Bối cảnh quay phim tại Việt Nam: Cánh cửa đã mở!

25/11/2019 06:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, sáng 24/11/2019 đã diễn ra hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Quảng bá bối cảnh quay phim tại Việt Nam

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Quảng bá bối cảnh quay phim tại Việt Nam

Ngày 24/11, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam”.

Từ những phân tích về thuận lợi - khó khăn và nhu cầu thực tế, có thể nói, cánh cửa đã mở với bối cảnh quay phim tại Việt Nam. Còn mở rộng đến đâu, làm sao để khai thác hiệu quả thì tùy vào sự phối hợp giữa các cấp, các ban ngành, cũng như cách thu hút, giữ chân các đoàn phim quốc tế, đặc biệt là Hollywood.

Bắt đầu phần trình bày tham luận, ông Trần Nhất Hoàng (Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH,TT&DL) cho biết, từ năm 1975 đến 1990 đã có ít nhất 70 phim lớn của Hollywood chọn chủ đề chiến tranh Việt Nam để thực hiện. Nhưng đáng tiếc, do hoàn cảnh khách quan, họ phải chọn các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á - vốn gần gũi về phong thổ - để đặt bối cảnh quay.

Từ năm 1990 cho đến năm 2000, tình hình có cải thiện nhiều hơn, khi 5-6 phim lớn của Pháp và quốc tế đặt bối cảnh quay tại Việt Nam, nhưng cánh cửa với Hollywood vẫn chưa thể mở. Có thể nói chỉ khi bom tấn Kong: Đảo đầu lâu (đạo diễn: Jordan Vogt-Roberts) được quay tại Việt Nam vào năm 2016 thì cánh cửa với Hollywood mới được mở ra.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lee Ha Jun đọc tham luận tại hội thảo ngày 24/11

Chính sách rất quan trọng

Cũng theo ông Trần Nhất Hoàng, trong các hạn chế của Việt Nam thì thiếu chính sách khuyến khích là yếu tố đầu tiên, chi phối chung. Các yếu tố còn lại là: thiếu thông tin quảng bá bối cảnh Việt Nam đến thế giới; các ngành nghề bổ trợ thiếu kinh nghiệm làm việc quốc tế; nguồn nhân lực chuyên nghiệp còn hạn chế; thiếu các mạng lưới đại diện để kết nối.

Hoạ sĩ Lee Ha Jun, thiết kế mỹ thuật phim Ký sinh trùng (giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019) chia sẻ rằng từ lâu anh đã nghĩ đến việc chọn bối cảnh tại Việt Nam, nhưng còn hơi quan ngại về giấy tờ, phép tắc. Khi đến dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, được biết về các đổi mới chính sách, đã và đang bỏ nhiều giấy phép không cần thiết, thì anh nói rằng việc chọn Việt Nam làm bối cảnh sẽ không còn nhiều e ngại nữa, có phim phù hợp là làm ngay.

Trước đây ít lâu, khi trả lời Công văn số 2597/BVHTTDL-ĐA ngày 8/7/2019 của Bộ VH,TT&DL về việc góp ý cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị bãi bỏ nhiều loại giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh. Liên quan đến bối cảnh quay phim, VCCI đề nghị bãi bỏ việc cấp giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo VCCI thì việc sản xuất phim hiện đang vận hành theo chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi quốc gia chỉ tham gia làm một vài công đoạn, nên rất khó để xác định được hoạt động nào cần phải xin phép, hoạt động nào thì không. “Luật Điện ảnh cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó bằng cách tạo điều kiện, gỡ bỏ các hàng rào thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính này có thể khiến các hãng phim lớn trên thế giới lựa chọn hợp tác với các quốc gia khác thay vì hợp tác với nhà làm phim của Việt Nam” - công văn của VCCI có đoạn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam

Phải tư duy từ công nghệ

Hoạ sĩ Lee Ha Jun nói rằng, anh thích dựa vào bối cảnh thực tế để làm phim hơn là bối cảnh nhân tạo. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như ý, nên phải tạo ra bối cảnh để quay, ví dụ phim Ký sinh trùng.

“Nếu đoàn phim tạo bối cảnh giả và dùng nhiều kỹ xảo để thay thế bối cảnh thực tế thì việc cấp phép quay phim không còn nhiều tác dụng. Tôi rất vui khi biết Việt Nam đã bỏ việc cấp phép quay phim với các đoàn phim nội địa và có thể sắp tới là những thông thoáng với các đoàn phim quốc tế, nếu như vậy mới kích thích sản xuất. Nước nào cũng có dán nhãn hoặc kiểm duyệt phim trước khi công chiếu, nhiều địa điểm ngoài thực tế đã cấm quay phim như khu quân sự, khu an ninh quốc gia… thì việc cấp thêm giấy phép quay phim là không cần thiết” - họa sĩ Lee Ha Jun nói. Ý kiến này cũng đã được nhiều hãng phim tại Việt Nam đề cập trước đây.

Chia sẻ ý kiến này, ông Trần Nhất Hoàng nói rằng chúng ta cần tư duy ngay từ công nghệ mới về làm phim để có cách quản lý và hợp tác hiệu quả hơn. Ông Hoàng nói: “Sau khi phim Kong: Đảo đầu lâu công chiếu quốc tế thì đã có nhiều đoàn phim quốc tế đến Việt Nam đặt điều kiện xin quay, vài chương trình truyền hình uy tín đã lên sóng. Ngay cả một đất nước rộng lớn và phong phú phong thổ như Ấn Độ thì vài đoàn Bollywood cũng đã sang Việt Nam tìm hiểu bối cảnh. Cho nên vấn đề của chúng ta hiện nay là nắm bắt cơ hội này đến đâu, làm sao để người ta đã đến quay thì thích đến quay vài lần nữa, để chính họ thành đại lý quảng bá và thu hút gián tiếp. Đừng để cánh cửa đã mở mà thưa thớt người bước qua”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm