450 năm ngày Michelangelo qua đời: 'Người siêu phàm' của thời Phục hưng

20/02/2014 07:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Sinh thời, danh họa Phục hưng Michelangelo Buonarotti (1475-1564) được gọi là “người siêu phàm” do khả năng sáng tạo phi thường trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng là nghệ sĩ được ghi chép đầy đủ nhất về cuộc đời trong thế kỷ 16.

Michelangelo làm việc một cách phi phàm. Ông là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và nhà thơ. Ông đã thiết kế mái vòm Vương cung thánh đường Thánh Peter và vẽ bức bích họa trong nhà nguyện Sistine ở Roma. Bức tranh Cuộc sáng tạo Adam (The Creation Of Adam) hiện vẫn là một kiệt tác trong lịch sử nghệ thuật.

Tài năng thiên bẩm

Chân dung Michelangelo được họa sĩ Jacopino del Conte vẽ năm 1534, lúc đó danh họa 60 tuổi.

Chân dung Michelangelo được họa sĩ Jacopino del Conte vẽ năm 1534, lúc đó danh họa 60 tuổi.

Michelangelo sinh ngày 6/3/1475 tại ngôi làng nhỏ Caprese. Michelangelo lớn lên dưới sự chăm sóc của một người thợ đá, bởi mẹ đẻ qua đời khi ông mới lên 7 tuổi. Trái với sự tưởng tượng của nhiều người sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Michelangelo, ông không phải một anh chàng đẹp trai.  Khi còn trẻ, ông từng bị một họa sĩ đồng nghiệp đánh vào mặt, khiến gương mặt mang sẹo từ đó.

Năm 1489, Michelangelo bắt đầu tham gia hội Nhân văn do Lorenzo de Medici sáng lập ở Florence. Tại đây, Michelangelo đã gặp gỡ nhiều nhà thơ, học giả và nghệ sĩ. Kết quả là quan điểm và nghệ thuật của Michelangelo chịu ảnh hưởng từ các nhà triết học và tác gia nổi tiếng nhất thời ấy gồm Marsilio Ficino, Pico della Mirandola và Angelo Poliziano.

Ngay từ thời kỳ đầu sự nghiệp, Michelangelo đã thể hiện tình yêu và tài năng dành cho điêu khắc. “Các bức tượng của Michelangelo trông đẹp hơn hẳn nhiều bức tượng cổ” - Giorgio Vasari, nhà viết tiểu sử về Michelangelo nhận định.

Hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của Michelangelo là Đức mẹ sầu bi (Pieta)Vua David được thực hiện trước khi ông sang tuổi 30. Ông tạo tác các nhân vật này từ những khối đá cẩm thạch lớn. Dù còn rất trẻ, mới chỉ trong độ tuổi 20, Michelangelo đã nổi tiếng với khả năng điêu khắc hơn người. Ông có thể tạo nên những nếp nhăn mềm mại hay các ngón tay tuyệt đẹp từ những khối đá rắn chắc, qua đó mang hơi thở cuộc sống vào nhiều tác phẩm điêu khắc theo cách không giống ai.

Tác phẩm biểu tượng của hy vọng

Khi trở lại Florence vào năm 1499-1501, Michelangelo được các tổng tài Phường hội Len yêu cầu hoàn thành một dự án còn dang dở đã được Agostino di Duccio bắt đầu từ 40 năm trước đó: bức tượng Vua David khổng lồ, biểu tượng của tự do ở kinh đô văn hóa nước cộng hòa Florence.

Michelangelo bắt tay vào làm việc từ năm 1501 tới 1504 thì hoàn thành. Tư thế của David do Michelangelo tạo ra không hề giống các tác phẩm mô tả David ra đời trong thời Phục hưng. Ví dụ các bức tượng đồng David do Donatello và Verrocchio tạo ra đều cho thấy anh hùng này đứng với tư thế chiến thắng trên đầu người khổng lồ Goliath. Hay như họa sĩ Andrea del Castagno lại vẽ David đang vung gươm, dù đầu Goliath đã nằm giữa hai chân người anh hùng.

Về phía mình, Michelangelo dường như mô tả David lúc chuẩn bị chiến đấu với Goliath. Đôi lông mày chau lại, phần cổ căng lên và các mạch máu dồn lên ở tay phải khiến David trông căng thẳng, nhưng đã sẵn sàng cho chiến trận.

Tháng 9/1504, bức tượng đá cẩm thạch nặng 9 tấn này đã được trưng bày khắp Florence và sau đó được đặt tại Piazza della Signoria. Tượng Vua David về sau trở thành một trong những tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng nổi tiếng nhất, trở thành biểu tượng của cả sức mạnh lẫn vẻ đẹp thanh xuân của con người.

Năm 1518, Giáo hoàng Leo X đã đặt hàng Michelangelo thiết kế mặt tiền của La Mã pháp đình San Lorenzo tại Florence. Michelangelo đã tìm cách kết hợp điêu khắc với kiến trúc. Nhưng vì các lý do chính trị và không thể lấy đá cẩm thạch từ vùng Florentine nữa, Michelangelo đã tức giận bỏ dở công trình này.

Thành tựu lớn nhất

Về sau Michelangelo còn tìm cách tạo nội dung Kinh thánh trên trần Nhà nguyện Sistine. Mục tiêu của ông là vẽ các họa phẩm giống như các bức tượng của mình trên trần nhà. Trong 4 năm, Michelangelo và các trợ lý đã vẽ phác thảo lên trần nhà nguyện rộng 1.000m2. Sau đó ông thêm vào màu sắc và chỉnh sửa để cho ra tác phẩm hoàn chỉnh.

Có nguồn tin nói rằng khi vẽ trần Nhà nguyện Sistine, Michelangelo đã bực bội với công việc, cho rằng nó chỉ giúp Giáo hoàng thể hiện quyền lực. Tuy nhiên về sau, phần trần Nhà nguyện Sistine, đặc biệt là bức tranh Sự phán quyết cuối cùng do Michelangelo sáng tác 25 năm sau khi vẽ xong trần nhà nguyện, được nhiều người cho là thành tựu lớn nhất của ông và nghệ thuật phương Tây nói chung.

Giáo hoàng Julius II đã hỗ trợ Michelangelo rất nhiều. Ngoài tác phẩm trong Nhà nguyện Sistine, ông còn ủy quyền cho Michelangelo xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Peter. Ông đã thiết kế mái vòm nổi tiếng, một kỳ tích của kỹ thuật xây dựng, bởi đây là công trình xây bằng gạch có khoảng cách bắc cầu tự do lớn nhất (dài 24m, ở độ cao 120 m).

Trong 19 năm trước khi qua đời, Michelangelo đã chỉ đạo xây dựng mái vòm này, tuy nhiên ông không thể hoàn thành nó (ông mất năm 1564) mà phải nhờ đến kiến trúc sư Giacomo della Porta.

Tái tạo tranh “The Creation Of Adam” bằng kẹo

Nhân 450 năm ngày mất của Michelangelo, nghệ sĩ Michelle Wibowo đã tạo ra một bản sao kiệt tác Cuộc sáng tạo Adam (The Creation Of Adam) của danh họa Phục hưng bằng 10.000 chiếc kẹo dẻo.

Tác phẩm này, được gọi là The Baking Of Adam, cao hơn 5m và Wibowo phải mất 1 tuần mới hoàn thành. “Không có dịp kỷ niệm nào lại thiếu bánh và chúng ta hy vọng Michelangelo sẽ ưng thuận với cách làm này” - nghệ sĩ Wibowo bày tỏ. 

Việt Lâm (tổng hợp)
T
hể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm