Bức chân dung biểu tượng của Bach 'hồi hương'

15/06/2015 11:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 12/6, bức tranh chân dung nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Đức Johann Sebastian Bach (1685-1750) đã được đón nhận nồng nhiệt tại thành phố Leipzig quê hương ông, với một buổi lễ đầy cảm xúc tại nhà thờ St Nicholas. Bức chân dung này đã trải qua một hành trình đầy phiêu lưu sau khi phát xít Đức lên nắm quyền.

Bức chân dung của Bach được trở về thành phố Leipzig là nhờ sự hào phòng của William Scheide, một triệu phú Mỹ đồng thời là một người yêu nhạc cổ điển đã qua đời hồi tháng 11/2014, ở tuổi 100.

Ông đã tặng lại bức tranh này cho Trung tâm Tư liệu Leipzig Bach.

Một chân dung xác thực nhất về Bach

Trong nhà thờ St Nicholas, những tràng pháo tay lớn đã vang lên khi tấm vải trắng phủ bức chân dung được tháo bỏ, để lộ hình ảnh nhà soạn nhạc đội tóc giả, ở độ tuổi khoảng 60 và đang cầm một trong những bản luân khúc của ông.

“Bach đang trở về nhà” - Barbara Scheide, con gái của triệu phú Mỹ William Scheide, vui mừng nói trong nước mắt.

Buổi lễ đón nhận bức tranh còn có màn diễn của dàn đồng ca nam của Nhà thờ St Thomas, nơi Bach từng đảm nhiệm vai trò người điều khiển ca đoàn trong suốt 27 năm. Nhà thờ St Thomas vừa khai mạc Liên hoan Âm nhạc Bach thường niên, gồm hơn 100 buổi hòa nhạc kéo dài đến ngày 21/6.


Bức chân dung xác thực nhất về Bach đã trở về quê hương sau một hành trình đầu phiêu lưu

“Đây là một may mắn lớn đối với Leipzig. Giờ mọi người có thể được chiêm ngưỡng bức chân dung”  - Konrad Kraut, một người hâm mộ 73 tuổi, vui mừng nói.

Đây là một trong hai bức chân dung của Bach được họa sĩ Elias Gottlob Haussmann vẽ. Bức chân dung đầu tiên đã bị hư hại nặng do phục chế tồi và hiện vẫn đang ở Leipzig. Bức tranh mới “hồi hương” được vẽ vào năm 1748, hiện trị giá khoảng 2,5 triệu USD. Đây được coi là một trong những miêu tả xác thực nhất về Bach và đã xuất hiện trong nhiều cuốn tiểu sử về ông.

“Bức chân dung này là một biểu tượng của lịch sử âm nhạc, được nhiều nguồn sử dụng và là chân dung đích thực duy nhất của nhà soạn nhạc. Tất cả các chân dung về Bach được biết đến hiện nay đều được mô phỏng từ bức chân dung này” – Bảo tàng Bach tuyên bố.

Hành trình lịch sử đầy màu sắc của bức tranh

Bức tranh đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy màu sắc và lý thú. Người ta không biết chính xác nơi “cư ngụ” của nó trong nhiều năm qua, song trong đầu thế kỷ 19, nó từng thuộc quyền sở hữu của gia đình người Do Thái Jenke ở Breslau, hiện là Wroclaw ở phía Tây Ba Lan, khi gia đình này đã mua tranh từ một cửa hàng bán đồ quý hiếm.

Walter Jenke, một hậu duệ của người sở hữu bức tranh này, đã trốn khỏi nước Đức tới Anh trong những năm 1930, khi phát xit Đức lên nắm quyền. Trong Thế chiến II, bức tranh được lưu giữ trong một két sắt ở tại đất nước quê hương của bạn bè Jenke, gia đình Gardiner ở Dorset, Tây Nam nước Anh, để tránh được những cuộc dội bom ở Đức.

Và nhờ chính lý do ấy mà nhạc trưởng Anh John Eliot Gardiner, hiện là Chủ tịch Trung tâm Tư liệu Bach và là tác giả cuốn sách về Bach, mang tựa đề Music In The Castle Of Heaven (2013), đã được lớn lên cùng bức tranh.

“Tôi lớn lên dưới cái nhìn chằm chằm của Bach” – Gardiner nói và bày tỏ ông vô cùng hài lòng khi chứng kiến hành trình bức tranh được trở về quê hương.

Sau chiến tranh, Jenke đã bán đấu giá bức tranh này và nó đã được Scheide, một triệu phú giàu lên nhờ dầu lửa và đã dành cả đời sưu tầm sách âm nhạc học và sách quý hiếm, mua lại.

Nhiều thập kỷ sau đó, vào năm 1985, Scheide bộc lộ mong muốn một ngày nào đó được thấy bức tranh trở về quê hương. Giờ đây, Trung tâm Tư liệu Leipzig đang trưng bày bức chân dung trước công chúng lần đầu tiên, kể từ thế kỷ 18.

Beethoven ca ngợi Bach là “vị thần bất tử của hòa âm”

Bach là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm, và đàn hạc thuộc thời kỳ Baroque (1600 – 1750). Nhờ kỹ năng điêu luyện trong cấu tạo đối âm, hòa âm, và tiết tấu, cũng như khả năng điều tiết nhịp điệu, hình thái và bố cục âm nhạc nước ngoài, nhất là từ Italy và Pháp, Bach đã góp phần làm giàu nền âm nhạc Đức.

Nhiều sáng tác của Bach vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay như Brandenburg Concertos, gồm 6 nhạc phẩm soạn cho nhạc cụ. Mass cung si thứ, The Well-Tempered Calvier, các bản cantata, hợp xướng, và các bản nhạc dành cho organ.

Âm nhạc của Bach được xem là có chiều sâu trí tuệ, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn, và thấm đẫm nét đẹp nghệ thuật. Nhà soạn nhạc thế kỷ 18 Ludwig Van Beethoven mô tả ông là “vị thần bất tử của hòa âm”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm