Đi tìm bóng dáng làng Vũ Đại

18/04/2017 11:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo giấy khai sinh, nhà văn Nam Cao sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917. Quê ông tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu ghi chép của Nhà báo Trần Mai Hưởng nhân chuyến thăm của ông tới quê hương nhà văn mới đây:

Đứng trên đường quố lộ 38B, đoạn qua quê hương nhà văn Nam Cao (1917-1951), tôi nhìn ra xung quanh. Không còn bóng dáng gì của làng Vũ Đại xa xưa (thôn Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ngôi làng của những Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lang Rận... một thế giới những nhân vật độc nhất vô nhị trong văn chương của Nam Cao. Không còn bóng dáng của những mái tranh nghèo, lò gạch bỏ hoang bên những vườn chuối nhễ nhại ánh trăng, con đường nhỏ ven sông Châu in bóng anh giáo Thứ từ thành phố trở về làng sau bao bon chen mệt mỏi...

Quang cảnh ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Đường quốc lộ chạy qua làng. Xe cộ ngược xuôi. Nhiều nhà ngói, không ít nhà cao tầng ẩn dưới bóng cây xanh. Nhiều nhà hàng, biển hiệu, trong đó có thương hiệu Cá Kho Đại Hoàng nổi tiếng cả nước.

Khu lưu niệm Nam Cao nằm ngay bên đường, trên phần đất nhà Lão Hạc xưa, khá khang trang, có nhà cao rộng, sân vườn, hồ nước, cây xanh. Mộ nhà văn nằm bên trái lối vào, ốp đá xám, trên một khoảnh đất rộng. Trên bia mộ, hình ảnh nhà vân vẫn trẻ trung với mái tóc xoã, cái nhìn ấm áp mà có chiều sâu như xoáy vào lòng người. Trên biểu tượng cuốn sách đặt trước mộ, tạc ghi lời ông như một tuyên ngôn về nghề :

- Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có...

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông là minh chứng thuyết phục nhất cho tuyên ngôn ấy!

Nhà lưu niệm có khá nhiều di vật, sách vở, hình ảnh ... về cuộc đời nhà văn liệt sĩ Nam Cao. Trên ban thờ ở gian giữa có tượng bán thân nhà văn. Mùi hương trầm thành kính. Hai bên ban thờ treo trang trọng Bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Kháng Chiến. Khá nhiều sách của nhà văn qua các thời kỳ được trưng bày. Những hiện vật, đồ dùng của nhà văn và cả hình ảnh căn nhà trước đây gia đình Nam Cao từng sống. Nhiều ý kiến trong sổ ghi cảm tưởng đã nói lên sự ngưỡng mộ, yêu quý của bạn đọc nhiều thế hệ dành cho nhà văn.

Theo chỉ dẫn của ông Trần Hữu Vịnh, người trông coi khu lưu niệm, chúng tôi vào thăm làng. Đường bê tông rộng, nhà cao, vườn rợp bóng tre xoan. Sân nhiều nhà phơi những cuộn sợi mới hồ. Tiếng khung cửi điện reo lánh cách... Một cuộc sống thanh bình, yên ấm.

Chúng tôi tìm đến một địa chỉ có biển gắn trên gốc cây cao: Nhà Bá Kiến. Đến nơi mới vỡ lẽ chỉ là một ngôi nhà ngói ba gian nhỏ, kiểu cũ, cửa gỗ then cài, trên một vuông đất không có gì là rộng. Hai cây cau thì một cây đã cụt ngọt. Khoảnh sân nhỏ có bể nước bên chái bếp khá lụp xụp. Vườn còn để hoang... Một cơ ngơi chẳng đáng gì so với những ngôi nhà xung quanh hiện nay, nhất là với ngôi nhà to và cầu kỳ như một lâu đài hoành tráng đầu làng, nghe nói là của một ông chủ công ty gia công hàng dệt.

Thế mà đã nức tiếng giàu có nhất làng thời ấy! Thế mà với tài năng siêu việt của Nam Cao, Bá Kiến đã trở thành một nhân vật trường tồn trong văn học sử nước nhà! Rồi lại vân vi với ý nghĩ về sự sinh động muôn màu của đời sống: Thương hiệu cá kho Bá Kiến của Đại Hoàng giờ đây khá ăn khách trên thị trường. Điều thú vị mà sinh thời, Nam Cao chắc cũng không ngờ đến!

Chia tay làng trong tiếng thoi đưa, như thấy đôi mắt Nam Cao dõi theo với lời dặn dò những người cầm bút: Sống đã rồi hãy viết ...

Mong sớm ra đời một khu tưởng niệm, ngoài những gi đã có, còn phục dựng lại cảnh làng quê một thời, với hình tương các nhân vật sống động của nhà văn. Và cả những chiếc lò gạch bỏ không, nơi từng khởi nguồn cho những số phận người!


Khu tưởng niệm Nam Cao

Đường vào nhà Bá Kiến

 Cảnh làng Vũ Đại

Trần Mai Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm