ đó,đã có đề xuất cột mốc số 0 nên được đặt phía trước tòa nhà Bưu điện Hà Nội - nơi vẫn mặc định được coi là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố (ngành bưu chính luôn đòi hỏi những cột mốc chính xác về địa lý để làm điểm chuẩn trong tính toán). Đáng nói, có ý kiến đề xuất tận dụng tháp Hòa Phong tại đây - một trong những kiến trúc cổ nhất còn lại quanh Hồ Gươm - để tạo lập “mốc 0”.

Hoặc, đề cao yếu tố về lịch sử, cũng đã có những ý kiến đề nghị đặt mốc 0 vào vị trí của đài phun nước hiện naytrên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Như phân tích, địa điểm này là nơi gắn kết giữa khu phố cổ - trung tâm của một Thăng Long ngàn năm tuổi - với một hồ Hoàn Kiếm là biểu tượng của Hà Nội từ gần một thế kỷ qua. Ở góc độ quy hoạch, vị trí này cũng là nơi hội tụ của 5, 6 tuyến phố và có thể thu hút du kháchtừ mọi hướng.

Ngoài ra, thiết kế của mốc số 0 cũng đặt ra những lựa chọn khác nhau. Như tư vấn từ Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, các mốc số 0 trên thế giới thường có 2 dạng: Đứng (xây nổi trên mặt đất) và nằm (xây chìm, thường ở dạng một phù điêu hoặc mảnh ghép trên vỉa hè hoặc quảng trường). Thông thường, cột mốc đứng gắn với thông điệp du khách đã từng “đến thăm nơi đây”, còn cột mốc nằm mang ý nghĩa “đặt chân tới đây”. Do vậy, đặt trong bối cảnh về sự thân thiện của Hà Nội, công trình này được tư vấn nên là cột mốc dạng “đứng” - trong khi nhiều KTS lại đề xuất nên chọn dạng “nằm” để tránh xung đột về thị giác với nhiều kiến trúc thu hút tầm nhìn của người xem tại đây.

Như thế, cột mốc số 0 sẽ là câu chuyện cần tới sự sáng tạo và lựa chọn của giới chuyên môn, để Hồ Gươm vừa giữ được những giá trị vốn có, vừa bổ sung thêm một điểm nhấn ý nghĩa về tổng thể.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm