Chuyện làng văn nghệ: Chuyện “Ba gã đầu bạc”

25/05/2009 06:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Giới văn nghệ từng có mốt “đầu đinh”, rồi “đầu trọc”, mốt được như “ba gã đầu bạc” cùng nổi tiếng trong làng văn hóa văn nghệ: nhà sử học Dương Trung Quốc, dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - thì lại là của hiếm. Mới đây ba mái đầu bạc ấy lại trở thành cảm hứng để họa sĩ Ba Tỉnh tức Đinh Quang Tỉnh vẽ tranh (bày tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Hà Nội) và người ta biết thêm nhiều chuyện rất “văn nghệ” chỉ vì cái đầu bạc… hơi sớm của những nhân vật này.

“Đầu bạc” Dương Trung Quốc: Bạn bè đã ưu ái gắn kết chúng tôi

* Hình như ông không có mặt trong buổi trưng bày tranh. Ông có hài lòng với từ “ba gã đầu bạc” mà họa sĩ đặt cho những bức tranh này?

Dương Trung Quốc (sinh năm 1947)

Đoàn Tử Huyến (1952)

Phạm Xuân Nguyên (1956)
- Tôi có nhận được lời mời rất trang trọng (đến dự cuộc trưng bày – PV), nhưng rất tiếc là tôi phải đi vắng nên không thển đến dự được. Tôi cũng chỉ mới được xem bức chân dung đó chính trên báo TT&VH, và tôi thấy hài lòng.

Mái đầu bạc hơi sớm một chút so với tuổi tác, với tôi thì không thành vấn đề gì vì tôi đã ở tuổi ngoài 60 rồi, nhưng anh Huyến có lẽ còn ít tuổi hơn tôi một chút, còn Nguyên thì trẻ hơn tôi nhiều (mà đầu đã bạc - PV). Từ điểm chung ấy để trở thành bộ ba trên tranh, tôi nghĩ đó là cái tứ rất thú vị của họa sĩ. Và đó là cái ưu ái của bạn bè đã gắn kết tôi với hai người bạn kia.

* Trong ba người thì ông là người thành đạt nhất về mặt chính trị (là Đại biểu Quốc hội), nhưng phong cách ông thì lại khiến người ta liên tưởng nhiều tới một nhà văn hóa, một “sử quan”, một nghệ sĩ (nhất là khi biết ông có thú sưu tập những con lợn bằng sứ, bằng đất nung… (nay đã có 4000-5000 con, vì ông Quốc tuổi Hợi, cầm tinh con lợn). Cá nhân ông thích thú với vai trò nào của mình?

- Tôi ý thức được rằng mọi hành vi con người đều có tính chính trị của nó. Nhưng tôi chưa bao giờ coi mình là chính khách. Tôi muốn sống một cách đơn giản như mình muốn, và đương nhiên là gắn với mình là nghề nghiệp. Có hai nghề nghiệp mà có thể tác động đến tính cách của tôi nhiều nhất, đó là làm sử và làm báo. Cho nên tôi nghĩ rằng giá như được anh em biết đến với tư cách người làm sử và làm báo thì thú vị hơn.

Tôi nghĩ nghệ sĩ là tính cách con người. Nói cho cùng nghệ sĩ là người yêu chính mình đã, và sống như mình muốn… Nếu như có ai nhận ra điều đó ở tôi thì cũng là điều đáng mừng.

* Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Tử Huyến hay bị nhầm là… Dương Trung Quốc. Vậy ông có hay bị nhầm với 2 người kia?

- Người ta nói là chúng tôi có nét giống nhau thôi, chứ người ta không dễ nhầm lẫn chúng tôi với nhau đâu. Hơn nữa, tôi là người tuổi tác cao hơn, cho nên người ta dễ nhận ra, khó lẫn với hai vị kia. Có thể là, một lúc nào đó người ta nhầm Phạm Xuân Nguyên là tôi vì Nguyên còn trẻ, người ta nghĩ rằng: tại sao ông Quốc lại trẻ thế; chứ không ai lại nghĩ rằng sao ông Nguyên lại già như thế cả (cười).

“Đầu bạc” Đoàn Tử Huyến: “Ba anh em… khác cha khác mẹ”

Ông Tỉnh muốn vẽ tranh về ba người chúng tôi, lúc đầu hình như ông định vẽ trên cùng một tấm toan trắng ba mái đầu bạc, nhưng chưa thực hiện được mà mới chỉ vẽ thành những bức chân dung riêng.

Ở Hà Nội, hiện có 3 người đầu bạc giống nhau và thường bị nhầm lẫn với nhau. Mọi người thường nói đùa với nhau là có 3 anh em khác cha khác mẹ. Mà đúng là có nhiều người nhầm thật, bản thân tôi cũng hay bị nhầm là Nguyên hay là ông Quốc, nhưng Nguyên hay bị nhầm nhất. Tôi chưa rõ ông Quốc có bị ai nhầm với chúng tôi không, nhưng chắc là không, vì ông ấy nổi tiếng hơn chúng tôi nhiều.

Cách đây mới khoảng vài tuần thôi, tôi đi với Nguyên, có người hỏi hình như là anh có họ hàng xa với ông Dương Trung Quốc rồi đến chào và tự giới thiệu, em (họ) Dương nọ, Dương kia... Có hôm tôi và Nguyên vào một nhà hàng, có người đến trước mặt Nguyên cứ chào thầy (tưởng là ông Quốc). Có lần có người đến bắt tay tôi, say sưa nói chuyện văn chương một lúc mà cả hai đều không nghi ngờ gì cả. Rồi người đó lại hỏi thăm bạn văn này bạn văn kia, tôi vẫn không biết. Một lúc lâu sau, tôi mới phát hiện ra là người đó nhầm tưởng tôi là Nguyên, vì tôi với Nguyên cùng một giới (văn chương) với nhau, nên câu chuyện mãi chưa bị “lệch giơ”. Thậm chí trong hội nghị, người ta còn phát tài liệu, phong bì… nhầm giữa hai chúng tôi. 

“Đầu bạc” Phạm Xuân Nguyên: Còn giống nhau ở chỗ đều là… cử nhân!

Trước tôi hay bị nhầm với Huyến, nhưng tôi giống Dương Trung Quốc nhiều hơn. Rất nhiều chuyện hài xảy ra. Ngay tại hôm triển lãm nói trên, cũng có một phóng viên đến tặng hoa cho họa sĩ Ba Tỉnh rồi nâng cốc với tôi nói rằng, mới nhìn qua em cũng cứ tưởng anh là Dương Trung Quốc, mà em đã từng phỏng vấn ông Quốc rồi, vậy mà lại thấy “ông” này cứ lơ lơ đi.

Nhiều lần khi tôi đi vào quán bia, quán rượu có đông người, tôi rất hay nghe thấy tiếng xì xào tưởng là Dương Trung Quốc đến. Thậm chí ra bãi biển Cửa Lò, Sầm Sơn mà cũng còn bị nhầm. Có hôm tôi lên Đại Lải, cùng bạn bè kéo ra cái hồ ngồi nhậu, có mấy anh bộ đội nhìn thấy tôi từ xa đã bảo “Ô, Dương Trung Quốc kìa”. Khi lại gần vẫn chưa hết nhầm, bèn cho một anh thiếu tá ra xin cụng ly, và nói rằng: “Anh là Dương Trung Quốc, chúng tôi rất mến mộ anh, trông anh ngoài đời trẻ đẹp hơn”. Tôi nói thế nào họ cũng không chịu tin tôi không phải là Dương Trung Quốc. Tôi đành trả lời rằng: “Tôi là Dương Xuân Nguyên, em trai ông Dương Trung Quốc. Anh tôi làm sử, tôi làm văn, bây giờ anh tôi đang bận họp Quốc hội”. Tôi lại nói thêm rằng: Anh em tôi giống nhau các vị biết rồi, chỉ có nét phân biệt, tôi xin mách với các vị, là anh tôi lông mày bạc, còn tôi lông mày chưa bạc. Khi ấy họ mới chịu tin.

Có lần một bà nhà văn Ý sang thăm Việt Nam giao lưu với hai nhà văn Lê Minh Khuê và Võ Thị Hảo, tôi được mời dẫn chương trình. Hôm đó có cả Dương Trung Quốc, Phạm Chi Lan, Tôn Nữ Thị Ninh… tham dự. Bà nhà văn Ý có tác phẩm đầu tay là Khi những con lợn biết bay mà ông Quốc tuổi Hợi, cầm tinh con lợn (và ông cũng sưu tầm rất nhiều con lợn bằng các chất liệu), cho nên cuối buổi ông Quốc có tặng cho bà nhà văn kia một con lợn bằng sứ hay bằng đất nung gì đó. Hôm đó, cũng có mặt cả ông tùy viên Đại sứ quán Italia tại Việt Nam. Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại ông tùy viên này ở Trung tâm Văn hóa Pháp, ông ấy bèn nói với tôi: Bà nhà văn ấy đã về Rome rồi, bà ấy rất cám ơn ông vì ông đã tặng cho một con lợn sứ rất đẹp. Bà ấy muốn chuyển lời cám ơn đến ông, và nhân tiện gặp ông đây, tôi xin chuyển lời!

Tôi biết là ông tùy viên nhầm, nhưng vẫn cứ gật đầu lia lịa !

Có lần tôi nói đùa với Dương Trung Quốc rằng em và anh còn giống nhau ở chỗ đều là cử nhân, không làm tiến sĩ (mặc dù báo chí rất nhiều khi hay “phong” ông Quốc là tiến sĩ, thậm chí giáo sư, tiến sĩ - PV). Nhưng có cái khác về cơ bản: em là Đảng viên, còn anh thì không”.

Điều thú vị nữa là cả Đoàn Tử Huyến cũng là cử nhân. 3 gã đầu bạc đều là cử nhân.
***
Viết đến đây tôi chợt nghĩ, bàn về “ba gã đầu bạc” - ba nhà trí thức, văn nghệ sĩ tăm tiếng này mà chỉ bàn về sắc vóc thôi (như bàn về các cô thi hoa hậu) thì nghe chừng cũng hơi kỳ kỳ. Song ông cụ nhà tôi thường bảo, tìm một cô gái đẹp không khó, nhưng tìm một “lão trượng” đẹp mới là khó. Người xưa nói, “Hữu chi trung tất hình chi ngoại” (có ở bên trong tất hiện ra bên ngoài). Tôi cho rằng, họ giống nhau không chỉ ở mái tóc đã chuyển hẳn sang màu bạch kim sáng chói (hay vẫn còn lưu luyến chút hoa râm), không chỉ ở chòm ria bạc và cặp lông mày cũng dần bạc trắng…, mà hình như còn gặp nhau ở đâu đó trong thần thái, tác phong, ở sự lịch lãm và tài hoa... Xin tặng ba vị “bạch đầu” này câu thơ của cụ Nguyễn Trãi và hy vọng các vị tiếp tục: “Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc/ Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh”…
Đỗ Doãn Phương


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm