Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 12): Nghèo & sang

25/10/2021 19:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trên tường của căn phòng làm việc ở nhà, tôi có một bức tranh nhỏ vẽ cô gái ôm một bó hoa (xem hình 1)… Nó được đóng khung tựa như một bức tranh nhỏ thường thấy ở thế hệ các họa sĩ tài hoa nhưng đói nghèo, thiếu giấy, thiếu toile, thiếu cả màu vẽ… Nên ngày nay trong sưu tập của các danh họa ấy thường gặp những tác phẩm vẽ trên giấy báo, giấy vỏ bao xi măng hay tờ lịch, thậm chí vỏ bao thuốc lá…

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 11): Cách nay 86 năm, có người Việt chế tạo được máy bay

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 11): Cách nay 86 năm, có người Việt chế tạo được máy bay

Ngày 3/12/1935, chiếc máy bay mang tên “Con Rận Trời 132” (Le Pou du Ciel 132) do thợ máy Hồ Đắc Cung chế tạo đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công tại một địa điểm cách Sài Gòn 80km.

Chú thích ảnh

Nhưng chỉ cần lật mặt sau của bức họa này lại chính là tấm “Thiếp báo hỷ” đám cưới trưởng nam Bùi Thanh Phương của Bùi Xuân Phái trong đó in hàng chữ “ Hôn lễ sẽ cử hành vào ngày 4/10/1987” (xem hình 2). Chữ đỏ chân phương in trên tấm giấy cứng đã ngả vàng… Trên thiếp cũng ghi rõ nhà trai là “Ông bà Bùi Xuân Phái 87 Thuốc Bắc, Hà Nội”.

Chú thích ảnh

Không rõ vị họa sĩ tài danh này đã dành bao nhiêu tấm thiếp để tự tay vẽ gửi tới người thân báo hỷ cho con trai… chắc chắn không phải là tất cả và không thể nhiều. So với bây giờ thì chất lượng các tấm thiếp cưới với kỹ nghệ in ấn đã đạt tới độ tinh xảo cầu kỳ và đắt đỏ nữa… nhưng chắc chắn độ sang trọng thì không thể sánh với tấm thiếp năm xưa danh họa họ Bùi dành cho ngày vui của con trai… Cho dù ai cũng biết rằng các danh họa thời đó thường sống trong cảnh nghèo khó…

Năm 2013, anh Đào Hùng, Phó TBT tờXưa&Nay dẫn một vị khách nước ngoài đến gặpvà giới thiệu với tôi. Đólà John Ramsden, cựu phó đại sứ Vương quốc Anh ở Việt Nam vào đầu thập kỷ 1980. Trong thời gian ấy ông chụp được rất nhiều ảnh ở Hà Nội, nay đã về hưu, trong những lúc rỗi rãi đã lục lại thấy có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhưng cũng nhiều điều không hiểu ngay chính những gì mình đã chụp. Năm 2010, ở bên Anh, nhờ mấy cháu sinh viên gốc Hà Nội “đọc” hộ để viết thuyết minh cho những tấm ảnh của mình, ông cựu đại sứ đã tổ chức được một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á tại Bath (Đông Nam nước Anh) nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, rất có tiếng vang mặc dàu thuyết minh còn sơ sài vì các cháu trẻ quá không hiểu nổi những gì có trong ảnh.

Nay,nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Anh-Việt, vị cựu phó đại sứ muốn đưabộ ảnh ấy sang trưng bày ngay tại Hà Nội nên cần tìm người am hiểu “đọc lại” ảnh. Đào Hùng là người hiểu rộng nhưng anh ấy vẫn muốn nhường cho tôi vì là người “gốc phố cổ” và nói khéo rằng hồi đó anh còn làm việc ở…Thái Nguyên. Tôi đã xem và “đọc” những tấm ảnh ấy một cách say sưa và cảm động như được lục đã lại ký ức của chính mình. Tôi đã làm cho người bạn Anh thỏa mãn với các thuyết minh kèm theo ảnh và nó được trưng bày kèm theo một vựng tập mỏng nhưng in rất đẹp lấytên gọi của cuộc triển lãm là John Ramsden &Hà nội, mảnh đất hóa tâm hồn (tiếng Anh được dịch là “Spirit of Place”).

Sau cuộc triển lãm, tác giả cùng với Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội biên tập để inmột album sách ảnh dày dặn và đầy đủ. Ngoài lời tác giả và phần thuyết minh của tôi còn có bài viết của nhà lưu trữ học Vũ Thị Minh Hương và nhà báo Phạm Tường Vân với vai trò chủ biên của Andrew Hardy, trưởng đại diện của EFEO tại Hà Nội. Sách in tại Hà Nội (2016) với tên gọi do tôi gợi ý là Hà Nội một thời(xem ảnh 3); tiếp đó ở London bằng tiếng Anh (2017); rồi tại Paris bằng tiếng Pháp (2020) cùng một tên gọi Hà Nội sau Chiến tranh (Hanoi After The War, Hanoi Après La Guerre).

Chú thích ảnh

Trong các tấm ảnh được trưng bày triển lãm và in trong các tập album được xuất bảnphản ảnh rất nhiều gương mặt của người dân Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp trong nhiều khung cảnh của Hà Nội những năm 1980-1982 (thời gian tác giả làm việc ở Việt Nam). Duy chỉ có một người độc nhất ông chụp chân dung. Đó là danh họa Bùi Xuân Phái (xem ảnh 4) và căn buồng họa sĩ sống và vẽ.

Chú thích ảnh

Khi giới thiệu để tôi viết thuyết minh cho tấm ảnh này, nhà ngoại giao người Anh kể rằng: Vào thời điểm ấy, Việt Nam không chỉ đang khó khăn trầm trọng về kinh tế mà quanhệ quốc tế cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cấm vận của Mỹ, sự thù địch của Trung Quốc, sự căng thẳng của “vấn đề Campuchia”… Việc tiếp xúc của các nhà ngoại giao phương Tây với người dân không đơn giản và dễ gây phiền lụy cho nhau, nhất là với giới trí thức, nghệ sĩ vốn nhạy cảm như ông Phái.

Không biết cái gì xui khiến mà nhà ngoại giao của Vương quốc Anh gặp được nhân vật này, lại còn chụp chân dung và cả gia cảnh mà chưa hiểu nhiều về con người mình đã thu hình vào ống kính. Sau này, ông mới hiểu hơn, đó là một danh họa đương đại Việt Nam… Và cũng đến thời điểm năm 2013, tức là 30 năm sau khi chụp ảnh, lần đầu tiên chân dung của Bùi Xuân Phái và căn buồng ông ở mới được trưng ra cho công chúng Việt Nam chiêm ngưỡng. Rất tiếc là đến nay nhiều người đã sử dụng tấm chân dung này mà không hề ghi chú tên tác giả là J.Ramsden.

Bên cạnh 2 bức ảnh ấy, tôi được yêu cầu viết lời thuyết minh. Với tấm chân dung, tôi viết: “Tác giả là người nước ngoài mà có con mắt thật tinh khi bức chân dung nhân vật duy nhất ông chụp lại là một “công dân tiêu biểu”nhất trong lòng người Hà Nội: Họa sĩ Bùi Xuân Phái mà công chúng ái mộ gọi là “Phái-Phố” cũng như những phố cổ chuẩn nhất thì được gọi là “Phố- Phái”.

Còn bức ảnh chụp căn buồng cũng là “xưởng vẽ” của ông thời điểm này ở Phố Hàng Vải (xem ảnh 5), được tôi thuyết minh: “Nơi ở của danh họa trên Phố Hàng Vải với những bức tranh vẽ “phố” rất đặc trưng của Hà Nội thời 1980, khi phải cơi nới bằng cách chia đôi theo chiều cao để tăng thêm diện tích, đổi lại dáng người phải lom khom đôi chút. Những sợi dây thép chăng ngang để mắc những tấm rèm và phơi quần áo làm tăng thêm công năng cho căn buồng. Và mấy chiếc quần của trẻ nhỏ báo hiệu nơi đây trú ngụ “tam đại đồng đường”…

Chú thích ảnh

Ngoài lề, tôi có nói thêm với tác giả người Anh rằng “ở xứ tôi, 3 thế hệ ở chung là chật chội, khổ sở về không gian nhưng lại là hạnh phúc của sự sum vầy”…

Năm 1986, công cuộc Đổi mới bắt đầu bằng nghị quyết, phải đến năm 1989, tình hình nước ta mới từng bước được cải thiện. Do vậy năm 1987 ghi trên tấm “Thiếp báo hỷ” vẫn là năm đầy gian khó…Nhưng với Bùi Xuân Phái, trong cái nghèo khó luôn toát lên sự sang trọng của một đấng tinh hoa….

Lễ trao giải và triển lãm Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 14 - 2021 sẽ diễn ra từ 14h ngày thứ Năm, 28/10/2021 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là đơn vị đồng hành cùng Giải thưởng.

(Còn tiếp)

QXN

* (Viết trong những ngày chấm Giải Bùi Xuân Phái - vì Tình yêu Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm