Bùi Tiến Tuấn tiếp tục vẽ phụ nữ thành thị

10/08/2012 07:28 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vào lúc 17h hôm nay (10/8) tại Furama Resort (Đà Nẵng) sẽ khai mạc triển lãm Phù phiếm, giới thiệu 22 tác phẩm lụa, với cái nhìn mang hơi thở đương đại. Trong những năm qua, việc cách tân tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn đã nhận được nhiều ý kiến khích lệ, vì nó cho thấy chất liệu này vẫn còn sức sống.


HS Bùi Tiến Tuấn

Phụ nữ thành thị đã trở thành chủ đề mà Bùi Tiến Tuấn theo đuổi. Anh xem đây là cách biểu thị suy nghĩ của mình về cuộc sống và là nơi thể nghiệm kỹ thuật. Bằng kinh nghiệm riêng, Bùi Tiến Tuấn muốn vượt qua những quy tắc thường thấy của tranh lụa truyền thống, nhằm tìm kiếm một biểu hình và biểu cảm khác.

Sự “phù phiếm” đầu tiên trong tranh Bùi Tiến Tuấn được nhìn thấy qua cách tạo hình, nơi người phụ nữ thời trang dường như bị chìm đắm vào thế giới vật chất của chính mình. Đương nhiên “người đẹp vì lụa”, chính lụa làm nên diện mạo, nhưng cũng là nơi ràng buộc. Người phụ nữ trong tranh của Bùi Tiến Tuấn vì thế mà vừa quen vừa lạ, có cảm tưởng như ta đã gặp ở đâu đó ngoài đời, nhưng họ là ai thì không rõ.

“Phù phiếm” còn đến từ chất liệu, vốn được xem là mỏng manh, mềm mại. Tại nhà trường và ngay cả trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, lụa là chất liệu chịu những “lép vế” nhất định. Chính vì vậy, trong việc xốc lại vị thế của nó như một chất liệu có đầy đủ sức mạnh để biểu cảm, nhìn kiểu gì, vẫn thấy trong đó sự phiêu lưu và chất phù phiếm.


Tác phẩm Như chim sơn ca, lụa, 70x90cm, 2012

Cái làm một số người xem lâu nay, “ác cảm” với tranh lụa vẫn là khung cảnh hơi “quê quê”, với những cây cau khóm chuối, con trâu mái tranh, cây đa giếng nước… Tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn thì hoàn toàn khác, nó gần như cắt đứt với khung cảnh cũ, nơi nhân vật nữ được đặt trong phòng the, đầy chất gợi cảm; hoặc trên sân khấu đồng bóng, màu sắc sặc sỡ, ma mị; hoặc bềnh bồng trong không gian mơ hồ, “mặt đối mặt” với họa sĩ. Không chỉ thị dân, họ còn là những phụ nữ có phong thái trung lưu, vốn quen thuộc với son phấn, sự điểm tô, tính thời trang - một diện mạo gợi nghĩ đến tính phù phiếm.

Cũng xin nhắc lại, dù tốt nghiệp ngành lụa từ năm 1998, nhưng Bùi Tiến Tuấn đã mất hơn 10 năm để kinh qua nhiều chất liệu khác nhau, trước khi trở về với sở trường của mình. Và lụa đã thực sự đưa anh đến gần hơn với giới sưu tập và thưởng ngoạn nghệ thuật.

Văn Bảy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm