27/12/2017 22:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mốc son của di sản Việt Nam trong năm 2017 nằm ở việc chúng ta sở hữu thêm 2 danh hiệu cấp thế giới từ UNESCO. Thế nhưng, danh hiệu cũng chính là câu chuyện đang tạo ra nhiều sức ép với ngành quản lý và các chuyên gia văn hóa.
1. Ngày 8/12, trong phiên họp tại Jeju (Hàn Quốc), UNESCO chính thức công nhận thêm 2 hồ sơ của Việt Nam để xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ và hát xoan Phú Thọ.
Trong 2 di sản ấy, hát xoan Phú Thọ là trường hợp thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi, 6 năm trước đó, hát xoan Phú Thọ đã từng được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp". Và, đây là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Việt Nam, (cũng là đầu tiên trên thế giới) được UNESCO đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như lời các chuyên gia, trường hợp của hát xoan là "một màn bứt phá ngoạn mục", với những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Phú Thọ để bảo tồn và tìm hướng phát huy giá trị của nó. Quan trọng hơn, đó là một điểm sáng trong câu chuyện "hậu di sản" - khi mà chúng ta từng nói rất nhiều về việc các di sản dễ bị... bỏ rơi hoặc "khai thác" bừa bãi sau khi được vinh danh.
Thế nhưng, ngược lại, thành công của hát xoan cũng tạo ra sức ép khá lớn với vịnh Hạ Long và ca trù, 2 di sản thế giới còn đang trong tình trạng đáng lo ngại.
Cụ thể, kể từ năm 2009, vịnh Hạ Long đã được UNESCO đưa vào danh sách khuyến nghị và yêu cầu giải trình thường xuyên về những hoạt động ảnh hưởng tới tính nguyên trạng của di sản, đặc biệt là việc lấn biển xây đô thị và khai thác than. Và, dù rất nhiều biện pháp bảo tồn đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai, vịnh Hạ Long đến nay vẫn chưa được UNESCO rút tên khỏi danh sách khuyến nghị.
Còn với ca trù, ngay từ năm 2009, di sản này cũng từng được UNESCO xếp vào danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp" như trường hợp hát xoan. Nhưng, cho đến thời điểm này, sau 8 năm, chúng ta vẫn chưa có một đề án bảo tồn cấp quốc gia cho ca trù - điều kiện tiên quyết để nuôi hy vọng tới một ngày, ca trù "nối gót" hát xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như chia sẻ của TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, khó khăn nhất trong việc bảo tồn ca trù nằm ở chỗ địa bàn của di sản này trải khắp 14 tỉnh, thành phố. Và ở mỗi tỉnh, thực trạng của ca trù lại có những diễn biến hết sức phức tạp và rắc rối. Bởi thế, không dễ gì để loại hình này có thể được đưa ra khỏi tình trạng "cần bảo vệ khẩn cấp" trong một sớm một chiều.
2. Ở cấp "quốc nội", trong năm 2017, Bộ VH,TT&DL đã phải mở hẳn một chiến dịch "dẹp loạn danh hiệu". Cụ thể, vào tháng 3, công văn số 923 của Bộ đã khẳng định: việc một số tổ chức đứng ra vinh danh (hoặc cấp bằng) về Cây di sản, Việt Nam Linh thiêng cổ tự, Nghệ nhân văn hóa dân gian hay Hệ thống đền đạt chuần đền thờ Tam, Tứ phủ... là trái thẩm quyền. Các tổ chức xã hội liên quan tới những danh hiệu này được yêu cầu chấm dứt tôn vinh, hoặc cấp các danh hiệu loại này.
Tiếp đó, vào tháng 9, sau một số phản ứng từ các tổ chức, Bộ VH,TT&DL tiếp tục có kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét chỉ đạo việc "công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật".
Thẳng thắn, bỏ qua những tranh cãi, việc "dẹp loạn danh hiệu" của ngành quản lý là điều được dư luận hưởng ứng và hoan nghênh. Câu chuyện "loạn danh hiệu" ấy bắt nguồn từ thực tế: một số tổ chức xã hội, hiệp hội đã cố tình trao tặng các danh hiệu theo kiểu "tự phát" để trục lợi. Điển hình, năm 2015, nhiều nghệ nhân hoặc doanh nghiệp bất ngờ nhận được một công ty truyền thông"mượn danh" một hiệp hội gửi lời mời dự lễ vinh danh "Nghệ nhân văn hóa dân gian". Điều kiện đưa ra: họ sẽ được trao bằng chứng nhận cho danh hiệu này nếu... đóng kinh phí từ 30 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Thế nhưng, bên cạnh sự tích cực của văn bản, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về việc hiệu ứng mà nó sẽ mang lại.
Đơn cử, với danh hiệu "cây di sản", đơn vị trao tặng danh hiệu này là VACNE (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) khẳng định: Đây là sáng kiến để kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ những cây cổ thụ hoặc các loại cây quý, hiếm trong đời sống hàng ngày. Việc thẩm định giá trị và các giải pháp bảo tồn chuyên môn được VACNE thực hiện một cách tự nguyện và chưa bao giờ thu phí.
Tương tự, với gần 600 danh hiệu Nghệ nhân Dân gian từng trao tặng trong 17 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng không hề thu tiền mà chỉ...tặng cho các cụ nghệ nhân từ 600 ngàn đồng - 1,2 triệu đồng trong mỗi lần vinh danh (tùy theo số tiền kêu gọi từ nguồn xã hội hóa). Lưu ý là danh hiệu này do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao hoàn toàn không nằm trong danh sách bị kiến nghị "dẹp bỏ" kể trên.
Bởi thế, dù tích cực, việc quản lý chấn chỉnh tình trạng "loạn danh hiệu" cũng là một bài toán khó và cần được bàn thảo kỹ để tránh tình trạng lẫn lộn vàng thau...
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất