Đạo diễn 'Tứ Phủ' Việt Tú: Tôi thích 'đồng sang, bóng xịn'

12/12/2016 11:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Gần hai năm qua, vở diễn Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú (diễn định kì vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần tại rạp Công nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội) được coi là một vở diễn nghệ thuật đặc sắc, đưa người xem bước vào chuyến “du hành” vào cõi tâm linh, với tín ngưỡng Thờ Mẫu.

Đây là một dự án mà đạo diễn Việt Tú dành nhiều tâm huyết để dàn dựng với mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế.

Trong những ngày đầu thực hiện dự án này, đạo diễn Việt Tú đã gặp không ít những khó khăn trong việc tìm hiểu tư liệu cho đến dàn dựng chương trình bởi khi đó, bản thân anh cũng có lúc “hoang mang, mơ hồ” về những gì mình đang làm.

Song trước sự đón nhận của khán giả quốc tế tại Hội chợ thương mại du lịch vừa diễn ra tại Anh tháng 10 vừa qua, cũng như sự vinh danh Tín ngưỡng Thờ Mẫu là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đạo diễn Việt Tú chia sẻ, anh cảm thấy mình rất tự hào.


Đạo diễn Việt Tú đem "Tứ Phủ" đến tham dự tại Hội chợ du lịch quốc tế tại Anh tháng 10/2016

* Vì sao anh chọn diễn xướng hầu đồng để làm chất liệu cho chương trình của mình?

- Cũng là một sự vô tình rồi dẫn đến khai phá và thôi thúc tôi đến với diễn xướng hầu đồng.

Khi tôi triển khai dự án quảng bá văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế, tôi hiểu điều đầu tiên là mình phải chọn làm một sản phẩm mình có mà thế giới không có.

Nhìn vào các loại hình nghệ thuật dân tộc thì thấy cũng nhiều người làm hết rồi, kể cả lên đồng. Song tất nhiên, đó là những sản phẩm không theo tư duy của mình.

Tôi rất băn khoăn để nghĩ đến một thứ phải thực sự là Việt Nam, không lai tạp mà phải độc đáo của văn hóa bản địa thì mới thu hút được người nước ngoài.

Vô tình, một lần tôi đi xem hầu đồng. May mắn ở đây là tôi được gặp thanh đồng là dân trí thức nên lễ hầu được chuẩn bị vô cùng công phu, từ giá đồng, voi ngựa, vàng mã, nhạc.. Tôi bị choáng ngợp và thu hút.

Tôi bắt đầu về tìm tư liệu. Và trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy cũng như múa rối nước, hầu đồng chỉ có ở Việt Nam, hoàn toàn hông bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Bắc. Và những gì tôi cần tìm cho dự án của mình, chính là đây!

Hình ảnh vở diễn Tứ Phủ tại Rạp Công nhân, Hà Nội

* Sự lựa chọn của anh, liệu có chịu sự tác động trước sự quan tâm đặc biệt của khán giả tới hầu đồng trong thực tế không, hay còn vì triết lý gì khác?

- Cũng có thể là tình cờ nhưng tôi thấy cách đây 2-3 năm không ai nhắc đến hầu đồng nhiều như bây giờ.

Tôi nhớ cách đây 3 năm, tôi có xem một series dự án về lên đồng của một tờ tạp chí nhưng được chụp dưới góc độ đương đại nên trông lạ, chứ không phải theo một hệ thống như bây giờ. Ngay với cộng đồng hoạt động cũng không được quy hoạch như bây giờ.

Bản thân tôi, khi đi tìm tư liệu cũng hiếm. Có người có thì họ cũng dè dặt vì ngại, vì sợ.

Bản thân mình khi đi tìm hiểu, nếu hỏi thì còn bị họ bảo mình điên, mình phạm. Điều đó cũng làm tôi hoang mang.

* Nhưng sau những khó khăn về đường hướng, anh đã tìm cho mình một giải pháp dàn dựng như thế nào để có được Tứ phủ như bây giờ?

- Tôi chọn con đường là làm những gì độc đáo, tiên phong về nghệ thuật dân tộc.

Đây là con đường đúng để mọi thứ sang tỏ. Khi đã đi đúng đường, thì việc còn lại chỉ là lựa chọn công cụ thể hiện, nghiên cứu rõ ràng về hệ thống để làm được đúng theo tiêu chuẩn.

Yêu cầu đặt ra ở đây là ranh giới vừa phải lạ, đúng, chuẩn, hấp dẫn để cả những người Việt đã rất biết và những khán giả quốc tế chưa biết gì về hầu đồng đều thấy thỏa mãn.

* Vắn tắt thì anh đã xử lý cách điệu hầu đồng trên sân khấu như thế nào?

- Thực sự, tôi dựa vào cảm nhận trực quan của bản thân dẫn đường nhưng về cơ bản, tôi chọn cách xử lý mảng miếng văn hóa đa tầng khi bản thân có cơ hội trải nghiệm ở nhiều tầng văn hóa khác nhau khi đã đi vòng quanh thế giới.

Khó khăn, nút thắt và chìa khóa mở ra cho tôi làm Tứ Phủ được hoàn thiện, điều đầu tiên là không có ban thờ. Tôi mất cả năm trời vì đi tìm giải pháp cho điều này.

Vì nếu có ban thờ thì phải người diễn phải quay mặt vào ban. Còn bỏ ban thờ thì múa kiểu gì? Còn điểm nhấn gì nữa?

Trong khi, hay nhất của lên đồng là sắc diện, thần tướng của các ngài. Không có hồn, Tứ Phủ sẽ như thế nào?

Nhưng may mắn một lần nữa, tôi gặp được hai thầy đồng có sư phạm tốt, giảng giải cho tôi hiểu: đạo là đạo, đời là đời, đời muốn mang đạo lên sân khấu, cái gì đúng thì làm, cái gì phạm thì tránh.

Như vậy, tôi có thể không mang ban thờ lên sân khấu mà không phạm.

Và tôi đã thay vào đó là tranh thờ. Tranh thờ thì có tranh hàng Trống là cơ bản. Tôi đi tìm nhà sưu tập, có sách về tranh thì phải scan làm file ảnh, đưa vào các nội dung phù hợp.

Đạo diễn Việt Tú đem Tứ phủ 'chu du' đến Anh

Đạo diễn Việt Tú đem Tứ phủ 'chu du' đến Anh

Sau hơn một năm trình diễn tại quê nhà, vở diễn Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú đã chính thức có mặt tại Hội chợ Du lịch Thế giới 2016 diễn ra từ 7-9/11 tại London, Anh.


Ngoài ra, đó là sự trau chuốt của tôi đến từng chi tiết với bất cứ hình ảnh nào mà khán giả xem được. Đó là trang phục, cử chỉ, câu chữ của thanh đồng, những gì đặc trưng nhất của nghi lễ như việc thay áo cho từng giá đồng, kèm theo các pháp khí riêng, hệ thống vàng mã hay nghi lễ tán lộc tôi đều muốn thể hiện sự chỉn chu.

Những hầu dâng một ngày từng diễn đến 36 giá đồng thì để diễn Tứ Phủ, họ phải tập luyện một động tác mất vài tháng trời, đến nỗi hành vi trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người.

Tôi thích “đồng sang, bóng xịn”. Mọi thứ phải mượt !

* Cùng với Tứ Phủ, hiện nay, cũng đã xuất hiện nhiều chương trình nghệ thuật khai thác diễn xướng hầu đồng. Vậy anh có nghĩ rằng có những nguyên tắc chung cần rút ra cho cách khai thác này không?

- Việc này khó. Vì chuẩn theo quan điểm của mỗi người thì không ai giống ai. Chuẩn ở đây dưới góc độ thẩm mỹ, nghệ thuật và cả tâm lý hành vi mà nếu người bất chấp thì ai mà cám cản cho đến khi người ta làm ?

Sự tự do trong nghệ thuật là của mỗi người nhưng điều đầu tiên, tôi nghĩ rằng làm nghệ thuật dân tộc, phải tôn trọng nghệ thuật dân tộc, tôn trọng văn hóa dân tộc.

Chúng ta không thể làm một cách sơ sài kiểu ngựa mã chặt cụt cả đuôi, trông nhem nhuốc hay áo may vải phi pha nilon, đi dép lê, đằng sau sân khấu bật quạt, tranh thủ nấu nước pha trà...chỉ để người ngoài nhìn sai về văn hóa của mình.

* Vậy ở "Tử Phủ", cái riêng của anh là gì? Anh không sử dụng so với gốc những yếu tố nào và chắt lọc những gì từ diễn xướng hầu đồng để đưa lên sân khấu?

- Tôi sử dụng tất cả những gì thuộc về gốc, trừ việc mang ban thờ lên sân khấu vì đó là phạm.

Để làm ra cái của riêng mình tôi phải dựng vở lên, để thấy, cái này là sự lặp lại thì cắt đi, cái gì hấp dẫn như múa cờ quạt, bút, đề thơ thì lấy làm điểm nhấn.

Đây gọi là điều chỉnh nhịp điệu của vở diễn mà điều này phụ thuộc vào trải nghiệm và kỹ thuật của đạo diễn dưới góc độ điều chỉnh tâm lý hành vi của khán giả để khiến người xem cảm thấy hấp dẫn, có sự cuốn hút. Nhưng đó là thuần về kỹ thuật.

Cái riêng của tôi cũng chính là đưa những gì bình thường nhỏ nhắn lên thành một phong cách nghệ thuật kính ngưỡng, là thủ pháp về sự thu hút.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lưu Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm