3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 2): 'Bên bờ Krông Pa' - Cơn bão táp đồng khởi của buôn làng

02/10/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận trình diễn mùa thu 1965, Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam tiếp tục tập luyện và trình diễn nhạc kịch Bên bờ Krông Pa của Nhật Lai vào mùa Xuân 1968.

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 1): Sức sống của 'Cô Sao' - vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 1): Sức sống của 'Cô Sao' - vở nhạc kịch Việt Nam đầu tiên

(LTS) Loại hình nhạc kịch (opera) là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm âm nhạc, múa, nghệ thuật biểu diễn, phục trang, thiết kế sân khấu, ánh sáng… Cùng với giao hưởng, nó được xem là tác phẩm đỉnh cao của các nhà soạn nhạc và là thước đo cho sự phát triển âm nhạc kinh viện của một quốc gia.

1. Nếu Đỗ Nhuận học viết nhạc kịch ở nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) trở về và viết được nhạc kịch Cô Sao đã khiến ta bất ngờ, thì việc Nhật Lai không hề đi tu nghiệp ở nước ngoài mà lại viết được nhạc kịch Bên bờ Krông Pa càng làm ta ngạc nhiên hơn.

Nhật Lai cùng trang lứa 3X như Hoàng Vân, Chu Minh. Ông người ở Tuy An, Phú Yên, tên khai sinh là Nguyễn Tuân, anh ruột của nhà thơ Nguyễn Mỹ nổi tiếng với bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Do trùng tên với nhà văn Nguyễn Tuân, lại có dáng dấp nhỏ thó lai Nhật, nên trong kháng chiến chống Pháp ở Khu 5, anh em gọi ông là Nhật Lai. Từ đó, Nhật Lai là bút danh của ông.

Khi Đỗ Nhuận dấn thân khai thác dân ca Tây Bắc, cũng là khi Nhật Lai dấn thân khai phá dân ca Tây Nguyên. Sau hiệp định Genev, ông tập kết ra Hà Nội và công tác tại Đoàn ca múa Tây Nguyên.

Để đi tới nhạc kịch Bên bờ Krông Pa, Nhật Lai đã viết ca kịch Ama Trang Lơng (1960), Bất khuất (1963 -1966). Bên bờ Krông Pa là câu chuyện xoay quanh mối tình giữa nàng Hơ Lim (người Gia Rai) và chàng Y San (người Ba Na) cùng nặng thù nhà, nợ nước. Mẹ của Hơ Lim và cha của Y San đều do bàn tay thâm độc của Ơ Teo (một tên Mỹ đội lốt thày tu và tự lấy tên theo tiếng Tây Nguyên) giết hại với âm mưu gieo mối hận thù dân tộc để chia rẽ người Ba Na với người Gia Rai. Nhưng nhờ tuyên truyền của cách mạng, các dân tộc Tây Nguyên với lòng căm thù xâm lược cùng tinh thần cảnh giác cao đã đoàn kết chặt chẽ các dân tộc, vùng lên nổi dậy tự giải phóng mình, giành quyền sống tự do hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nhật Lai, tác giả của nhạc kịch “Bên bờ Krông Pa”

2. Các diễn viên như Quý Dương trong vai Y San, Ngọc Dậu trong vai Hơ Lim, Quốc Trụ trong vai cụ già hát rong Ma Tông, Huy Dơn trong vai già làng Ma Lim đã có nhiều cố gắng tìm tòi, thể hiện.

Kíp hai cho các vai trên là các nghệ sĩ Đức Lộc, Kim Định, Hoàng Ban, Duy Thông. Các vai phụ gồm có: Mi Lim (Hồng Ngọc, Bích Loan), cán bộ Phong (Mạnh Tiến, Quốc Thái), Ơi Teo (Văn Hải, Hoàng Bắc), Ơi Pai (Bang Phác, Nguyễn Hà), người rao hàng (Đức Ngân, Doãn Sự, Thanh Nhuận), tay sai đóng giả dân làng (Gia Hội, Đức Ngân), binh lính giác ngộ (Hoài Thái, Quang Cường) và các diễn viên hợp xướng, múa trong các vai dân làng, bộ đội giải phóng, lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Đạo diễn: Văn Hà, dựng nhạc và chỉ huy: Trần Quý, Đỗ Dũng. Biên đạo múa: Nguyễn Việt. Thiết kế mỹ thuật và phục trang: Bùi Huy Hiếu, An Định.

Đây là một đóng góp chân thành của 200 nghệ sĩ cho quân dân miền Nam anh hùng. Nhà hát mong thể hiện một phần tình cảm mang đậm màu sắc, tâm hồn Tây Nguyên trong lòng đồng bào miền Bắc.

Các diễn viên cố gắng trong vai diễn đầy xúc động của mình gửi tới đồng bào Tây Nguyên lòng khâm phục vô hạn. Tây Nguyên luôn giữ một truyền thống bất khuất từ chống Pháp đến chống Mỹ.

Với vốn sống ở Tây Nguyên, Nhật Lai đã tự viết kịch bản văn học và vận dụng chất liệu âm nhạc Tây Nguyên để xây dựng nên những chủ đề âm nhạc phù hợp với từng vai diễn. Đấy là chất Ê Đê trong giai điệu của già làng Ma Lim, chất Gia Rai trong giai điệu nàng Hơ Lim, chất Ba Na trong giai điệu chàng Y San và đặc biệt là già hát rong Ma Tông.

Nhạc kịch Bên bờ Krông Pa công diễn xong. Hai ngày sau, tiếng súng Tổng tấn công Mậu Thân đã vang dội toàn miền Nam.

Hình thức “Tây”, nội dung “ta”

Bên bờ Krông Pa là một nhạc kịch khá đồ sộ, về cơ bản được cấu trúc theo nhạc kịch (opera) châu Âu như: Khúc mở màn (ouvertute) và 3 màn (gồm 30 tiết mục). Nội dung gồm những tiết mục hát: hợp xướng, aria, ca khúc, hát nói…; các màn múa và dàn nhạc giao hưởng. Các chủ đề âm nhạc đa số mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên, một số aria có kỹ thuật thanh nhạc khá phức tạp như aria số 14 (nhân vật Hơ Lim), aria số 11 (nhân vật Y San)… Đặc biệt bản ballad dành cho già làng Ma Tông với âm điệu trầm hùng mang phong cách của lối kể “khan” cổ xưa của dân gian Tây Nguyên.

Phần vũ điệu cũng mang màu sắc múa dân gian Tây Nguyên. Nhiều đoạn nhạc trong nhạc kịch này có tiết tấu mô phỏng tiết tấu của cồng chiêng.

Với Bên bờ Krông Pa, Nhật Lai đã khá thành công khi sử dụng nhiều chất liệu của nghệ thuật truyền thống Tây Nguyên để diễn đạt một nội dung mang tính sử thi, với cấu trúc theo hình mẫu nhạc kịch của châu Âu.

BM

Nhật Lai tên thật là Nguyễn Tuân, sinh năm 1931 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An (Phú Yên). Ông mất năm 1987 tại Hà Nội, đến năm 2002 thì được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông đã để lại cho đời 18 vở nhạc kịch - ca kịch, 6 tác phẩm khí nhạc, 2 nhạc phim và trên 40 ca khúc…

(Còn nữa)

Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm