30 năm đề xuất vẫn chưa lập được Bảo tàng Mỹ thuật Huế

11/12/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau khi TT&VH đăng bài “Bao giờ “Thành phố Festival” có Bảo tàng Mỹ thuật?” nêu vấn đề cần thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng ông Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội LH VHNT, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

* Thưa ông, được biết, hiện nay trên cả nước chỉ có duy nhất Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tỉnh khác, thậm chí là thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có bảo tàng Mỹ thuật. Vậy, có nhất thiết Huế phải thành lập một Bảo tàng Mỹ thuật?

 Ông Đặng Mậu Tựu 
- Đúng như bài báo đã phản ánh, văn hóa Huế được tạo nên bởi sự đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo... Riêng mỹ thuật, các nhà lý luận trên lĩnh vực này đã thừa nhận rằng, mỹ thuật Việt Nam phát triển rất rực rỡ dưới triều Nguyễn. Ðặc biệt, họa sĩ Lê Văn Miến (1870-1912) đã trở thành người họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam. Rồi năm 1958, Trường Cao đẵng Mỹ thuật Huế ra đời đã góp phần hoàn thiện nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng… Với lịch sử Mỹ thuật đáng tự hào đó, tôi nghĩ Huế cần một Bảo tàng Mỹ thuật. Đó không chỉ là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa Huế mà còn là nơi tổ chức các cuộc triển lãm, giao lưu văn hóa.

* Để chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật, chúng ta đã có những động thái tích cực nào?

- Để thành lập một Bảo tàng Mỹ thuật, điều quan trọng nhất vẫn là số lượng tranh. Cách đây vài năm, Sở VH-TT (bây giờ là Sở VH-TT&DL) đã có một việc làm đầy ý nghĩa là hằng năm, trích một phần ngân sách để mua những tác phẩm mỹ thuật đạt giải cao để chuẩn bị cho việc hình thành một Bảo tàng Mỹ thuật tương lai. Thế nhưng, bây giờ, hành động đẹp ấy không còn.
 
* Thái độ của văn nghệ sĩ xứ Huế trước vấn đề này?

- Dĩ nhiên ai cũng ủng hộ việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật. Rất nhiều họa sĩ nổi tiếng xứ Huế hoặc một thời gắn bó với Huế đồng ý tặng tranh nếu Huế thành lập Bảo tàng Mỹ thuật. Một điều đáng ghi nhận là khi biết Sở VH-TT mua tranh chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật, các họa sĩ đều bán tranh với giá tượng trưng bởi ai cũng muốn đóng góp một phần rất nhỏ của mình vì sự ra đời của Bảo tàng Mỹ thuật.

* Theo ông, lý do nào khiến Bảo tàng Mỹ thuật Huế ra đời chậm trễ?

- Tôi nghĩ, thành lập cho Huế một Bảo tàng Mỹ thuật không phải là chuyện khó. Huế không thiếu địa điểm đẹp, càng không thiếu những họa sĩ tài hoa. Chúng tôi đã đề xuất việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật hơn 30 năm. Thế nhưng, đến nay, vẫn chưa thấy một câu trả lời chính thức nào.
 
* Huế đã có một Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, một trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Bây giờ, UBND tỉnh TT.Huế đang xúc tiến xây dựng một không gian Lê Bá Đảng tại khu vực Bàu Hồ, gần đồi Vọng cảnh ở xã Thuỷ Biều, thành phố Huế. Như thế, theo ông, liệu có sự bất công trong cách đối ngoại và đối nội?

- Tên tuổi của Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng xứng đáng để thành lập một Trung tâm nghệ thuật. Chúng tôi cũng trân trọng sự trở về làm đẹp quê hương của họ. Thế nhưng, có lúc, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Tại sao việc thành lập một Bảo tàng Mỹ thuật cho tất cả các họa sĩ đã góp phần tạo nên diện mạo của nền mỹ thuật tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung thì lại bị lãng quên.

* Xung quanh vấn đề thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, ông có đề xuất gì?

- Điều tôi mong muốn nhất là Bảo tàng Mỹ thuật Huế sớm ra đời. Và cũng mong rằng, UBND tỉnh TT.Huế sẽ dành cho Bảo tàng Mỹ thuật một địa điểm thích hợp, xứng đáng với tầm vóc của nó. Có nghĩa là đẹp, nằm ở khu trung tâm, được gắn với nhiều địa điểm văn hóa tạo điều kiện cho khách tham quan.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
 
Ý kiến
 
Nhà thơ Võ Quê, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật:
 
UBND tỉnh TT.Huế đã rất chú trọng đến mỹ thuật. Bằng chứng là sự ra đời của Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng. Thế nhưng, họ chỉ chú ý đến đối ngoại mà quên mất phần đối nội. Hiện nay, đã có đề án qui hoạch văn hóa ở khu qui hoạch phía Bắc Ngự Bình, bao gồm cả việc xây dựng nhà trưng bày và vườn tượng. Theo tôi, qui hoạch như vậy là chưa thỏa đáng. Huế đâu thiếu vị trí đẹp. Cả một dải dài ở phía Nam sông Hương đã có nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Phật giáo Liễu Quán…, vậy tại sao không xây dựng một Bảo tàng Mỹ thuật ngay ở trung tâm thành phố, nơi mà du khách, những người yêu nghệ thuật có thể dễ dàng thưởng thức. Mỹ thuật phải gần gũi với công chúng mới thật sự mang ý nghĩa

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu Văn hóa Huế, nguyên Giám đốc Sở VH-TT
Tôi nghĩ, Huế là nơi hội đủ điều kiện để thành lập một Bảo tàng Mỹ thuật. Trước mắt, phải sưu tập thật nhiều tranh quí. Sau đó là tìm một địa điểm phù hợp để thành lập Bảo tàng. Tất cả sẽ không quá khó nếu chúng ta thật sự quyết tâm. Huế có một lịch sử mỹ thuật rất đáng tự hào và chúng ta có quyền tự hào về lịch sử đó. Bảo tàng Mỹ thuật ra đời sẽ là nơi người Huế bày tỏ niềm tự hào, cũng là nơi giao lưu văn hóa đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, mang đậm bản sắc địa phương.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Chúng tôi vẫn chưa lên kế hoạch gì cho Bảo tàng Mỹ thuật. Đó là chuyện còn rất lâu dài”

Lý Hạnh (thực hiện)


 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm