Góc nhìn 365: 'Cột mốc' Tết ông Táo

20/01/2022 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang dần nhích tới ngày ông Táo lên trời trong năm Tân Sửu 2021. Ngay từ thời điểm này, mạng xã hội đã tràn ngập các hình ảnh của những món đồ như cá chép, vàng mã, hương hoa... cộng cùng các hướng dẫn về văn khấn hay cách bày mâm cúng.

 May thay, Tết ông Táo vẫn còn!

May thay, Tết ông Táo vẫn còn!

Nhà nhà đang bận rộn từ sáng lo cúng lễ; nhưng có lẽ không nhiều người hiểu kỹ nguồn gốc, ý nghĩa của mỹ tục này, một tập quán ngày càng có giá trị sâu sắc trong đời sống hiện đại.

Với người Việt, cúng ông Táo lên trời là nghi thức không thể thiếu trong nhiều thế kỷ qua. Ở đó, bất kể giàu nghèo, sang hèn hay những khác biệt về địa lý, mỗi gia đình vẫn luôn tất bật dọn dẹp, bày biện để có một lễ cúng cho ngày 23 tháng Chạp.

Thế nhưng, nếu quan sát kĩ, cách vận hành của “Tết ông Táo” theo thời gian cũng gắn với những cột mốc thay đổi của xã hội và cộng đồng.

Như phân tích của giới nghiên cứu, ở thời điểm khởi phát, tập tục này bắt nguồn từ việc thờ ba vị thần Thổ Công - Thổ Địa - Thổ Kỳ tại Trung Hoa. Nhưng cũng rất nhanh, theo thời gian, tập tục ấy sớm được “Việt hóa” bằng truyền thuyết “hai ông - một bà” có liên quan tới bếp lửa. Để rồi, từ một nghi thức của đạo Lão, việc cúng ông Táo lại được phát triển thành câu chuyện của tình nghĩa vợ chồng, cũng như ước muốn về một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng đỏ lửa trong dân gian.

Chú thích ảnh
Người dân mua vàng mã và vật phẩm truyền thống cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Rồi, sang nhịp sống hiện đại, sự dân dã, phóng khoáng của người Việt lại một lần nữa khiến câu chuyện Táo quân trở nên gần gũi và ấm áp. Ở đó, không còn là những vị thần uy nghiệm, phải “kính nhi viễn nhi” như nguyên gốc, hành trình lên trời của ông Táo từ vài chục năm qua bỗng được cách điệu trong vô vàn tiểu phẩm sáng tạo, để trở thành những tiểu phẩm giúp cả xã hội tự soi chiếu với bao chuyện tỉ tê, trách móc, vui buồn. Chỉ cần nhìn sự háo hức của cộng đồng trước những thông tin về “đặc sản” Táo quân trong chương trình truyền hình đón giao thừa mỗi năm, ai cũng nhận ra điều đó.

Chưa hết, bản thân lễ cúng ông Táo cũng là một thước đo đặc biệt về sự phát triển của xã hội. Trong quá khứ, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, không ít gia đình đã giản lược mâm cỗ cúng chỉ với gạo, muối hoặc quả cau đĩa trầu theo tính chất “lễ bạc tâm thành”. Còn bây giờ, khi cuộc sống khấm khá hơn, chúng ta thường có hai hình thức phổ biến là phóng sinh (cá sống) và hóa vàng (cá bằng đồ mã) - dù cũng chưa tài liệu nào xác định được rằng các tập tục này đã xuất hiện được từ bao giờ trong truyền thống.

Chú thích ảnh
Hàng chục tấn "cá chép đỏ" từ khắp miền Bắc đổ về Chợ cá Yên Sở, Hà Nội phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Thậm chí, như câu nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, trong xu hướng chọn cá chép dâng ông Táo, nhiều gia đình không dừng ở cá chép đỏ, cá chép vàng nghệ mà mua hẳn chép Koi gốc Nhật Bản - để rồi khi cúng xong, có thể phóng sinh hoặc... bỏ vào bể cá cảnh của mình. Rồi, như một điều tất yếu về việc chất chứa thêm quá nhiều cầu mong, kì vọng vào lễ cúng ấy, nhiều gia đình cũng hì hục sắm vô vàn “phụ kiện” đồ mã như vàng, tiền, hình nhân, ô tô… - dù nhiều chuyên gia khẳng định rằng ngoài cá chép và mũ táo quân, những món vàng mã kia không hề có trong tập tục.

Kể cũng thú vị - khi chỉ với một nghi thức truyền thống, chúng ta có thể nhìn ra những biến đổi đặc thù của xã hội và cộng đồng.

***

Nhưng bỏ qua những câu chuyện ấy, ngày cúng ông Táo còn gắn với một cột mốc khác - cột mốc báo hiệu sắp chấm dứt tháng Chạp để bước qua một năm mới.

Với rất nhiều người, tháng Chạp là sự háo hức để chờ đợi tháng Giêng. Và bởi thế, là tháng kết thúc của lịch âm, nhưng nó lại không bao giờ đóng khép, mà luôn mở ra những hy vọng và cảm xúc về một vòng quay 365 ngày sắp tới trong đời người.

Ngày Tết ông Táo cũng thế, nó là cột mốc cuối cùng của năm, khi chỉ còn một tuần lễ nữa là chúng ta đón Tết về. Buồn vui thế nào trong suốt một năm, rồi Tết vẫn sẽ phải là Tết. Giống như, dù có sự biến đổi đa sắc theo thời gian, không gian và cả chủ thể hành lễ, ngày cúng ông Táo vẫn cứ là cột mốc đặc biệt vào cuối năm với mỗi người Việt.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm