Địa ngục trong tâm thức người Việt (kỳ 1): Từ cuộc 'đàm đạo' trăm năm trước về chùa Báo Ân

31/08/2020 19:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 100 năm về trước, tại Paris, có một cuốn sách nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: Le Bouddhisme Annamite ra đời là kết quả của chuyến chu du đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của 2 tác giả người Pháp. Với những lời văn thâm trầm triết lý, cuốn sách phần nào phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu thế kỷ 20, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết.

Tâm linh không chấp nhận thái quá

Tâm linh không chấp nhận thái quá

Cha ông ta đã nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”; những năm gần đây cuộc sống vật chất có vẻ dễ thở hơn nên nhiều người quan tâm tới việc đi chùa, đi đền. Điều này là tốt, nếu loại bỏ được sự thái quá.

1. Vừa qua, nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm Các tầng địa ngục theo Phật giáo của 2 tác giả người Pháp: Léon Riotor và G. Leofanti, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tổ chức buổi tọa đàm Địa ngục trong tâm thức người Việt để giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề khác nhau liên quan đến các tầng địa ngục trong triết học và văn hóa Phật giáo.

Chú thích ảnh
Nguyên bản tiếng Pháp cuốn "Les Enfers Bouddhiques: Le Bouddhisme Annamite" (Chamuel, Paris, 1895)

Tọa đàm có sự tham gia của TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm, cổ sử Việt Nam và TS văn học Mai Anh Tuấn.

Với hơn 20 năm điền dã tại nhiều chùa chiền khắp nơi từ Bắc chí Nam, TS Trần Trọng Dương nêu ra một băn khoăn của khá nhiều người rằng: Chùa là nơi để tìm đến sự an lành nhưng lại hiện hữu vô vàn hoạt cảnh rùng rợn, muôn kiểu trừng phạt được khắc vẽ qua những tầng địa ngục trùng trùng, lớp lớp bằng các phương thức tạo hình khác nhau từ điêu khắc, đắp nổi cho đến phù điêu, tranh vẽ… Những tác phẩm giống như cuộc sắp đặt nghệ thuật sống động tại không gian linh thiêng, làm cho những người đi chùa đang muốn hướng đến sự thanh tịnh phải giật mình…

Trong tình cảnh tương tự, 2 tác giả người Pháp: Léon RiotorG. Leofanti cũng với tâm thế vừa tò mò, vừa ghê sợ khi lần đầu tiên đến Việt Nam, đặt chân đến chùa Báo Ân bên Hồ Gươm sau những trận chiến vào những năm 1883 - 1884. Cho đến nay, di tích của ngôi chùa Báo Ân xưa còn sót lại chỉ là tháp Hòa Phong.

Chú thích ảnh
TS Trần Trọng Dương (trái) và TS Mai Anh Tuấn tại tọa đàm “Địa ngục trong tâm thức người Việt”. Ảnh: Nhã Nam

Theo TS Trần Trọng Dương, vào thế kỷ 19, quần thể chùa Báo Ân là một trong những công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng của Hà Nội, được nhiều học giả người Pháp ghi chép và chụp ảnh. Chùa Báo Ân do tổng đốc Nguyễn Đăng Giai - một vị công thần của Bắc Kỳ vào giai đoạn đó quyên tiền dân cho xây dựng. Trong chùa Báo Ân có khắc họa những hoạt cảnh bích họa Phật giáo, những hình phạt tra tấn khổ hình ở thế giới bên kia (cảnh Thập điện Diêm vương) nên người Pháp gọi chùa Báo Ân khi đó là chùa Nhục Hình hay chùa Khổ Hình.

2. Vào năm 1884, bác sĩ Hocquard, y sĩ trưởng (médecin major) trong đoàn quân viễn chinh Pháp đã chụp một serie ảnh chùa Báo Ân và đăng tải trên nhiều phương tiện khác nhau.

Từ những tài liệu ghi chép và hình ảnh đó, 2 tác giả người Pháp đã lần theo để đến chùa Báo Ân và thực hiện một cuộc du ngoạn văn hóa. Có lẽ, “khi tiếp xúc với ngôi chùa, 2 tác giả đã ngỡ ngàng bởi một nền nghệ thuật đa sắc cạnh từ kiến trúc cho đến điêu khắc, đồ họa, tượng pháp… và đối tượng mà họ hướng đến chính là những hoạt cảnh Phật giáo”.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ lại chùa Báo Ân bên Hồ Gươm từ ảnh của bác sĩ Hocquard, 1888

“2 người Pháp không biết tiếng Việt muốn hiểu về Phật giáo Việt Nam khi đó, phải làm cách nào? Trước tiên phải qua thông ngôn. Theo ghi chép trong cuốn sách, người xuất hiện trong cuộc gặp gỡ là một vị quan - một vị quan người Việt đứng ra bắc cầu kết nối 2 người phương Tây với vị sư chùa là Nguyen - Thanh - Giem (tên riêng, ghi theo tiếng Pháp), người gốc Hải Dương. Họ hẹn và khảo sát bằng cách phỏng vấn, nhờ các vị sư chỉ dẫn đến từng bức điêu khắc để giảng giải về 10 tầng địa ngục” - TS Trần Trọng Dương mường tượng.

Cuốn sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo chia thành 5 phần, nhưng thực chất chỉ có phần IV và V là miêu tả trực diện về các hoạt cảnh địa ngục Thập điện Diêm vương tại chùa Báo Ân. Chương I, II và III là ghi chép những khảo tả của 2 người Pháp về các tầng địa ngục theo hiểu biết của tác giả.

“Tức là họ có sự chuẩn bị trước khi đến chùa Báo Ân, họ đã phải đọc qua những loại sách, những loại lý thuyết khác nhau về hình ảnh địa ngục ở Đông Á, đặc biệt là qua tài liệu tiếng Pháp về địa ngục trong văn hóa Ấn Độ” - TS Trần Trọng Dương chia sẻ..

Có thể nói, Các tầng địa ngục theo Phật giáo là chuyến chu ngoạn đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của 2 tác giả người Pháp Léon Riotor và Léofanti. Họ “phỏng vấn” và đàm đạo với các sư trụ trì tại đây về “địa ngục” theo Phật giáo, và được các nhà sư dùng kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết của xứ sở để thuyết minh cặn kẽ cho các tranh vẽ về địa ngục trên tường chùa.

Về 2 tác giả người Pháp

Tác giả Léon Riotor, tên đầy đủ là Léon Eugène Emmanuel Riotor, sinh năm 1865 tại Lyon và mất năm 1946 tại Paris, là chính trị gia và nhà văn người Pháp. Từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Thị chính Paris và Hội đồng tỉnh Seine, ông tham gia sáng tác nhiều thể loại, khi thì viết thơ, lúc viết tiểu thuyết, châm biếm có, du ký có, tâm lý học có và cả phê bình nghệ thuật cũng có.

Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Le Pêcheur D’Anguilles (1894), Poèmes Et Récits De Guerre (1918), Les Raisons De Pascalin (1894), Les Taches D’Encre (1929), L’Ami Inconnu (1895); La Nouvelle Autriche (1927), Auguste Rodin; Les Arts Et Les Lettres (1901, 1903, et 1906)…

Tác giả Gaston Léofanti, tên đầy đủ là Gaston Adolphe Joseph Léofanti, sinh năm 1863 tại Rennes và mất năm 1909 tại Paris. Ông từng là phóng viên tờ L’Avenir Du Tonkin, biên tập viên và thương gia.

Kỳ 2: Tư liệu hiếm quý “lách” vào thế giới tâm linh của người Việt

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm