Khi nỗi bất an ập đến mỗi sáng thức dậy là lúc bạn cần bắt đầu ngày mới theo cách thật khác

14/10/2022 19:00 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống

Nỗi lo lắng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, và khi nó xảy ra thì đó là một cảm giác khá tồi tệ. Đặc biệt, nếu sáng thức dậy bỗng thấy bất an và bồn chồn, đã đến lúc bạn cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình.

Tâm lý học: Bạn có phải là người suy nghĩ quá mức hay không?

Tâm lý học: Bạn có phải là người suy nghĩ quá mức hay không?

Suy nghĩ kỹ là điều tốt, nhưng khi nghĩ quá lên hay phóng đại tiểu tiết, nghĩ nhiều về những thứ chưa xảy ra thì điều này lại không còn tốt nữa.

Khi bắt đầu một ngày mới, bạn rất dễ để tâm trí của mình dẫn dắt về những điều phía trước. Một ngày dài đang chờ đợi bạn và bạn có rất nhiều thứ cần phải làm. Bỗng nhiên, một cảm giác lo âu, bất an kéo đến và đầu óc bạn tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực, không đáng có.

Tiến sĩ Elena Touroni, nhà tư vấn tâm lý và đồng sáng lập Phòng khám tâm lý Chelsea ở London, cho biết điều này có thể khiến chúng ta “chìm đắm trong lo âu” và khiến sức khỏe tinh thần sa sút nếu trạng thái này kéo dài trong một thời gian.

Mặc dù vậy, trạng thái lo lắng này lại khá phổ biến vào buổi sáng với rất nhiều người. Tiến sĩ Touroni cho biết thêm: “Đối với hầu hết mọi người, nồng độ hormone cortisol tăng cao nhất trong vài giờ đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng. Hormone này giúp chúng ta tỉnh táo và tập trung sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên, khi chúng ta đi ngủ đêm hôm trước với cảm giác mệt mỏi và lo âu, điều này có thể khiến nồng độ cortisol tăng đột ngột vào lúc sáng sớm và khiến bạn thức dậy với tâm trí chạy đua.”

Đó không phải là tất cả.

Tiến sĩ Touroni cho biết thêm: “Vào buổi sáng, tâm trí sẽ dễ dàng suy ngẫm về một ngày dài đang chờ và những gì bạn cần đạt được trong ngày hôm đó. Lượng đường trong máu lúc sáng sớm cũng thấp hơn các khoảng thời gian khác trong ngày. Và vì thế mà chúng ta dễ trở nên lo âu và căng thẳng vào lúc sáng sớm.”

Morning Anxiety - Thức dậy với sự lo âu

Morning Anxiety hay “Sự lo âu buổi sáng” đúng như tên gọi: sự lo lắng xuất hiện vào mỗi sáng sau khi thức dậy. Đối với một số người, điều này có nghĩa sự lo lắng - về những gì đã xảy ra vào ngày hôm trước và những gì có thể xảy ra hôm nay. Đối với những người khác, nó có thể cực đoan hơn nhiều.

Amber, 28 tuổi là một Giám đốc Marketing đang làm việc tại Mỹ chia sẻ rằng sự lo âu của cô thể hiện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Cô thường xuyên bị tăng nhịp tim, run và thở nhanh. Cô phải vật lộn với những đêm mất ngủ và những buổi sáng mệt mỏi khi phải tự thúc mình rời khỏi giường. Sự lo âu xâm chiếm toàn bộ tâm trí cô vào buổi sáng và bộ não luôn đặt ra những câu hỏi như “điều gì xảy ra nếu như…” trước khi cô có thể rời khỏi nhà để đi làm.

Chú thích ảnh

Một buổi sáng tràn ngập lo âu đã phá hỏng ngày làm việc của Amber. Cô đã phải dành toàn bộ thời gian còn lại trong ngày để cố gắng bình tĩnh hoàn thành danh sách những việc cần làm trong ngày. Sự lo âu thậm chí còn tồi tệ hơn vào buổi sáng nếu cô làm việc quá sức vào đêm hôm trước, hay quá bận rộn hoặc uống quá nhiều rượu hay cafe.

Tất cả chúng ta đều có những ngày thức dậy với tâm trạng tốt nhưng cũng có những ngày thật tệ. Và để xoa dịu đi cảm giác lo âu ập đến vào buổi sáng, các chuyên gia tư vấn tâm lý cũng đưa ra rất nhiều lời khuyên.

Để đánh tan sự lo âu vào buổi sáng, trước tiên bạn cần phải phá bỏ những thói quen tinh thần thiếu lành mạnh, và sau đó học cách tập trung vào cuộc sống hiện tại.

8 cách để bạn xoa dịu nỗi bất an đến mỗi sáng

1. Thiết lập thói quen trước khi đi ngủ

Hãy thiết lập cho mình một thói quen trước khi đi ngủ như không dùng các thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi vào giấc, thiền hoặc tập yoga 15 - 30 phút. Một giấc ngủ sâu và đủ có thể giúp bạn thức dậy với tâm trạng khoan khoái.

2. Bắt đầu một thói quen thú vị vào buổi sáng

Điều đó có nghĩa là bạn không cố ngủ cho đến khi chuông báo thức lần thứ 3 hoặc thứ 4 ép bạn dậy. Hãy thức dậy ngay tiếng chuông báo thức đầu tiên, sau đó làm vài động tác giãn cơ, tắm, ăn sáng, nấu ăn hoặc bắt đầu một ngày thật bình tĩnh, thư giãn.

3. Ngồi thiền

Thiền chính là một phương pháp phổ biến giúp cho tâm trí bạn có thể tập trung và giảm bớt nguy cơ rối loạn tinh thần. Một bài tập thở vào buổi sáng có thể giúp tâm trí của bạn tập trung vào hiện tại thay vì miên man nghĩ ngợi về quá khứ hay tương lai.

Chú thích ảnh

4. Sử dụng các câu khẳng định tích cực

Những lời khẳng định tích cực là một cách cực kì đơn giản để rèn luyện bản thân trở nên tích cực và sống trong hiện tại nhiều hơn. Các nhà trị liệu cho rằng, theo thời gian, chúng sẽ có hiệu quả.

5. Viết ra bất cứ điều gì trong tâm trí bạn

Hãy viết bất cứ điều gì hiện ra trong tâm trí của bạn. Nó không nhất thiết phải là một câu văn đầy đủ hoặc mang bất cứ ý nghĩa nào. Chỉ cần viết ra những gì bạn đang nghĩ và bạn sẽ thấy mình có thể loại bỏ được những điều tiêu cực.

6. Nằm duỗi người hoặc thư giãn

Dành một chút thời gian vào đầu ngày để thư giãn sẽ giúp bạn duy trì được tinh thần thoải mái và sẵn sàng đối mặt với ngày mới bằng tâm trạng bình tĩnh.

7. Ra ngoài hít thở khí trời

Hãy đi bộ, chạy hoặc tập thể dục ở một không gian thoáng đãng, xanh mát. Tập thể dục không chỉ mang đến cho bạn sức khỏe thể chất mà còn cả một tinh thần thoải mái, bình tĩnh.

Sa Mộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm