Bộ VH,TT&DL thông tin về công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng và cà phê đường tàu ở Hà Nội

08/10/2019 14:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 8/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành họp báo thường kỳ quý III, giải đáp nhiều vấn đề "nóng", được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.

Vụ xây khách sạn tại Mã Pì Lèng: khi địa phương còn xem nhẹ vai trò di sản

Vụ xây khách sạn tại Mã Pì Lèng: khi địa phương còn xem nhẹ vai trò di sản

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng của tỉnh Hà Giang đến nay đang là công trình “4 chưa”: Chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng, chưa có văn bản thẩm định của Bộ VHTTDL.

Kiểm tra thực tế Mã Pì Lèng

Tại cuộc họp báo, liên quan đến công trình xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) gây xôn xao dư luận, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình thông tin cho biết: Sáng 8/10, Cục Di sản văn hóa đã cử một đoàn công tác gồm một Phó Cục trưởng Cục Di sản và lãnh đạo phòng chức năng đã lên thanh, kiểm tra thực tế tại đỉnh Mã Pí Lèng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thông tin tới các cơ quan báo chí khi có kết quả.  

Quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là phải có biện pháp, hình thức  bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng trong thời gian tới. Bất cứ công trình nào, nằm trên địa điểm du lịch, danh thắng quốc gia hoặc bất cứ nơi đâu trên toàn lãnh thổ Việt Nam nếu xây dựng trái phép thì phải xử lý nghiêm...

Trước đó, Cục Di sản văn hóa đã có thông tin ban đầu gửi tới các cơ quan báo chí, trong đó nêu rõ, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chú thích ảnh
Đèo Mã Pí Lèng được du khách mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Theo Cục Di sản văn hóa, quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa: "khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến bằng văn bản nào xin ý kiến thẩm định đối với công trình trái phép này từ phía tỉnh Hà Giang. Nếu nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng, công trình này phải chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và thẩm quyền trách nhiệm của tỉnh Hà Giang.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Các công trình phục vụ khách du lịch ở trên các chặng đường, nếu đáp ứng được nhu cầu của khách về tham quan, dừng chân và dịch vụ khác được coi là những công trình phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, công trình xây dựng bất kể ở đâu phải tuân thủ pháp luật về trình tự thủ tục và pháp luật...

Cà phê đường tàu là tự phát chứ không phải điểm du lịch

Liên quan đến việc cà phê đường tàu ở Hà Nội, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình chia sẻ: Tuy cà phê đường tàu là địa điểm thu hút đông khách du lịch, trong đó có cả du khách quốc tế nhưng cho dù địa điểm có hấp dẫn đến đâu đi chăng  nữa cũng cần đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Chú thích ảnh
Cà phê ngay sát đường tàu vô tình tiềm ẩn những hiểm nguy khi tàu chạy qua. Ảnh: Lao Động

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến thời điểm này chưa có văn bản nào khuyến cáo nhưng trong thẩm quyền, có thể lường trước hậu quả xảy ra, chính quyền UBND thành phố Hà Nội cần có chỉ đạo cần giải phóng khu này để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và đường bộ, đường sắt.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thông tin cho biết: Những điểm du lịch mới hay điểm du lịch mới có yếu tố hấp dẫn, các doanh nghiệp khai thác, có đầu tư sáng tạo, tạo nhiều sản phẩm mới đều được khuyến khích nhưng về nguyên tắc phải có quy hoạch phát triển  du lịch. Cà phê đường tàu dù hút khách nhưng vẫn chỉ là tự phát.

Thực chất khu vực cà phê đường tàu ở Hà Nội đang vi phạm một số quy định, các cơ quan chức  năng khuyến cáo, đưa ra văn bản dừng hoạt động. Nhu cầu du lịch của du khách là tự nhiên nhưng việc tổ chức hoạt động du lịch phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Các điểm du lịch hoạt động cần phải được cấp phép...

Đối với những điểm du lịch tự phát như cà phê đường tàu, Tổng cục Du lịch đã có khuyến cáo các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đánh giá thật kỹ, làm việc với chính quyền địa phương trước khi có các hoạt động liên quan đến du lịch…

Thanh Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm