Bàn tròn: Làm từ thiện, thế nào mới đúng cách?

16/02/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn lại hành trình năm 2020 khi khó khăn chồng chất khó khăn trong dịch bệnh, bão lũ thì những tấm lòng nhân ái lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Câu chuyện từ thiện kết nối tấm lòng tương thân tương ái trở thành một điểm sáng khơi dậy niềm tự hào về một dân tộc luôn đoàn kết, kiên cường vượt qua khó khăn.

Hai sư thầy quyên góp từ thiện giúp đỡ người dân vùng lũ

Hai sư thầy quyên góp từ thiện giúp đỡ người dân vùng lũ

Trong những ngày qua, tình hình mưa lũ tại miền Trung diễn biến phức tạp với mưa lớn kéo dài, sạt lở nghiêm trọng diễn ra tại các khu vực đồi núi, nước sông dâng cao khiến hàng cuộc sống nhân dân hết sức khó khăn, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn.

Thế nhưng, bên cạnh sự lan tỏa mạnh mẽ đó, từ thiện như thế nào là đúng cách lại trở thành vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng thời gian vừa qua. Mỗi người mang tới một cái nhìn khác nhau, một nhận định riêng về của cho và cách cho. 

Chú thích ảnh
Ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp và vận động quyên góp được hơn 150 tỷ đồng ủng hộ miền Trung

Đó cũng chính là câu hỏi đặt ra với anh Hoàng Minh Thông (Founder của EdSpace), Đức Anh (TikToker), Hoàng Việt (Nhân viên truyền thông) và Minh Anh (MC) sau những lần tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện bằng nhiều cách khác nhau.

Đợi người chuyên nghiệp xuất hiện hay tự xắn tay vào làm?

* Trong bối cảnh bệnh dịch của năm 2020, chúng ta đã nói rất nhiều tới sự nhân rộng tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến từ thiện chỉ là xu hướng, trào lưu nhất thời và sẽ “nguội” khá nhanh sau quãng thời gian đầu tiên. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

- Minh Thông: Trào lưu là bình thường ở giai đoạn này thôi. Ngay từ lúc mới bắt đầu, khi ít thấy ai về miền Trung, nhiều cá nhân đã tình nguyện tổ chức các hoạt động giúp đỡ. Và sau một thời gian, cũng đã có suy nghĩ là nơi này có vẻ có nhiều người giúp đỡ rồi, nên số lượng người kêu gọi ủng hộ cũng giảm dần và không còn nhiều như trước nữa. 

Nhưng, với một vài trào lưu như vậy, hoạt động từ thiện tự nó vẫn sẽ dần đi vào ổn định và chuyên nghiệp hơn. Dĩ nhiên, vẫn cần có những người làm chuyên nghiệp xuất hiện. Và trước những thời điểm cần thiết, mỗi người sẽ tự lựa chọn xem nên đợi người chuyên nghiệp xuất hiện hay họ tự xắn tay để làm điều đó. 

- Đức Anh: Gọi là xu hướng, phong trào thì hơi quá. Tôi biết, làm từ thiện cực lắm, vất vả lắm! Nếu không xuất phát từ cái tâm thì hiếm ai dám lao thẳng vào vùng lũ, lội mưa lội nắng cứu trợ, tổn hại cả thời gian lẫn sức lực để thực hiện điều này! Và đó còn là câu chuyện của bản lĩnh nữa. Nhiều người nổi tiếng vẫn chọn đi làm tư thiện, dù họ thừa hiểu chỉ cần một sơ sẩy là gặp điều tiếng trước áp lực của cộng đồng – mà việc ca sĩ Phi Nhung bị phàn nàn chỉ vì một nụ cười khi chụp hình với người gặp khó khăn là ví dụ.  

Chú thích ảnh
Hoàng Minh Thông từng là giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP HCM đồng thời là CEO của Learn with Tom và đồng sáng lập EdSpace, hiện đang là Giám đốc học thuật tại EdSpace - không gian học tập cho người trẻ. Hiện sống ở TP HCM

- Minh Anh: Tôi  cũng nghĩ, dù là tự phát hay trào lưu nhất thời đi nữa, làm từ thiện vẫn là một hoạt động tốt và sẽ sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Và, giống như câu “Một cây làm chẳng nên non”, những chiến dịch làm từ thiện rõ ràng đã tạo ra cơ hội kết nối nhiều cá nhân để thực hiện các hoạt động mà nếu bình thường, có thể họ sẽ hơi ngần ngại.

- Hoàng Việt: Tôi nhìn câu chuyện ở kết quả thực tế mà nó mang lại. Sức người vốn có hạn, là trào lưu cũng không sao, nếu chuyện từ thiện sẽ mang lại sự giúp đỡ trực tiếp cho người gặp khó khăn. Chẳng hạn như chuyện của Thủy Tiên, có những người nói rằng Tiên làm từ thiện để PR tên tuổi bản thân, giống như  trào lưu làm từ thiện của một số người nổi tiếng trước đó. Nhưng ta không thể phủ nhận: nhờ sự vận động của cô, hơn 150 tỷ đồng đã được huy động để giúp đỡ đồng bào gặp lũ.

* Sự bùng nổ của hoạt động từ thiện trong năm qua đã để lại những so sánh về cách triển khai của cá nhân hoặc tổ chức. Theo bạn, câu chuyện từ thiện nên để các cá nhân hay là vấn đề mà các tổ chức cần đứng ra giải quyết?

- Minh Thông: Nhà nước không hề cấm chuyện trao từ thiện bằng số tiền mà người ta muốn cho. Và tất nhiên việc giúp đỡ người dân, cứu trợ đều có mặt nhà nước. Trong khi đó, cá nhân họ làm thì vẫn làm thôi.

Hãy tưởng tượng một tổ chức mà có một nhân vật mang tính biểu tượng như Thuỷ Tiên thì khả năng  thu hút sự đóng góp, kêu gọi từ cộng đồng sẽ lớn tới mức nào. Và tất nhiên khi đã là tổ chức, mọi việc làm cũng sẽ có sự bài bản, đưa ra được số liệu minh bạch, chính xác hơn. Như thế, điều cần làm là làm sao để dung hòa, kết nối cả cá nhân và tổ chức lại với nhau để tối ưu hóa nguồn lực.

Chú thích ảnh
Nguyễn Minh Anh là MC, hiện theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

- Minh Anh: Chuyện từ thiện vốn là tự nguyện và không ai ép buộc được ai. Chẳng thể nào phân định được xem ai nên làm, ai không bởi rõ ràng đích hướng tới của cuối cùng của hành động này là giúp đỡ đồng bào và xuất phát từ cái tâm, cái tầm của người cho đi. Dù là cá nhân hay tổ chức, việc có những những hoạt động thiện nguyện đều đáng được tôn vinh.

- Hoàng Việt: Tôi không quan tâm tới cá nhân hay tổ chức, mà quan tâm tới việc phía đứng ra làm từ thiện có lộ trình, có hệ thống thực hiện một cách khoa học, thuận tiện và hợp lý nhất. Bởi thế, tôi cũng đồng ý với anh Thông: Nếu cá nhân không đủ sức để làm thì có thể kết hợp với các tổ chức. Và chắc chắn, dù cá nhân có làm hay không làm từ thiện thì những tổ chức lớn vẫn sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho việc đó. 

Chọn cá, chọn cần hay chọn người xứng đáng?

* Những tranh cãi trong chuyện từ thiện rất hay xảy ra. Một ví dụ từ câu chuyện cứu trợ của nữ ca sĩ Thuỷ Tiên: nhiều người cho rằng cô đã quá nóng vội khi rút ví 200 triệu đồng để cho một người đàn ông vùng lũ trả nợ ngân hàng trong khi còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn cần sự giúp đỡ. Bạn cảm nghĩ sao về điều này? Và theo bạn, thế nào mới định nghĩa đúng hai từ “xứng đáng” khi trao từ thiện?

- Minh Thông: Nhìn ngay từ đầu, mục đích của Thuỷ Tiên không phải từ thiện mà là cứu trợ. Mình nên có sự phân biệt 2 khái niệm này. Việc rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì cứu trợ là điều cần phải làm ngay, sau đó mới tới phục hồi và từ thiện lâu dài. Với Thuỷ Tiên, việc cho đi 200 triệu đó có thể là nguy cấp, cần làm luôn nhưng với một số người thì họ cho rằng nợ ngân hàng là chuyện đường dài, không nến mức thiếu một bữa ăn sẽ chết đói. 

Nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ có những tranh cãi này vì ta chưa có một quy chuẩn chung, xem thế nào là nguy cấp. Tuy nhiên, thực tế là nếu tạo ra quy chuẩn này thì việc mà Thuỷ Tiên đang làm không còn mang tính kịp thời nữa. Nó phải thông qua hàng loạt các bước khác như xét duyệt, kiểm tra,... và như vậy thì sẽ kéo dài rất là lâu.

Chú thích ảnh
Phạm Đức Anh là TikToker, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM

Những người cho rằng khoản tiền 200 triệu đó là không phù hợp có thể họ mong muốn được sử dụng vào việc khác nhưng họ có nói ra ngay từ đầu không hay họ đã lựa chọn sự tin tưởng? Và sau những tranh cãi đó thì Thuỷ Tiên cũng đã có cách xử lý thông minh và dũng cảm khi quyết định lấy tiền riêng của mình khỏa lấp vào con số 200 triệu đã cho đi.

- Đức Anh: Mình không so sánh được là ai đáng thương hơn ai trong cuộc đời này. Mỗi người ở mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ có những khó khăn nhất định, cũng như khi họ chạm tới đỉnh điểm của khó khăn. Ở trường hợp người đàn ông gặp Thủy Tiên, đó có thể đang là đỉnh điểm khó khăn khi mọi của cải bị cuốn trôi đi hết trong thiên tai và không biết làm gì để bù đắp lại.

Như thế, chị Tiên đã giúp người khác vượt qua cái đỉnh điểm khó khăn, thậm chí có thể làm người khác thoát khỏi gánh nặng sẽ theo đuổi suốt cuộc đời. “Giúp thì giúp cho trót" - mình ủng hộ chị Tiên. 

Còn chuyện xứng đáng, với mình đó là việc cả người cho và người được cho đều thấy câu chuyện mang lại ý nghĩa, riêng người cho sẽ  thấy lòng nhẹ nhõm, trân trọng và không có chút tiếc nuối hay hối hận. 

- Minh Anh: Quả thật, mỗi người đều mang những khó khăn riêng và khi hoàn cảnh đẩy người ta vào bước đường cùng thì chẳng thể nào phán xét xứng đáng hay không xứng đáng. Trong bối cảnh gấp rút như vậy, nếu quá phân định rạch ròi về việc ai khổ hơn ai hay người nào mất mát nhiều hơn thì bỗng dưng điều đó lại trở thành sự toan tính.

Riêng chuyện ai xứng hơn ai có lẽ phải nhờ tới sự kiểm tra, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong quá trình hỗ trợ dân tái thiết cuộc sống sau này, bởi khi ấy chúng ta mới có thời gian để cân đo đong đếm về những thiệt hại, mất mát.

Chú thích ảnh
Nguyễn Hoàng Việt là Nhân viên truyền thông - TP HCM

- Hoàng Việt: Xứng đáng hay không là tùy vào góc độ của mỗi người. Câu chuyện này có thể mang ra tranh cãi khi số tiền 200 triệu đó Thuỷ Tiên dùng từ quỹ mà mọi người ủng hộ. Tất nhiên mỗi người một ý, sẽ khó có thể đưa ra một quyết định nào nhận được sự đồng ý 100% cả. Giống như Thuỷ Tiên đã nói, đứng ở vị trí của cô khi ấy, cô thấy rất thương cảm cho số phận của người đàn ông rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy, về mặt cảm xúc chắc chắn không phải cứ nhìn qua màn hình là có thể hiểu được. 

Ở câu chuyện của Thủy Tiên, ca sĩ này đã dùng đến tiền của cá nhân nên mình xin phép không bàn thêm. Nếu có gì để nói, chỉ là một ý thế này: cảm xúc, suy nghĩ và lựa chọn của những người đã nhập cuộc trực tiếp sẽ khác nhiều với tâm lý của những người nhìn mọi chuyện qua màn hình máy tính. Do vậy, ta nên cân nhắc khi phán xét.

Chú thích ảnh
Công Vinh - Thuỷ Tiên

* Trong từ thiện, câu chuyện giúp người nên cho con cá hay cần câu vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nếu là bạn, bạn sẽ lựa chọn cho cá hay đưa cần câu?

- Minh Thông: Thật ra, chúng ta hay đơn giản hóa câu chuyện này. Trước một người sắp chết đói tới nơi rồi, bạn có sự lựa chọn nào khác là đưa thức ăn cho họ? Hãy để người khác sống trước đã, rồi mới bắt đầu nghĩ tới việc sống như thế nào.

Như mình đã nói, hãy phân biệt cứu trợ khẩn cấp và từ thiện. Ở giai đoạn khẩn cấp thì mình cần con cá, còn nghĩ tới lúc dài hạn, khi mình có sự chuẩn bị trước lúc sự việc xảy ra thì đó mới là cần câu.

- Đức Anh: Cũng tùy hoàn cảnh và khả năng cũng như mong muốn người được từ thiện. Ví dụ như từ thiện cho những cụ già không còn sức lao động, hoàn cảnh khó khăn thì ngay tức thì phải là “cá". Còn những người còn khả năng để làm ra của cải, còn đường để làm ăn thì chắc chắn là “cần câu". 

- Minh Anh: Quả thật, con cá là đường ngắn còn cần câu là đường dài. Tất nhiên, cuộc sống vốn là chuyện đường dài nhưng đôi khi hoàn cảnh lại đẩy con người vào quãng đường ngắn, buộc ta phải tìm con cá trước khi nghĩ tới chuyện tương lai. Mỗi người cần phải có sự linh hoạt trong cách nhìn nhận về vấn đề và phù hợp với từng hoàn cảnh. Sự hoài nghi và niềm tin

Chú thích ảnh
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (bìa phải) trong chuyến thiện nguyện đến vùng lũ ở miền Trung

* Không ít người nói rằng, tôi là người có sự đóng góp, tôi có quyền được biết số tiền mình bỏ ra sử dụng cho mục đích từ thiện như thế nào? Thế nhưng, dù là cá nhân hay tổ chức làm từ thiện, thì hầu như không ai có thể làm hài lòng được hết tất cả mọi người. Bạn nghĩ sao về điều này?

- Minh Thông: Tất nhiên có những người sẽ có quan điểm riêng. Nhu cầu chỉ trích hay bày tỏ thái độ của mình thì ai cũng có. Nhưng đưa ra ý kiến là điều rất khác với chuyện phán xét tư cách của người làm từ thiện.

- Minh Anh: Trong cuộc sống thì luôn có những ý kiến hai chiều. Chúng ta dường như chẳng bao giờ có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Thế nên mình chỉ cần làm mọi việc vì là mình muốn thế, bản thân cảm thấy hạnh phúc với điều đó và cảm thấy có thể giúp đỡ được người khác chứ không phải làm để mọi người công nhận, chắc chắn đó không phải mục đích của từ thiện. Cái việc mình cho đi chưa chắc đã mong muốn nhận lại bất cứ điều gì nên cũng không cần phải cố gắng làm hài lòng ai. 

Chú thích ảnh
ATM gạo giúp người nghèo gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: VNE

* Nghi ngờ về tính minh bạch luôn tồn tại và chính sự hoài nghi này khiến người đứng ra có thể trở thành mục tiêu công kích. Vậy trong chuyện thiện nguyện, chúng ta nên chọn một thước đo nào cho lòng tin?

- Minh Thông: Một câu hỏi đơn giản được đặt ra: Tại sao Công Vinh - Thuỷ Tiên lại có một lực lượng rất lớn người ca ngợi, ủng hộ? Đơn giản như thế này: Thay vì tôi cầm tiền của tôi đi ra miền Trung thì có một người đã thay tôi làm điều đó, người này không quản ngại khó khăn, lặn lội đường xá xa xôi để tới tận nơi cần giúp đỡ, người này thậm chí còn bỏ tiền riêng của mình ra.

Khi ấy, chính chúng ta sẽ tự cảm thấy rằng mình đã tin tưởng đúng người. Tất cả có niềm tin là Thuỷ Tiên sẽ làm tốt nên mọi người mới uỷ thác cái phần tiền của mình cho Thuỷ Tiên với mong muốn là đồng tiền đó sẽ được sử dụng đúng mục đích. 

- Đức Anh: Khi người ta đã dám đứng lên để thay mặt cho cộng đồng, thì đã có tâm lớn rồi. Và những người nổi tiếng cũng sợ bị mang “nghiệp” chứ. Chưa nói chuyện vụ lợi, chỉ cần hành xử không chính xác, những người làm từ thiện chắc chắn sống sẽ không được thoải mái ngày nào. 

Mình không có lời khuyên cho mọi người là nên tin hay không, nên đề cao hay không, vì  cái đó là sự nhìn nhận của cá nhân. Bản thân mình khi mình đóng góp vào một quỹ nào - của ai đó thì trước tiên  đã đặt lòng tin tuyệt đối rồi.

- Hoàng Việt: Niềm tin trong cuộc sống vốn mong mạnh, nhất là khi nó lại gắn với một vấn đề nhạy cảm là tiền bạc. Mình bỏ tiền ra mà, mình có quyền thắc mắc về số tiền đó sẽ đi đâu, về đâu. Còn với câu hỏi, việc các nhân hay tổ chức có cần liên tục “giải trình” sự minh bạch không, mình cho là nên có. Có, để hình ảnh của việc làm từ thiện không bị làm xấu đi trong mắt mọi người. 

Mỗi người sẽ có một cách từ thiện riêng, một quyết định cho đi như thế nào là hợp lý. Điều quan trọng là những việc làm đó nên xuất phát từ trái tim và cũng nên được đón nhận bằng cả trái tim.

* Cảm ơn những chia sẻ của các bạn!

  Bảo Ngọc (thực hiện)

TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm