Chủ nhân giải Man Booker 2020: Vinh quang từ hành trình đau thương thời thơ ấu

26/11/2020 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, Shuggie Bain, cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tính tự truyện của Douglas Stuart (44 tuổi), đã được Ban giám khảo chọn từ danh sách chung tuyển đa dạng nhất trong lịch sử giải Booker để trao giải kèm theo số tiền thưởng 66.500 USD.

Nhà văn nữ châu Phi đầu tiên nhận đề cử giải Booker

Nhà văn nữ châu Phi đầu tiên nhận đề cử giải Booker

Hôm 10/9, nhà văn nữ NoViolet Bulawayo của Zimbabwe đã trở thành người phụ nữ đầu tiên từ châu Phi được đề cử giải Man Booker.

Stuart đã mất 12 năm để viết và bị từ chối 32 lần trước khi cuốn tiểu thuyết của anh được xuất bản. Tuy nhiên, ban giám khảo giải Man Booker 2020 chỉ cần một giờ để chọn Stuart là người chiến thắng.

Như vậy, Stuart là nhà văn Scotland thứ 2 đã đoạt giải thưởng văn học danh giá này, sau khi James Kelman đoạt giải hồi năm 1994 với cuốn How Late it Was, How Late.

Tuổi thơ đầy đau đớn

Shuggie Bain được rút ra từ những trải nghiệm của Stuart khi trưởng thành, một người đồng tính ở Glasgow nghèo khó trong những năm 1980 và phải vật lộn với chứng nghiện rượu của mẹ mình. Mẹ chết vì nghiện rượu năm Stuart 16 tuổi và anh dành tặng giải thưởng này cho bà: “Mẹ tôi hiện diện trên từng trang sách này. Không có bà, tôi sẽ không ở đây, và không có bà thì cuốn sách sẽ không được ra đời”.

Shuggie Bain kể câu chuyện đau lòng về tình yêu giữa Agnes Bain và con trai khi cô chìm vào cơn nghiện rượu, trong khi cậu con trai vật lộn với giới tính của mình. Đó là một câu chuyện hấp dẫn về tình yêu, giai cấp, và gia đình, lấy bối cảnh ở Scotland thời suy thoái kinh tế. Nó không thiếu sự tàn bạo như những người đàn ông xung quanh Agnes Bain và cũng đầy dịu dàng như giọng nói của con trai cô ấy khi hướng về mẹ mình.

Chú thích ảnh
Nhà văn Scotland Douglas Stuart

Ngoài đời, mẹ Stuart mất trước khi anh học xong cấp hai. Thời gian đó, anh vừa đi học vừa làm việc trong một cửa hàng để tự trang trải cuộc sống: “Tôi ở trong một phòng trọ, với một bếp, một tủ lạnh và một cái giường. Tôi vừa đi học và làm việc 4 đêm/tuần. Tôi được nghỉ tối thứ Tư, và tôi sẽ làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Tôi chỉ còn cách bám vào học hành”.

Ban đầu Stuart muốn học về văn học Anh và trở thành một nhà văn, nhưng “trong thế giới thời thơ ấu của tôi, các cậu bé không làm những điều như vậy”. Thay vào đó, Stuart học về dệt may. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở London, anh chuyển đến New York và trở thành nhà thiết kế hàng dệt kim cho các thương hiệu lớn của Mỹ, làm việc cho Gap, Ralph Lauren và Calvin Klein.

“Tôi có không gian và thời gian để tập trung vào sách. Nhưng dệt may cũng là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo” - Stuart nói.

“Tôi như một người bị xé đôi”

Nhưng ở tuổi 30, Stuart bắt đầu cầm bút và trở lại với thời thơ ấu của mình để viết Shuggie Bain. Stuart đã viết trong thời gian rảnh rỗi giữa công việc của một nhà thiết kế thời trang, trong lúc trên tàu điện ngầm đến và đi từ nơi làm việc, hoặc trong kỳ nghỉ hè ở dãy núi Catskill.

Sự xa cách với quê hương trong một chừng mực đã cho anh năng lượng viết về quá trình trưởng thành đầy đau thương của mình: “Nước Mỹ đã giúp tôi trở thành một người hoàn hảo hơn. Tôi không biết mình đã có thể viết Shuggie nếu tôi không trở thành một người nhập cư, bởi điều ấy giúp tôi nhìn lại quê hương một cách rõ ràng và trung thực. Tôi nhớ Glasgow, và vẫn về nhà vài lần mỗi năm, nhưng nước Mỹ đã cho tôi một niềm tin”.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn tiểu thuyết đoạt giải Man Booker 2020 - “Shuggie Bain”

Stuart kể: “Ban đầu, khi viết, tôi muốn chứng minh điều gì đó cho bản thân. Tôi không đến hội thảo của các nhà văn và cũng không giao du với họ. Tôi viết vì tôi yêu thích, và cũng vì tôi giống như một người bị xé làm hai nửa, giữa con người bây giờ và một cậu bé mất mẹ khi con nhỏ.”

Stuart chia sẻ thêm: “Mẹ tôi là một bà mẹ đơn thân đã nuôi tôi bằng tiền trợ cấp. Nhưng thật may mắn là tôi không bị thất học vì Scotland là quốc gia cho phép những đứa trẻ nghèo nhất của mình tiếp cận với nền giáo dục của mình. Mẹ cũng có lúc tỉnh táo, đôi khi một tuần, đôi khi nhiều hơn nhưng rượu luôn là nét đặc trưng của tuổi thơ tôi”.

Lớn lên trong một ngôi nhà không có sách, anh rất biết ơn các giáo viên tiếng Anh đã “đặt sách trước mặt tôi”, trong đó có những vở kịch của Tennessee Williams, “một trong những mối tình đầu của tôi”. Stuart nhớ đã xúc động như thế nào khi đọc các tác phẩm của nhà văn Anh Thomas Hardy: “Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ, “Chúa ơi, cả vũ trụ đều nằm trong cuốn sách này”.

Bị 32 nhà xuất bản từ chối, Shuggie Bain cuối cùng đã được xuất bản đầu tiên tại Mỹ và ở đây Stuart đã nhận được nhiều lời khen ngợi.

Mãi hướng về Scotland

“Tôi đã bị 32 biên tập viên từ chối, nhưng sự từ chối là một phần không thể thiếu để trở thành một nhà văn, cho dù đó là từ một người đại diện, một nhà phê bình hay độc giả” - Stuart giải thích. “Bài học ấy quan trọng với bất kỳ nhà văn nào”.

Chú thích ảnh
Logo giải Man Booker 2020

Stuart hiện sống ở New York với người giám tuyển nghệ thuật của mình là Michael. Anh đang viết cuốn truyện thứ 2, cũng có bối cảnh ở Glasgow, kể về 2 cậu bé tuổi vị thành niên yêu nhau, họ bị cuốn vào các băng đảng ở Glasgow.

“Hai nhân vật chính của tôi là những chàng trai đáng yêu, ma mãnh, xa rời những gì mà những chàng trai khác xung quanh yêu thích. Một trong những cậu bé được gửi đi để được dậy dỗ thành người đàn ông đích thực, và nó gây ra một hậu quả vô cùng tệ hại”.

Stuart cũng đang lên kế hoạch cho cuốn tiểu thuyết thứ 3, lấy bối cảnh ở phía bắc Scotland. “Tôi sẽ tiếp tục quay trở lại các chủ đề về tình yêu, mất mát và cô đơn” - Stuart tiết lộ.

Liệu anh ấy có bao giờ nghĩ mình sẽ viết tiếp để hoàn thành câu chuyện về những gì xảy ra với Shuggie? “Tôi không nghĩ vậy” - Stuart trả lời - “Tôi đã mất 12 năm để viết và có quá nhiều điều xúc động trong đó khiến tôi rất vui khi được khép nó lại”.

Man Booker - Giải thưởng văn học quan trọng nhất nước Anh

Được coi là giải thưởng văn học quan trọng nhất ở Vương quốc Anh, giải Booker được trao cho các tác giả viết bằng tiếng Anh. Cho đến năm 2019, giải thưởng này được gọi là “Man Booker”.

Cho đến năm 2013, giải thưởng được trao cho các tác giả đến từ Khối thịnh vượng chung và Ireland có tiểu thuyết được xuất bản ở Vương quốc Anh. Kể từ năm 2014, các tác giả đến từ các quốc gia nói tiếng Anh khác cũng đã đủ điều kiện tham gia cuộc thi. Ngoài giải Man Booker còn có giải Booker Quốc tế, được trao cho các tiểu thuyết từ khắp nơi trên thế giới đã được dịch sang tiếng Anh.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm