Bản sắc dân tộc thời mở cửa: Nhìn từ lễ hội làng nghề

20/08/2009 14:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - TS Phó Đức Tùng đã mở đầu Diễn đàn văn hóa với vấn đề thời sự Bản sắc dân tộc thời mở cửa nhìn từ góc độ tâm linh (Tâm linh đại khái?- TT&VH Cuối tuần số 32) liên quan đến phong trào khôi phục, bảo tồn, tôn tạo đền chùa miếu mạo và làm thêm những công trình mới hiện nay, một phong trào có ý nghĩa bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc nhưng mang nặng tính hình thức do bắt nguồn từ những nhầm lẫn trong nhận thức văn hóa. Trên Diễn đàn kỳ này, anh tiếp tục “mổ xẻ” vấn đề từ những góc nhìn khác.

TS Phó Đức Tùng
Ngoài những di tích lịch sử ra, những năm gần đây, các yếu tố văn hóa phi vật thể cũng được khai thác rầm rộ. Đâu đâu cũng trẩy hội, làng nào cũng rước sách rất là long trọng, làng nhỏ nhất cũng muốn khuếch trương ngày hội và tìm cách hấp dẫn đông đảo du khách thập phương. Và ở đây, chúng ta cũng bắt gặp sự xô bồ, thiếu chất lượng.

Từ những lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất và đậm bản sắc nhất như hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội Yên Tử, giỗ tổ Hùng Vương, chợ Viềng, hội Lim v.v... đều không tập trung vào tôn tạo những nét đặc trưng. Hội chùa thì rượu thịt xô bồ, hội chợ thì buôn điêu bán đắt, hội hát thì vặn băng cát-xét v.v... Và hội nào thì cũng bán hàng Trung Quốc rởm, quảng cáo hò hét om xòm, chơi bời đỏ đen, hoặc bày những trò tương tự như liếm đít chảo, leo cột mỡ, chẳng ra thể thống gì. Có những thứ đúng là có bản sắc, và cũng là truyền thống ở một số vùng nhất định, nhưng vẫn nên cân nhắc xem có nên tiếp diễn hay không, chẳng hạn như hội chọi trâu. Cứ nói là tinh thần thượng võ, là vui mừng ngày mùa v.v... nhưng thực ra là trò man rợ và bất nhân bạc ác. Con trâu là bạn nhà nông, trong văn hóa lúa nước, hình ảnh con trâu và người nông dân, con trâu và trẻ mục đồng luôn là tình cảm trìu mến, yêu thương, làm gì có trò đem trâu đi chọi máu me rồi thịt cả con thắng lẫn con thua mà liên hoan với nhau? Tất nhiên những thứ mọi rợ như vậy thường vẫn thu hút nhiều du khách, nhưng là những du khách mông muội và chắc chắn sẽ để những người văn minh chê cười mà mang tiếng cho một dân tộc!


Hội chợ làng nghề trong khuôn khổ lễ hội Quảng Nam -
Hành trình di sản vắng như chùa Bà Đanh. Ảnh V.A

Như đã nói trong bài trước, thông điệp của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo mới là linh hồn của đền chùa, nhà thờ chứ không phải bài vị và tượng của ông Phật hay ông Khổng tử và bố mẹ của họ. Còn nếu có tổ chức hội hè thì cũng cần phải nghiên cứu cho thấu đáo, tập trung vào cái hay, cái đẹp mới thành bản sắc chứ không chỉ là tìm mọi cách để tập trung đông người vào một chỗ. Nếu không tổ chức, nghiên cứu tốt thì hội hè sẽ không phải là nơi phát huy được bản sắc văn hóa mà sẽ là nơi phô bày rõ nét những yếu kém về văn hóa và làm giảm giá trị dân tộc. Vì vậy, điều quan trọng khi tổ chức lễ hội ngày nay không phải cố tìm xem nên bày trò gì, làm cái gì mà quan trọng nhất là phải quyết định không làm cái gì.

Xu hướng hội nhập một mặt dẫn tới chủ nghĩa quốc tế trên mọi lĩnh vực, mặt khác làm nổi rõ nhu cầu về bản sắc dân tộc. Bởi vì nếu không có những điểm chung nhất định (tính quốc tế) thì không thể giao lưu, nhưng nếu không có cái riêng (bản sắc dân tộc) thì không có nhu cầu về trao đổi

Cùng với công trình tín ngưỡng và lễ hội truyền thống, làng nghề là mảng quan trọng được chú ý trong lĩnh vực tạo dựng bản sắc, thương hiệu Việt. Hàng ngàn làng nghề được công nhận, khôi phục và phát triển. Tất cả các làng phàm đã có bất kỳ một nghề thủ công gì đều có thể được gọi là làng nghề truyền thống. Nhiều làng không có nghề gì gốc thì cũng tạo dựng ra một nghề nào đó. Tại nhiều vùng đô thị mới, người ta nghĩ đến việc dành ra những khu đất cho làng nghề, để có thể đa dạng hóa sản phẩm, công ăn việc làm cho dân. Đặc biệt nhiều nơi nghĩ đến chuyện tập trung nhiều ngành nghề thủ công truyền thống thành một khu hội chợ làng nghề, tương tự như khu 36 phố phường Hà Nội ngày xưa. Bản thân khu 36 phố phường với mỗi phố một ngành thủ công cũng được coi là hết sức hấp dẫn và cần phải bảo tồn.

Ngoài hoạt động dạng hợp tác xã, tạo công ăn việc làm, mỗi làng nghề đều có dạng thờ tổ nghề, bảo tàng nghề v.v... Lễ hội làng nghề ngày một rầm rộ, khách thập phương dồn về hội ngày một đông... Tất cả sự phát triển trên đều không sai, góp phần tạo nên không khí tìm tòi bản sắc. Tuy nhiên đến nay, sau 20 năm đổi mới, nhìn lại ta có thể thấy được những nỗ lực này không thành công bao nhiêu. Theo tôi, có một số lý do sau:

Vấn đề lớn của chúng ta hiện nay là đang lẫn lộn giá trị, có những thứ rất quý giá thì coi làm thường, còn những thứ rất tầm thường thì lại tôn vinh, phô trương.

+ Chúng ta tuy có nhiều nghề thủ công truyền thống, nhưng chưa đạt được đến độ tinh xảo, bởi nhu cầu xã hội trong quá khứ còn hạn chế, điều kiện giao lưu, học hỏi của người thợ cũng ít. Với mức độ như vậy, trên thế giới ở đâu mà chẳng có, vì ai cũng phải làm thủ công trước thời kỳ công nghiệp. Giờ đây dạng thủ công kiểu này không còn sức cạnh tranh. Nếu người thợ thủ công nào còn đứng vững được phải đạt độ tinh xảo về tay nghề và sử dụng thành thạo kỹ thuật hiện đại, kèm theo sự hợp tác chặt chẽ về thiết kế mẫu mã. Vậy mà chúng ta chỉ dựa vào mỗi lý do thủ công nghĩa là làm bằng tay và sức lao động rẻ thì khác nào người ăn xin chỉ mong vào lòng từ thiện. Lao động lương thấp kiểu này càng làm nhiều, càng xuất khẩu nhiều thì càng lún sâu vào vòng nghèo đói.

+ Thay vì tìm cách phát triển công nghệ, mẫu mã để tăng chất lượng, thực sự đạt đẳng cấp quốc tế thì chúng ta dùng mọi nỗ lực cho việc phô trương, tiếp thị những sản phẩm còn chưa đạt yêu cầu. Đành rằng việc nâng cao chất lượng không phải một sớm một chiều, tuy nhiên điều quan trọng là vấn đề ý thức. Lấy ví dụ nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chúng ta làm dự án đường gốm, một dải trang trí ghép bằng những mảnh gốm dài hàng cây số ven sông Hồng, chi phí tới gần nửa triệu đô-la, cũng một phần nhằm tôn vinh nghề truyền thống gốm Bát Tràng. Trong khi đó, thực sự ở Bát Tràng hiện có rất ít sản phẩm đạt tầm cỡ quốc tế. Với số tiền cỡ đó, nếu để tổ chức chuyển giao công nghệ, hội tụ nghệ sĩ, nghệ nhân thế giới nhằm giúp Bát Tràng có thể bật lên, có chỗ đứng vững trong tương lai thì sẽ tốt hơn nhiều. Tương tự như vậy, thay vì nghĩ xem làm sao để cái bánh chưng dân tộc được mọi nơi trên thế giới sử dụng thì chúng ta làm bánh chưng to nhất thế giới, ném nguyên cả con lợn vào nhân, thay vì tạo ra những sản phẩm đúc đồng hiện đại, tinh tế thì chúng ta đúc những quả chuông nặng nhất trong lịch sử v.v... Tất cả những điều đó đều là những định hướng sai lầm và nguy hiểm.

+ Chúng ta mở ra khắp nơi hàng ngàn làng nghề, đâu đâu cũng có triển lãm nghề thủ công, tiếp thị quảng cáo, nhưng không thực sự có quy hoạch ở đâu nên làm gì thì tốt nhất, tối ưu nhất, để có được một bức tranh du lịch tối ưu, hiệu quả và đặc sắc. Cần phải hiểu rằng ngoài giá trị hàng hóa thì làng nghề có giá trị văn hóa và du lịch rất cao. Nhưng những giá trị này chỉ phát huy được khi người ta biết trân trọng lịch sử, địa điểm, đặc trưng văn hóa của nó, còn khi ta chỉ coi nó như là sản xuất hàng hóa thông dụng, ai làm cũng thế, ở đâu cũng vậy thì có nghĩa là đã mất đi giá trị văn hóa, du lịch mất rồi. Ví dụ Hà Nội là một vùng đất linh của đồng bằng sông Hồng, tập trung rất nhiều thổ sản quý báu đặc trưng từ cam Canh, bưởi Diễn, cốm Vòng, ổi Trại Găng, khế Bắc Biên, chuối tiêu sông Hồng, ngô Bãi Giữa, hồng xiêm Xuân Đỉnh, đào quất Nhật Tân, hoa Ngọc Hà, rau thơm làng Láng, dâu tằm dọc sông Đáy, sông Nhuệ v.v... Nếu biết khai thác, phát triển từ trồng trọt sang chế biến, buôn bán phục vụ du lịch thì mỗi vùng sẽ là một đầu mối buôn bán, một bản sắc Kẻ chợ, bản sắc làng nghề mà không mấy nơi trên thế giới có được. Những báu vật của trời đất ấy thấm nhuần lịch sử, văn hóa và không dễ gì có thể dùng sức người thay thế. Ở nước ngoài, nhiều nơi chỉ có củ khoai, củ sắn, củ tỏi, củ hành mà họ cũng làm thành những nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn vô số du khách, nhưng ta chỉ coi cam là cam, bưởi là bưởi, trồng tràn lan khắp nơi, vừa chất lượng giảm, vừa mất hẳn nét văn hóa riêng, khiến nó từ đặc sản du lịch trở thành mặt hàng nông sản bình thường. Tất nhiên với nhu cầu ngày một cao, việc phát triển sản xuất ra những vùng phụ cận hoặc cải tạo cơ cấu cây trồng vật nuôi cho những vùng trồng lúa cũng là cần thiết, nhưng cần phải giữ lại điểm gốc thì mới đẩy lên thành văn hóa được và từ đó những vùng mới càng được thơm lây.

Tìm về bản sắc là điều tốt và cần thiết, nhưng phải xác định thật kỹ cái gì là thực sự quý, thực sự đẳng cấp và làm thế nào để bảo tồn và phát huy, còn cái gì còn yếu kém thì một là bỏ đi tìm hướng khác, hoặc là phải biết là còn kém mà hết lòng cầu thị để cạnh tranh với đời. Vấn đề lớn của chúng ta hiện nay là đang lẫn lộn giá trị, có những thứ rất quý giá thì coi làm thường, còn những thứ rất tầm thường thì lại tôn vinh, phô trương, như vậy chẳng những không tìm lại được bản sắc mà càng mất bản sắc nhanh hơn.

Kiến trúc sư Phó Đức Tùng tốt nghiệp tiến sĩ kiến trúc tại Đức, hiện là giảng viên khoa Lâm nghiệp đô thị trường Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai, tham gia nhiều dự án quy hoạch đô thị Việt Nam và tác giả của nhiều bài viết về kiến trúc, quy hoạch đô thị.

 
Phó Đức Tùng


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm