Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Trần Bé tìm cách đổi chiều gió núi

01/06/2022 21:40 GMT+7 | Văn hoá

Nguyễn Trần Bé học trung cấp địa chất rồi thành cán bộ địa chất xuyên rừng vẽ bản đồ. Bằng sự từng trải này ông viết Những đứa con của rừng truyện dài cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng xuất bản (1997) rồi tái bản (2008). Một trích đoạn truyện được vào giáo khoa Tiếng Việt 2 tập 2, bộ sách hiện hành.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hóa thân vào thiếu nhi để nói lên tiếng lòng

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hóa thân vào thiếu nhi để nói lên tiếng lòng

Dù bận bịu với rất nhiều công việc chuyên môn và quản lý, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vẫn sáng tác cả nghìn ca khúc các loại, trong số đó có bài được vào danh sách 50٠ bài hát thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, có ca khúc được vào sách giáo khoa âm nhạc.

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY

Truyện lấy bối cảnh Tây Nguyên. Con voi Đuôn Lênh - vật nuôi trong nhà từng được bộ đội Giải phóng giải cứu khi nó sa hố. Nhưng khi chứng kiến voi rừng bị dân làng vây bắt, nó bỏ buôn làng trở về với rừng xanh. Bé Y Tun xin đi theo đoàn địa chất, để tìm con voi.

Voi Đuôn Lênh và bài học rừng xanh

Trong sách Tiếng Việt 2, Đuôn Lênh xuất hiện ở bài Voi nhà thuộc chủ điểm Muông thú:

“Gần tối cơn mưa rừng ập tới. Chiếc xe của chúng tôi bỗng khựng lại. Tứ rú ga mấy lần nhưng xe không nhúc nhích. Hai bánh trước đã vục xuống vũng lầy. Chúng tôi đành ngồi thu lu trong xe, chịu rét qua đêm. Gần sáng trời tạnh. Tứ nhảy xuống nhìn, lắc đầu: “Thế này thì hết cách rồi!”. Bỗng Cần kêu lên: “Chạy đi! Voi rừng đấy!”. Mọi người vội vàng nép vào lùm cây ven đường. Một con voi già lừng lững tiến về chiếc xe. Tứ chộp lấy khẩu súng. Cần vội ngăn lại: “Không được bắn!”. Con voi lúc lắc vòi ra hiệu điều gì đó, rồi đến trước mũi xe. Tứ lo lắng: “Nó đập tan xe mất. Phải bắn thôi!”. Nhưng kìa, con voi quặp chặt vòi vào đầu xe và co mình lôi mạnh chiếc xe qua vũng lầy. Lôi xong, nó huơ vòi về phía lùm cây rồi lững thững đi theo hướng bản Tun. Thật may cho chúng tôi đã gặp được voi nhà”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Trần Bé

Trích đọan ngắn vẫn có được sự hấp dẫn của một truyện “đường rừng” nhờ tạo ra đụng độ bất ngờ giữa sự hồn nhiên giúp đỡ của con voi, một đại diện thiên nhiên và sự hoài nghi thái quá của mũi súng trong tay con người. Con voi Đuôn Lênh hiện ra thật đẹp! “Lừng lững” sức mạnh và “lững thững” tự tin. Nó “huơ vòi” như vẫy bạn đọc theo mình tiến xa hơn, sâu hơn vào câu chuyện.

Từ bài “voi nhà” thầy cô giáo có thể kể các trò nghe chiến công cứu người của voi Đuôn Lênh trong lần cùng con người săn bắt voi rừng: “Trong cơn tuyệt vọng, voi mẹ lồng lộn lao vào giơ vòi quật mạnh xuống người dưới đất. Nhưng Đuôn Lênh nhanh hơn. Nó lao đến giơ vòi ngăn đòn quật của voi rừng, quắp người dưới đất lên lưng». Nhưng cũng từ chính cuộc vây bắt đó, Đuôn Lênh đã “phản chiến”, nó “tung vòi cao, rống lên thảm thiết. Mắt nó long lên đầy vẻ tức giận… Nó chồm lên dùng vòi quật những đòn chí mạng vào lũ ngựa chiến, bất chấp tất cả…Tất cả mọi hiệu lệnh của chỉ huy và của nài đều không lọt tai Đuôn Lênh. Nó vẫn tiếp tục nổi loạn cho đến khi những con voi rừng đã chạy thoát vào rừng sâu”.

Chú thích ảnh
Trang in trích đoạn tác phẩm của Nguyễn Trần Bé

Ghi nhận và cảnh báo từ một vùng đất

Vì không đủ sức khỏe để tiếp tục băng rừng làm anh địa chất đất phương Nam, từ năm 1988, Nguyễn Trần Bé trở về quê hương mới ở Tuyên Quang (nơi gia đình chuyển từ Ninh Bình lên xây dựng kinh tế miền núi) làm anh cán bộ xã các kiểu! Tới 1995, Nguyễn Trần Bé làm phóng viên báo Hà Giang, bắt đầu thành người viết chuyên nghiệp. Từ đây, đất và người Tây Bắc thu hút bút lực Nguyễn Trần Bé.

Ông viết ký ghi nhận cuộc đổi đời của con người đất này. Trong Phá lồng, Nguyễn Trần Bé để nhân vật Phàn Thị Đánh, dân tộc Dao, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc, tự kể: “Chịu đựng người chồng trẻ con được bốn năm thì em tìm cách phá lồng. Em bỏ nhà chồng đi tìm gặp bác Mua Mí Chơ, Phó Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc lúc bấy giờ để kể lể sự tình và nhờ bác can thiệp. Bác Chơ nói với Chủ tịch xã lúc đó là Thào Cháng Nô, người ở xóm Mèo Vống, xuống nhà chồng em tìm cách giải thoát cho em”. Vậy là, “sau gần một nghìn năm trăm ngày làm dâu” tảo hôn, Phàn Thị Đánh lại “trinh trắng trở về nhà bố đẻ”, kết hôn với người cùng trang lứa mình yêu, yêu mình. Họ xây dựng một gia đình hạnh phúc, mẹ con cùng tới trường, mẹ Phàn Thị Đánh vừa công tác xã vừa học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện. Con lớn học lớp 10 ở Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh; thằng nhỏ học lớp 7 ở trường THCS xã.

Nguyễn Trần Bé viết truyện Đêm vỡ núi như một cảnh báo những đổ vỡ kinh hoàng do biến đổi khí hậu, kết quả của nạn phá rừng: “Mấy ngày, mấy đêm nay trời mưa to không lúc nào ngớt. Nửa đêm qua bỗng có tiếng nổ rất to từ phía Núi Mẹ. Ngay sau tiếng nổ là một dòng thác nước lẫn đất đá từ trên cao ập xuống. Ngôi nhà sàn của tôi bị dòng thác ấy cuốn đi. Tôi chỉ kịp ôm lấy cột nhà rồi nhắm mắt lại phó mặc cho số phận. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên ngọn búi tre, ngôi nhà cùng vợ con tôi đã bị vùi chìm trong bùn đất”!

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "Thạch trụ huyết"

Dựa vào một truyền thuyết đã có từ lâu của người Mông vùng Tây Bắc, đồng thời khai thác những nét văn hóa độc đáo, những phong tục tập quán bí hiểm, Nguyễn Trần Bé viết tiểu thuyết Thạch trụ huyết gửi đi thông điệp: “Cái ác luôn tồn tại trong đời sống của chúng ta và trong mỗi con người, vì vậy hãy luôn cảnh giác với nó; hãy đấu tranh chống lại cái ác khi nó mới hình hài… đừng bao giờ lấy cái ác để chống lại cái ác, vì như vậy cái ác sẽ ngày càng chồng chất thêm, khốc liệt thêm”.

Thạch trụ huyết cuốn sách hay ấy lần lượt được các giải thưởng: giải Ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư (2011 - 2015), giải A Hội VHNT các dân tộc thiểu số, giải A Giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang.

Tay nghề của những cây bút vùng Tây Bắc

Trong Đêm vỡ núi, Nguyễn Trần Bé vẽ ra hình ảnh thật đẹp của người cầm bút trong cuộc đối đầu với tại họa chung, của nhân vật Lý Trần:

“Đêm ấy tôi soi đèn pin để viết bài. Tôi vừa viết vừa khóc. Người tôi rung lên vì rét, vì đói, vì sự thương cảm trước những mất mát vô cùng lớn lao của bà con dân bản. Tôi viết xong kỳ một của loạt bài phóng sự về trận lũ quét khi trời gần sáng. Lúc này lực lượng cứu hộ gồm bộ đội, công an, dân quân, các ngành chức năng của huyện và tỉnh cũng đã băng rừng vượt suối tới nơi. Đợi nhóm viễn thông lắp đặt xong trạm phát sóng cơ động, tôi xin phép được kết nối với tòa soạn báo để chuyển bài viết về. Đêm ấy tôi phải đọc cho bộ phận trực tòa soạn ghi âm rồi mở băng chép lại nội dung bài phóng sự. Nhờ vậy kỳ một của loạt bài phóng sự đã kịp thời lên báo ngay sáng hôm sau”.

Vẫn biết Đêm vỡ núi là truyện ngắn, là thể loại có quyền hư cấu. Nhưng cái đẹp hư cấu kia kết tinh những trách nhiệm thật, năng nổ thật, say mê thật của những người cầm bút vùng Tây Bắc, trong đó có Nguyễn Trần Bé.

Ở truyện ngắn Gió núi đổi chiều, Nguyễn Trần Bé có cách làm ra cái mới từ một đề tài không còn mới - ngợi ca cô giáo miền xuôi tên Huyền “cắm bản” ở trường Cán Chu cheo leo trên núi cao. Cao tới mức, theo học trò kể lại: “Năm ngoái có cô giáo mới phải nhờ người cõng đấy!”- “Ai cõng?” - “Bộ đội biên phòng”. Nghe thế tự nhiên Huyền thấy đỏ mặt”. Cao tới mức, trong phòng của cô giáo Nghiệp, đám cưới đã 3 năm nhưng vì xa chồng mà chưa có con, cô khao khát được ở bên chồng để có con cho nên trên vách nứa “treo toàn ảnh trẻ con được cắt ra từ những tờ bích báo” vây lấy “tấm ảnh cưới phóng to. Cô Nghiệp hạnh phúc đứng nép mình vào người chồng đỏm dáng”.

Nguyễn Trần Bé giỏi cài cắm chi tiết. Chắp nối các chi tiết ta mới hiểu ra, tác giả muốn nói, trường vùng cao thiếu nước. Và thiếu nhất là những giọt nước của tình yêu! Mà Huyền đang yêu Thể. Truyện dẫn tới cao trào cô Huyền tìm ra bến xe bỏ trốn. Cả Cán Chu cùng nhau giữ cô lại để rồi truyện có đột biến, “Gió núi đổi chiều”, vùng đất biên viễn ấy, đã thêm một cô giáo, lại thêm một anh bộ đội biên phòng. Đọc tới đoạn kết bói hoa mới hay, ngay từ những dòng đầu truyện, Nguyễn Trần Bé đã phục bút: “Thể quen Huyền trong một đêm giao lưu văn nghệ giữa Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh với Trường Cao đẳng Sư phạm” - để có kết cục tươi như hoa!

Người viết bài hỏi thầy giáo Lục Mạnh Cường, cây bút trẻ người Tày, tỉnh Hà Giang, từng 3 lần đoạt giải sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng tổ chức: “Anh Bé thế nào?”. Và được trả lời: “Anh Nguyễn Trần Bé là người đầu tiên đọc tác phẩm của em và động viên em viết. Là người đầu tiên dẫn dắt em đến với văn chương. Hôm qua Hà Giang mới tiễn anh Nguyễn Trần Bé đi trại viết văn học thiếu nhi dưới Tam Đảo từ 1 - 15/6. Chờ tác phẩm mới của anh ấy”.

Nguyễn Trần Bé sinh 1960 tại Ninh Bình. Từng là cán bộ địa chất, cán bộ xã, phóng viên. Nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Giang, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang. Vào Hội Nhà văn VN năm 2016. Là tác giả của 8 tác phẩm văn học đã xuất bản gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Hiện cư ngụ tại thị xã Hà Giang.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm