Giãn dân phố cổ

27/06/2019 07:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết: trong vài tháng tới, đề án xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ sẽ được khởi công. Đây là đề án đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Kinh nghiệm cải tạo di tích trong trường học ở phố cổ Hà Nội

Kinh nghiệm cải tạo di tích trong trường học ở phố cổ Hà Nội

Buổi tọa đàm chuyên môn Kinh nghiệm từ việc trùng tu và cải tạo di tích – Trường tiểu học Hồng Hà (40 – Lãn Ông) được tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội.

Theo đề án, khoảng 6500 hộ dân đang sinh sống tại phố cổ Hà Nội sẽ lần lượt được tạo điều kiện để di dời sang các khu đô thị mới xây dựng tại quận Long Biên. Và sau khi hoàn thành, mật độ cư dân trung bình của phố cổ được kì vọng giảm xuống còn 500 người/ha – thay vì khoảng 850 người/ha như hiện tại.

Ai cũng biết rõ, dù chỉ rộng 100ha, vậy nhưng khu phố cổ Hà Nội là nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước. Và, để giảm bớt áp lực lên không gian văn hóa độc đáo này – cũng như đảm bảo điều kiện sinh hoạt chung - việc di dời một bộ phận dân cư có đời sống khó khăn tại phố cổ là giải pháp tất yếu phải làm.

Chỉ có điều, cũng bởi sức hút từ phố cổ - trong đó tất nhiên có cả lợi thế kinh doanh - giải pháp “giãn dân” ấy không dễ thực hiện.

Chú thích ảnh
Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Internet

Sự thực, trong gần 20 năm qua, quận Hoàn Kiếm cũng đã di dời một số hộ dân tại đây để ưu tiên trả lại không gian cho các di tích bị lấn chiếm hoặc bảo tồn các kiến trúc có giá trị. Đó là các trường hợp của nhà cổ 51 Hàng Bạc, đền Quan Đế (Hàng Buồm), đình Kim Ngân (Hàng Bạc), đình Thái Cam (Hàng Vải).... Như lời kể của những người trong cuộc, để tìm được sự đồng thuận, những cuộc vận động, thuyết phục các hộ dân ấy thường diễn ra vô cùng công phu, tỉ mỉ và có lúc kéo dài tới vài năm trời...

***

Việc giảm bớt áp lực dân cư ở những phức hợp cộng cư kiến trúc - cộng đồng luôn là một thách thức trong công tác bảo tồn. Thực tế đã chứng minh: “nút thắt” trong bài toán này nằm sự hấp dẫn của khu vực tái định cư đối với người dân.

Vài năm trước, trong những đợt trưng bày và giới thiệu về đề án giãn dân phố cổ, thành phố Hà Nội cũng đã cho thấy những nỗ lực bước đầu để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân được di dời. Cụ thể, khu đô thị giãn dân được thiết kế theo “tinh thần” của phố cổ cũ, với phố đi bộ và các bãi giữ xe hiện đại. Rồi, toàn bộ tầng trệt của các tòa nhà chung cư cũng dự kiến được chia thành các quầy bán hàng (kích thước 10x5 mét) xen lẫn không gian sinh hoạt chung. Theo đó, cư dân chuyển tới sẽ được tạo điều kiện sử dụng những quầy hàng này làm nơi kinh doanh cho mình....

Nhưng rõ ràng, để việc giãn dân phố cổ trong tương lai được thuận lợi, sẽ còn nhiều giải pháp cần được áp dụng nghiên cứu thêm. Điển hình, như đề xuất của KTS Đào Ngọc Nghiêm, một tuyến xe bus miễn phí kết nối giữa phố cổ và khu định cư cần được thiết lập. Khi ấy, khu vực này sẽ trở thành một... vệ tinh của phố cổ hiện tại. Và không chỉ với những cư dân cũ, các du khách sau khi tới phố cổ cũng có thể dễ dàng lên xe bus, và tiếp tục mua sắm tại những quầy hàng đã được “mở rộng” sang không gian này.

Hoặc, nhiều chuyên gia từng đề xuất: để giảm gánh nặng về kinh phí, cơ chế thu hút doanh nghiệp hỗ trợ người dân phố cổ di dời sang khu vực mới cần được thành lập. Theo đó, khi làm điều này, doanh nghiệp sẽ được hưởng một số quyền lợi như gắn việc quảng bá thương hiệu của mình với phố cổ Hà Nội, thậm chí là giảm trừ một phần thuế kinh doanh. Đây là mô hình đã được áp dụng trong việc bảo tồn di sản tại nhiều nơi trên thế giới.

Tất cả những giải pháp bổ sung ấy cần được nghiên cứu để chuẩn bị cho một cuộc di dời lớn của Hà Nội

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm