Biến tướng lễ hội: “Quan hóa”

17/02/2013 07:26 GMT+7 | Văn hoá

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, “quan hóa” là nguy cơ đe dọa lễ hội. Theo đó, quan chức chiếm vị trí quan trọng của lễ hội, áp đặt mô hình của mình cho lễ hội.

Trong buổi họp trực tuyến của Bộ VH-TT-DL đầu năm 2013 về công tác tổ chức lễ hội, PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, không giấu nổi lo lắng về việc làm thế nào để tín ngưỡng Hùng Vương giữ được nguyên bản. Cùng với việc tín ngưỡng này trở thành di sản UNESCO, thách thức của việc giữ tín ngưỡng này cho cộng đồng sẽ được thế giới dõi theo. Từ khi trở thành quốc lễ, nó đã thay đổi rất nhiều về khách dự lễ và hành hương. Nghiên cứu của UNESCO công bố năm 2012 cho thấy người tham gia mới là lãnh đạo nhà nước, tỉnh, các ban ngành, sự đóng góp và tham dự của các đoàn đại diện từ các tỉnh thành trong cả nước.


Hội đền Hùng nay đã thành quốc lễ - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo UNESCO, hiện nay đại diện lãnh đạo nhà nước đã thay thế các làng sở tại để tổ chức hội. Nó dẫn đến suy giảm vai trò chủ động tham gia của cộng đồng địa phương vào lễ hội. Trước đây, dân ba làng sở tại là Cổ Tích, Vi, Trẹo được coi là “trưởng tạo lệ”. Họ có trách nhiệm đứng ra tổ chức hội đền Hùng với sự tham gia của các làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh. Từ khi được nâng thành quốc lễ, đặc biệt là từ khi Ban quản lý di tích được thành lập vào năm 1962, đại diện của ba làng không còn đóng vai trò chủ lễ. Các làng cũng không còn tuân thủ các quy định về tế lễ, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian, rước theo truyền thống nữa.
    

Tính thiêng của đền Hùng không phải ở chỗ các vị quan chức cấp cao đại diện cho nhà nước thực hành nghi lễ. Tính thiêng là ở tấm lòng thành, mà tấm lòng thành thì mọi người đều bình đẳng

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Về thay đổi này, theo UNESCO, việc tổ chức lễ hội thờ cúng Hùng Vương không còn là “lệ” làng, khi mọi người dân phải có nghĩa vụ đóng góp công sức, thời gian và tiền của. Việc tham gia hội đền Hùng chuyển sang tính chất nhiệm vụ, được phân công thông qua các văn bản. Người dân ba làng Cổ Tích, Vi, Trẹo tham gia hội bị động theo sự chỉ đạo từ trên. Hệ quả của mô hình tổ chức lễ hội kiểu này, ông Bôi, nguyên cán bộ khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: “Ngày xưa người ta tự giác làm vì đó là phong trào... Bây giờ mỗi xã đòi 5 triệu thì mới tham gia”.

Hội Gióng - một di sản UNESCO khác cũng đang bị “quan hóa” khi phải đi “diễn” liên tục để phục vụ các ngày kỷ niệm. Cụ thể, từ năm 2010, Hội Gióng được tổ chức trình diễn nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, phục vụ làm hồ sơ và nhận bằng Di sản của UNESCO. Những “lễ hội” này không trùng vào thời gian mở hội truyền thống, người tham gia hội phải “diễn”. Nhà nước cũng trả tiền cho người dân để họ diễn lễ hội. Theo các nhà nghiên cứu, điều này tạo tâm lý làm thuê, thụ động, trái ngược với thực hành lễ hội một cách tự nguyện, chủ động theo nền nếp truyền thống.

Thậm chí, theo GS Ngô Đức Thịnh, việc đọc các báo cáo theo kiểu quan chức tại Hội Gióng có những khi rất phản cảm. Có năm, báo cáo thành tích được đọc còn có phần về… tỷ lệ sinh đẻ có kế hoạch.

Trả hội về cho dân

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nói về lễ hội đền Hùng: “Tôi đã có lần đề nghị việc tế lễ đền Hùng nên trả lại cho người dân địa phương như trước đây họ vẫn thực hành. Việc thực hành đó không làm giảm tính chất quốc lễ nhưng tăng được tính dân gian. Tính thiêng của đền Hùng không phải ở chỗ các vị quan chức cấp cao đại diện cho nhà nước thực hành nghi lễ. Tính thiêng là ở tấm lòng thành, mà tấm lòng thành thì mọi người đều bình đẳng. Nếu chúng ta giải quyết thỏa đáng tương quan nhà nước và cộng đồng trong mô hình quản lý lễ hội ở đền Hùng thì sẽ là bài học tốt cho nhiều lễ hội khác”.

Cũng theo ông Huy, bản thân các lễ hội truyền thống đã mang tính văn hóa và chính trị rất tinh tế thông qua các biểu tượng và hành lễ của mình. Vì vậy sự can thiệp của nhà nước phải rất thận trọng, nếu không sẽ phản tác dụng. “Tôi nghĩ các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền các cấp cần xem xét rất kỹ càng việc mời các vị lãnh đạo tham gia trực tiếp vào các hoạt động lễ hội truyền thống”, ông Huy nêu quan điểm.

“Không ai có thể phủ định vai trò nhà nước trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nhất là các lễ hội truyền thống”, ông Huy nói. “Vai trò quan trọng nhất của nhà nước là điều hành việc bảo tồn đó bằng các chủ trương, chính sách và thông qua hệ thống tổ chức chính quyền và ngành chuyên môn ở các cấp. Vấn đề ở đây là làm thế nào tạo được quan hệ hài hòa giữa nhà nước và cộng đồng để phát huy tốt nhất vai trò chủ thể của cộng đồng”.

Theo Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm