Đạo diễn Hoàng Duẩn: Cần tăng cường chủ đề biển đảo trên sân khấu kịch

22/05/2014 10:18 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Trong chương trình Hát cùng biển đảo quê hương diễn ra tại Nhà hát TP.HCM (17/5), Hoàng Duẩn đã không thể kìm được xúc động bởi những tràng pháo tay nhiệt liệt tán thưởng lời thơ dân gian được truyền tụng ở vùng Lý Sơn - Quảng Ngãi vang lên trong tác phẩm kịch ngắn mà anh là tác giả kiêm đạo diễn - Chuyện cây khế

ĐD Hoàng Duẩn chia sẻ:

“Tôi là dân Quảng Ngãi, học trường Sơn Mỹ chỉ cách biển có 1 cây số nên tình yêu biển đã có sẵn từ trong máu rồi”.

* Dường như Chuyện cây khế không phải là tác phẩm đầu tay của anh về đề tài biển đảo?

- Đúng vậy. Mà đây cũng chỉ là tiểu phẩm kịch ngắn được viết tức thời. Cả viết, dựng, tập, diễn đều gấp rút cho kịp thời sự nên dĩ nhiên chưa thể hoàn chỉnh được. Năm 2012, tôi có dựng kịch dài Hoa phong ba về cuộc sống của lính đảo trên nhà giàn. Cũng chung chủ đề về biển, tôi đã đạt Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011 khi dựng vở cải lương Đường mòn trên biển cho Đài Truyền hình Bình Phước. Sắp tới đây, Liên hoan Sân khấu Thông tin lưu động TP.HCM với chủ đề hướng về biển đảo và chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi nhận dàn dựng 3 vở kịch mang đề tài biển đảo cũng như tấm lòng của người đất liền đối với người lính nơi đảo xa.


Đạo diễn Hoàng Duẩn trong vở kịch Hoa phong ba

* Nhưng đó đều là tác phẩm truyền hình hoặc kịch tuyên truyền. Còn trên sân khấu chuyên nghiệp thì sao?

- Ý định thì có nhưng còn chờ một cái duyên. Năm 2009, khi đọc tin tức về việc ông Đặng Lên và gia tộc họ Đặng ở An Hải - Lý Sơn hiến tặng “tờ lệnh Hoàng Sa” cho Nhà nước nhằm góp phần khẳng định chủ quyền thì tôi đặc biệt quan tâm và cảm thấy… có lỗi vì mình là dân Quảng Ngãi, ở gần Lý Sơn mà chỉ “nghe nói” chứ chưa biết gì về quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Thế là tôi ra Lý Sơn, tìm đến tận nhà ông Đặng Lên, nghe ông kể những câu chuyện truyền đời về hải đội Hoàng Sa mà nhiều dòng họ đang sinh sống trên đảo là con cháu của những chiến sĩ năm xưa.

Ngày xưa, gia đình nào có người được chọn vào hải đội Hoàng Sa đều được cấp một tờ lệnh ghi rõ ràng nhiệm vụ và con cháu giữ lại, trở thành căn cứ lịch sử xác đáng cho việc khẳng định chủ quyền biển đảo. Tôi thăm thú khắp nơi, ghé những nhà thờ Tổ của các dòng họ, đến đình An Vĩnh - nơi vẫn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 3 Âm lịch hàng năm và được nghe những bài thơ truyền khẩu trong dân gian về một “Hoàng Sa trời biển mênh mông”, “mây nước bốn bề” đã in sâu trong tâm thế người dân nơi đây từ lâu. Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm các tài liệu lịch sử và còn phát hiện là ngay tại Tịnh Lâm quê tôi cũng có người tham gia vào đội hùng binh Hoàng Sa. Càng tìm hiểu tôi càng tự hào và mong muốn làm một cái gì thiết thực cho Lý Sơn và biển đảo quê mình.

* Dường như đề tài biển đảo, chủ quyền đất nước trên sân khấu hiện nay vẫn chưa thực sự được quan tâm?

- Chỉ có mảng ca nhạc là mạnh ở đề tài này. Truyền hình vẫn có nhưng còn ít và cũng chỉ đề cập một cách rất chung chung và thiếu tính thời sự. Còn trên sân khấu kịch chuyên nghiệp thì mảng đề tài này gần như vắng bóng. Thế mạnh của sân khấu kịch là cập nhật được hơi thở đương đại nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó. Nhân lúc lòng dân đang hướng về biển đảo, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải chú trọng đề tài này hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật!

* Cám ơn những chia sẻ của anh!

“Hoàng Sa trời biển mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”

(Thơ dân gian Lý Sơn)

Ninh Lộc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm