Cổng thành cổ Sơn Tây: Sẽ có dự án riêng để bảo tồn nguyên trạng?

10/03/2009 16:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cần một bản quy hoạch chi tiết để có sự phân định rạch ròi giữa phần diện tích cần được giữ nguyên dạng, phần diện tích cần tu bổ và phần diện tích sử dụng làm công viên công cộng - đó là ý tưởng mà Ban quản lý khu di tích thành cổ Sơn Tây đang đề xuất.  
 
1. “Khi bàn giao thành cổ cho chúng tôi, hồ sơ của Công ty Môi trường và công trình đô thị không hề có quy hoạch bảo tồn. Để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc tu bổ và tôn tạo thành cổ Sơn Tây, việc lập một bản quy hoạch như vậy là hoàn toàn cần thiết” - ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm (quản lý cả thành cổ Sơn Tây) cho biết.
 
Theo lời ông Sơn, UBND Sơn Tây về cơ bản tán thành đề xuất lập bản quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách thành phố này và sẽ đưa ra câu trả lời chính thức vào cuối tháng 3. Nếu được đồng ý, BQL thành cổ sẽ phải tiến hành việc lập quy hoạch theo đúng Luật di sản, cụ thể là thuê một công ty Nhà nước có đủ điều kiện và chức năng để thực hiện quy hoạch.
 
Cổng phía Tây của thành cổ

Trên cơ sở Dự án tu bổ và tôn tạo thành cổ Sơn Tây đã có, bản quy hoạch mà BQL đề xuất sẽ “khoanh vùng” những hạng mục nằm trong danh mục bảo tồn - ví dụ như khu vực Đoan môn (sẽ được tu bổ trong năm 2009). Những khu vực còn lại được lập quy hoạch để chuyển hóa thành các khu dịch vụ, cũng như vui chơi công cộng, nhằm hoàn thiện khu vực thành cổ Sơn Tây như một cụm di tích - công viên cây xanh - du lịch văn hóa.

2. Với tổng diện tích 16 ha, trong lòng thành cổ Sơn Tây hầu hết vẫn là sự đan xen giữa một số di tích cũ với những phần đất bị bỏ hoang, cây cối phủ dày.Theo thống kê, có khoảng 2 vạn thân cây hiện đang mọc trong khu vực thành cổ. Dự kiến, khi quy hoạch, những thân cây cổ thụ có độ tuổi từ 50 năm trở lên sẽ được cố gắng giữ nguyên trạng. Số cây còn lại sẽ được chặt bỏ, cộng vào đó là việc khai thác những bãi đất hoang để tạo ra quỹ đất cho những công trình công cộng.

Dự án Tu bổ và tôn tạo thành cổ Sơn Tây được triển khai từ cuối năm 2004, với mức kinh phí tổng cộng 48 tỷ đồng, trong đó 23 tỷ đồng được rót bởi UBND thành phố Sơn Tây và 25 tỷ đồng được kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Hiện tại, một số di tích trong thành cổ đã được phục dựng như Vọng cung, Kỳ đài, 100 mét tường thành, 2 giếng ngọc… và dự kiến sẽ hoàn thành hạng mục Đoan môn trong năm 2009 này.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó BQL thành cổ, cho biết: hệ thống đường nhánh nối 2 cổng Đông - Tây của thành cổ sẽ được khôi phục với chiều dài chừng 400m. Bên cạnh việc bảo tồn các cụm di tích, những hạng mục được xây mới trong đề án khá phong phú, dự kiến gồm vườn hoa công cộng,khu vui chơi giải trí, vườn sinh vật cảnh, khu bán hàng lưu niệm…

Về phần những di tích cũ, việc lựa chọn các hình thức tu bổ, tôn tạo sẽ được bàn thảo kĩ sau khi khảo sát- ông Hùng Sơn cho biết - Riêng cá nhân tôi cho rằng việc phục dựng lại toàn bộ hình ảnh của tòa thành Sơn Tây cũ là không hợp lý và khả thi. Tùy theo điều kiện riêng, từng hạng mục cần được nghiên cứu kĩ trước khi đưa ra giải pháp thích hợp. Chẳng hạn, với 2 cổng Tây và Nam của thành cổ, tôi đã nhận được lời hứa từ Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị VN về việc xây dựng một dự án riêng để bảo tồn nguyên trạng, dựa theo kĩ thuật bảo tồn các tháp Chàm tại khu vực miền Trung.

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm