Bài chòi ngày tết (kỳ 3 và hết) - Dạo quanh hội đánh bài chòi các tỉnh duyên hải Trung bộ

20/02/2018 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vùng duyên hải Trung bộ là một mảnh đất trải dài từ phía nam dãy Hoảnh Sơn cho đên hết tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên vì đặc tính lịch sử mà cuối cùng hầu như bài chòi dân gian xưa chỉ đi vào đến hết mảnh đất Khánh Hòa đã dừng lại.

Cũng chính vì đặc tính trải dài qua 9 tỉnh thành mà môn nghệ thuật dân gian truyền thống này đã có nhiều biến cải ở các địa phương khác nhau so với Bình Định nơi được xem là cái nôi sinh ra nó.

Chú thích ảnh
Họi đánh bài chòi dân gian tại trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoa Khá

Ở cái nôi của bài chòi dân gian

Bài chòi và lịch sử phát triển của nó thì như hai kỳ trước đã đề cập. Nhưng không phải lúc nào nó cũng thịnh vượng như nhiều người hằng nghĩ mà đã có một giai đoạn khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến trước năm 2010 hội đánh bài chòi tết đã biến mất ở rất nhiều vùng quê khắp khu vực Trung bộ.

Ngay tại quê hương của nó như Bình Định, lúc bấy giờ, vào dịp tết, muốn xem hội đánh bài chòi người say mê nó chỉ có thể tìm đến phiên chợ Gò tại thị trấn Tuy Phước mới được mãn nhãn.

Chú thích ảnh
Các hiệu trong một liên hoan bài chòi tại Bình Định. Ảnh: Hoa Khá

Kể từ năm 2010 trở đi, khi các huyện, thành phố ở Bình Định cử các nghệ nhân đi tập huấn làm hiệu do sở Văn hóa – thể thao tỉnh tổ chức thì kể từ dịp tết Nguyên Đán 2011, tại các vùng quê ven biển Bình Định, hoạt động đánh bài chòi mới được  tổ chức rầm rộ trở lại trong dân gian.

Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá

Tại Bình Định, có thể nói đến những nơi có tổ chức hội đánh bài chòi tết một cách linh đình như thành phố Quy Nhơn với tất cả các phường đều có đoàn bài chòi phục vụ hội bài chòi tết riêng, tương tự như vậy huyện Hoài Nhơn ở cực bắc Bình Định cũng có các đoàn bài chòi riêng của mỗi xã, thị trấn. Huyện Tuy Phước tuy xuất hiện đoàn bài chòi không nhiều nhưng lại là huyện có truyền thống sản sinh ra nhiều hiệu hô bài chòi đặc biệt. Bên cạnh đó có thể kể thêm hội bài chòi xuân được tổ chức ở Phù Mỹ, Phù Cát.

Chú thích ảnh
Hội thảo quốc tế (tổ chức tại Quy Nhơn) về nghệ thuật bài chòi. Ảnh: Hoa Khá

Ngày nay, về Bình Định dịp tết, sẽ không quá khó nếu bạn muốn đến một hội bài chòi xuân và thưởng thức nó. Tuy nhiên để người dân hôm được tham gia vào trò chơi dân gian đặc sắc ấy, rất nhiều người tâm huyết với bài chòi đã làm nhiều cách khác nhau nhằm phục dựng và duy trì hoạt động của nó trong suốt gần 8 năm qua.

Chú thích ảnh
Ảnh: Hoa Khá

Vài khác biệt giữa cách chơi bài chòi từ bắc đến nam Trung bộ

Bài chòi Trung bộ vốn không có quá nhiều khác biệt trong tên gọi quân bài giữa các vùng nhưng nó có sự khác biệt khá rõ giữa các điệu hô bài chòi tùy mỗi địa phương và thêm vào đó có một khác biệt rất dễ nhận thấy đó là cách bố trí chòi (tạm gọi).

Đầu tiên nói về cách bố trí chòi thì ở Bình Định dựng đủ 9 chòi (như kỳ 1) đã đề cập trong khi đi đó ở các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì thường thấy hội bài chòi với 11 chòi hơn. Còn tại Hội An – Quảng Nam, nơi có sân bài chòi phục vụ khách du lịch hằng tuần thì đầu tiên nơi đây người ta bố trí một chiếc ghế thay cho một chòi đến gần đây mới dựng chòi như cách chơi bài chòi cổ điển. Sát phía nam Bình Định, tỉnh Phú Yên lại dễ bắt gặp cảnh người ta dựng sạp chơi bài chòi hơn là dựng chòi. Tuy nhiên tỉnh Khánh Hòa – tỉnh cực nam cuối cùng của bài chòi truyền thống lại có cách dựng chòi chơi giống như quê hương gốc của môn này.

Chú thích ảnh
Một cách bố trí sân chơi bài chòi hiện nay. Ảnh: Hoa Khá

Cách hô bài chòi cũng có nhiều biến cải ở các địa phương. Vùng Trung bộ vốn giàu về các điệu hò, vè, lí, hát ru, hát kết. Qua thời gian các điệu dân ca này được vận dụng khá nhiều vào hô câu thai bài chòi. Tuy nhiên có thể thấy hò kéo lưới ở Quảng Nam khác với hò giã gạo Bình Định, lí vãi chài vùng Quảng Trị khác với lí cây khế vùng xứ Nẫu nên nếu đi từ bắc chí nam người thưởng lãm sẽ được nghe rất nhiều  các làn điệu vận vào hô câu thai bài chòi một cách phong phú.

Ấy là chưa nói đến những biến cải của cách chơi bài chòi ở các vùng cũng có khác. Ví như thay vì mỗi ván chơi chỉ có một chòi chiến thắng và được dâng một cờ thì ở Quảng Nam mỗi lần dâng như vậy có thể có nhiều hon ba cờ được dâng lên. Và hầu như chỉ có trình thức bài chòi ở Bình Định là có bàn hội đồng.

Tam sao thất bản là đặc tính của nghệ thuật dân gian. Bài chòi cũng không ngoại lệ. Nhưng tam sao thất bản của bài chòi Trung bộ nếu nhìn nhận ở khía cạnh phong phú và đa dạng thì chính điều này làm cho nó trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Chú thích ảnh
Nghi thức lĩnh khay từ bàn hội đồng. Ảnh: Hoa Khá
Chú thích ảnh
Quang cảnh một sân hội bài chòi thường thấy ở Bình Định. Ảnh: Sơn Phạm
Chú thích ảnh
Ảnh: Sơn Phạm

 

Hội đánh bài chòi - Nhìn từ một phiên chợ đặc biệt

Hội đánh bài chòi - Nhìn từ một phiên chợ đặc biệt

Chiều 7/12, tại kỳ họp diễn ra ở Hàn Quốc, Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Văn Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm