Chàng trai 8x mê chuyện ngàn năm

19/07/2013 14:04 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ mê nghiên cứu về áo mũ người Việt qua ngàn năm lịch sử, mọi sở thích khác của Trần Quang Đức (28 tuổi), tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ đang gây sự chú ý của dư luận (*) cũng đều cổ, anh là một người “hiếu cổ” đích thực, say sưa với quá khứ nhưng không lỗi thời.

“Mọi việc tôi làm dường như đều là lật tìm quá khứ. Viết Ngàn năm áo mũ rồi lại đi bar nhảy nhót chăng? Đó không phải con người tôi” – Trần Quang Đức bày tỏ.

Cổ không lỗi thời

Việc say mê và tìm cách học chơi cổ cầm (loại đàn 7 dây, giai điệu cổ phác, và chỉ chơi cho rất ít người nghe, không trình diễn) cũng là một mối duyên đặc biệt với Đức. Với anh, những sở thích cổ đến rất tự nhiên. Trong khi phần đông những người cùng thế hệ ào ào tiến về phía trước và chỉ quan tâm đến đương đại, xu hướng của những người như Đức lại như trái ngược - hướng về quá khứ.

“Rõ ràng những thứ đang đào sâu nghiên cứu là quá khứ, nhưng đã là người nghiên cứu thì không có vấn đề lỗi thời hay không” – Đức phản bác khi có ai đặt vấn đề liệu như thế có phải là nệ cổ, là lỗi thời hay không. “100 năm nữa, nếu muốn nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam thì người nghiên cứu vẫn phải học chữ Hán - Nôm, vẫn phải tìm nghe cổ nhạc…”.


Tác giả Ngàn năm áo mũ chơi đàn cổ cầm. Ảnh: Thùy Dương

Đức học tiếng Hán từ 17 năm nay và say mê Hán Nôm - một nền tảng kiến thức quý giá để nghiên cứu các tài liệu ghi chép cổ sử Việt Nam. Chuyện học tiếng Hán của anh cũng có nhiều điều đáng nói: từ năm lớp 7, Đức bắt đầu tự học Hán Nôm qua các sách Tam tự kinh, Tam thiên tự… Anh học khoa tiếng Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hết năm thứ hai (2005) thì du học ở Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) ngành ngôn ngữ và văn học Trung Quốc. Năm 2004, Đức đã đoạt giải Nhất tại hai cuộc thi tiếng Hán ở Việt Nam và Trung Quốc.

Cuốn Ngàn năm áo mũ in 1000 bản ra hồi tháng 5 năm nay (27/5), bán hết trong vòng 2 tuần, nên phải lùi ngày ra mắt lại để in tiếp. Sách in thêm 1000 cuốn và ra mắt vào ngày 27/6 tại Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội.

Cũng là một sử lạ, sách viết về vấn đề lịch sử “khô khan”, với cách trình bày theo hình thức tài liệu nghiên cứu khoa học hẳn hoi,mà lại bán được.

Chính tác giả thừa nhận: “Theo tôi có 3 lý do để cuốn sách được độc giả quan tâm. Thứ nhất, nếu tôi viết Ngàn năm khoa cử chắc sẽ có rất ít người mua sách, vì đơn giản, đề tài đó sẽ không có nhiều hình ảnh minh họa. Thứ hai, thông qua Facebook, có rất nhiều bạn bè, nhiều nhà nghiên cứu, “hot facebooker” đã giúp tôi quảng bá cuốn sách. Thứ ba, nội dung của Ngàn năm áo mũ ngoài chuyện áo mũ giày dép còn chuyển tải những kiến giải của tác giả về lịch sử, về sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tới văn hóa cung đình Việt Nam. Đây đã từng và sẽ còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi”.

Cách lý giải thể hiện tư duy rõ ràng và sòng phẳng theo lối của “người hiểu chuyện”. Kể cả việc sách bán được và nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn, tác giả cũng khá thực tế, anh bảo : “Sách in 2500 bản, giả sử có 2500 người mua. Liệu trong số đó, có 1000 người đọc hết cuốn sách (400 trang) ?”.

Là 8x đời giữa, Đức hiểu sức ảnh hưởng vượt trội của phim ảnh và mạng xã hội thời nay so với sách. Anh kể, một người bạn 9x gợi ý anh nên quay “vlog” (một dạng blog thể hiện qua video) để giới thiệu cuốn sách, với lối nói dí dỏm, diễn xuất nhẹ nhàng để thêm phần sinh động. Vlog kiểu “xì tin” như thế thì kể hơi ngại, nhưng đây cũng là một khả năng để ngỏ.

Nhiều người nhận xét Đức trông già hơn tuổi, nhưng đó chỉ là gương mặt trên ảnh, bởi trẻ hay già, ngoài nét mặt còn có cả biểu cảm nữa. Trò chuyện với Trần Quang Đức thì mới hiểu ra cái sự trẻ của anh nằm ở đâu: Đức hài hước, kể một câu chuyện đơn giản vốn chẳng có gì buồn cười, nhưng anh luôn có cách kể riêng khiến người nghe cười ồ. Đó cũng là một tài lẻ vậy.



Ảnh một số loại Mãng bào, Giao bào triều Nguyễn do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Phillippe Trương cung cấp, đăng trong Ngàn năm áo mũ.

200 tài liệu và những bước chân không đếm được

Cuốn sách của Trần Quang Đức, dù khó đọc hết và hiểu hết, nhưng đây quả thực là một chuyên khảo dày tư liệu được nhiều nhà nghiên cứu công nhận về mức độ tin cậy và công phu. Gs. Liam Kelley khoa Lịch sử trường Đại học Hawaii Hoa Kỳ đã nhận xét trên blog của ông: “Mặc dù nó đầy ắp các thông tin, nhưng những thông tin đó vẫn được trình bày bằng một cung cách rất logic và rõ ràng... Cuốn sách này đánh dấu một thành tựu học thuật lớn lao. Vì thế, tôi không thực sự thấy nó có “nhược điểm” mà tôi có thể bìnhluận”.Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nhận xét: “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay” (trích từ Lời tựa 1 trong cuốn Ngàn năm áo mũ).

Tác giả còn trẻ và chưa có danh tiếng, vậy sự tin cậy đó đến từ đâu? Chắc chắn, khi công bố Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức đã nhiều lần gặp câu hỏi: “Làm sao để chứng minh mức độ tin cậy của cuốn sách?”. Rất đơn giản, nếu không thể thuyết phục người khác bằng danh tiếng, hãy thuyết phục họ bằng “giấy trắng mực đen”, nói cách khác là các nguồn sử liệu.



Tranh do họa sĩ Lý Tiệp phục dựng trang phục Cổn miện thời Lý Trần dựa theo bức phù điêu Ngô thị gia bi.

Cách nghiên cứu của Đức là thế nào? Có một từ khóa: đối chiếu, đối chiếu và đối chiếu. Không có công trình nghiên cứu nào đáng tin cậy mà lại chỉ dựa trên một tài liệu duy nhất. Anh cho biết, nguyên tắc là “Hình ảnh luôn đi đôi với ghi chép và phải đồng đại (cùng thời)”. Hình ảnh ở đây là tranh cổ, tượng cổ trong các đền chùa, hiện vật và ảnh trong các tài liệu. Theo kinh nghiệm của Trần Quang Đức, phải đối chiếu nhiều tài liệu, nếu đều có thông tin giống nhau về một loại trang phục thì thông tin đó đáng tin cậy.

“Công việc tìm tài liệu không khó như nhiều người hình dung vì các sử liệu chữ Hán của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là công khai hoàn toàn trên mạng và là bản scan tỷ lệ 1:1 so với sử liệu gốc. Còn Việt Nam thì mới công khai một phần rất nhỏ nên việc nghiên cứu khó hơn ở các nước khác” – Đức nói. “Khi nghiên cứu các sử liệu Việt Nam, người nghiên cứu bắt buộc phải đến Viện nghiên cứu Hán Nôm hoặc Viện Sử học”.

Đó mới chỉ là đọc. Còn một quá trình quan trọng không kém là đi. Đức đi những nơi có thể: các bảo tàng, thư viện cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, bảo tàng và đền chùa, tư gia ở Việt Nam. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, có một hiện thực “cay mắt” mà Đức đã trải nghiệm: ở Hàn Quốc thì rất đông khách tham quan các bảo tàng, di tích, ở Trung Quốc ít hơn một chút, còn ở Việt Nam thì nhiều khi chỉ có mình anh và… vài du khách nước ngoài.

Về Việt Nam, Đức đi một dọc từ Lạng Sơn tới Huế để tìm các tượng cổ, hiện vật cổ. Anh từng đặt chân đến những ngôi chùa hẻo lánh mà lâu rồi ít ai tham quan. Nhiều lúc một mình trên đường. Đức đùa, quãng thời gian làm nghiên cứu đó, anh khá “tự kỷ”.



Trang phục và lối trang điểm trong các dịp đại lễ của hậu cung nhà Nguyễn. Ảnh: Trịnh Bách.

Bước ngoặt đến từ hoang mang

“Lỗi của không ít nhà nghiên cứu văn hóa là đánh giá cảm tính. Vì vậy chúng ta có một quan niệm sai lầm là nền văn hóa Việt Nam đậm chất dân dã, mà không nhận ra rằng, bên cạnh văn hóa dân gian còn có một nền văn hóa cung đình bác học” – Đức nói về một trong những lý do khiến anh quyết tâm nghiên cứu Ngàn năm áo mũ.

Năm 2010, Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội rất rầm rộ và nảy ra nhiều cuộc tranh cãi về trang phục Việt trong các phim kỷ niệm (giống hay không giống Trung Quốc), Đức đã bắt tay vào viết sách. Đó có thể coi là quyết định bước ngoặt trong cuộc đời của nhà nghiên cứu trẻ này, bởi trước đó, khi mới đi du học Trung Quốc về, anh hoàn toàn mất phương hướng trong sự nghiệp.

Ban đầu, anh định nghiên cứu về ngôn ngữ nhưng lại thấy đó không phải công việc mà mình sẽ có những cống hiến đáng kể. Ý tưởng nghiên cứu về trang phục đến như một mối duyên, và cho thấy sẽ là một mối duyên lâu dài.

(*) Ngàn năm áo mũ của nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức (sinh năm 1985) do Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành, dày 400 trang, là một công trình nghiên cứu công phu với mục đích dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng 1.000 năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 – 1945)

Trong Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức đã giới thiệu kỹ càng về trang phục cung đình Việt Nam các thời Lý, Trần, Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn… và rút ra rằng luôn có sự cải cách trang phục cung đình qua các thời để khẳng định sự tiến bộ của thời sau so với thời trước và đặc biệt là, thể hiện sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam và vương triều Trung Quốc.

Trong quá trình làm sách, Trần Quang Đức đã được nhiều đồng nghiệp giúp sức trong việc phục dựng các trang phục cổ. Trong số đó, nhà nghiên cứu uy tín Trịnh Bách là một người mà anh rất kính trọng trong nghề bởi sự tinh tế và kỹ tính trong việc phục dựng trang phục cổ. Chính ông cũng cung cấp cho tác giả nhiều bức ảnh tư liệu quý với hình ảnh rõ ràng, chi tiết.

Từ các nghiên cứu của mình, Trần Quang Đức đã rút ra kết luận quan trọng của cuốn Ngàn năm áo mũ: có hai tư tưởng lớn ảnh hưởng đến trang phục cung đình Việt Nam là tư tưởng Đế vương và quan niệm Hoa di (cho mình là người văn minh ở trung tâm). Thế nên, trang phục Việt Nam thời phong kiến giống với Trung Quốc, nhưng là giống với một tâm thế khác so với những gì người ta nghĩ ngày nay, đó là tâm thế coi mình ngang hàng với Trung Quốc.

Nhiều tờ báo cho rằng Ngàn năm áo mũ là một công trình có những gợi ý đáng kể cho phim lịch sử Việt Nam nhưng đó không phải là động lực chính khiến Trần Quang Đức thực hiện nghiên cứu này. Cuốn sách cũng sẽ không sớm phát huy tác dụng này, bởi chính Trần Quang Đức đã cho góp ý về trang phục cho một bộ phim và sự hợp tác này không được khả quan lắm. Chẳng hạn, anh đề xuất các đặc điểm răng đen, đóng khố, đi chân đất, cạo vòng tròn tóc trên đỉnh đầu… - đều là các đặc điểm thuần Việt đã được sử liệu chứng minh - thì nhà làm phim chê như vậy là xấu và không chấp nhận.

Mục đích chính của việc nghiên cứu Ngàn năm áo mũ được Trần Quang Đức nêu rõ trong phần Lời kết của cuốn sách: Ngàn năm áo mũ thể hiện một góc nhìn lịch sử, tư tưởng, mỹ thuật Việt Nam thông qua dòng chảy biến thiên của văn hóa trang phục; đồng thời làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa trang phục Việt Nam so với trang phục của các nước đồng văn, đặc biệt là Trung Quốc”.

Tác giả khẳng định: “Cuốn sách được viết nên bằng sự tôn trọng sự thật của ngàn năm áo mũ người Việt, không có đánh giá đúng sai, hay dở. Tôi hy vọng bạn đọc có cái nhìn công tâm, bình tĩnh đối với văn hóa trang phục Việt Nam nói riêng, văn hóa cung đình Việt Nam nói chung, đặc biệt đối với những thành tố văn hóa Trung Hoa dung chứa trong văn hóa Việt”.

Hiện, Trần Quang Đức đang dịch Sử ký Tư Mã Thiên và lên ý tưởng thực hiện một cuốn sách tranh về các bối cảnh, trang phục cổ Việt Nam với họa sĩ Hà Dũng Hiệp.

“Chưa đưa vào phim được thì tôi vẽ tranh” – Đức nói.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về các hình ảnh minh họa trong sách Ngàn năm áo mũ, từ ngày 23/8 tại café Manzi, Hà Nội sẽ có triển lãm các hình ảnh và hiện vật trong sách, in khổ lớn, đặc biệt sẽ có bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ dài 4m và 2 bộ trang phục cổ, 1 là áo của chúa Trịnh và 1 là áo của quan nhị phẩm triều Nguyễn. Toạ đàm về cuốn sách và chủ đề trang phục Việt Nam sẽ được tổ chức vào 10/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm