Văn hóa tuần này: giao hưởng diễn 'Tiến quân ca'; nhạc dân tộc diễn Beethoven

30/09/2019 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, Xem nghe thấy đọc có 2 sự kiện đáng chú ý là Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019 và Đêm nhạc Việt - Đức. Cả 2 sự kiện này đều diễn ra tại Hà Nội.

Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất

Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất

Theo kết quả cuộc thăm dò, do Classic FM Hall (Anh) tổ chức với sự tham gia của 170.000 người, Beethoven đã nổi tiếng hơn cả bậc tiền bối Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất.

1. Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2019 sẽ diễn ra lúc 19h ngày 5/10 tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hà Nội). Đây là lần thứ 3, hòa nhạc thường niên do UBND TP Hà Nội phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức. Đêm diễn do Dàn nhạc giao hưởng London (Anh quốc) biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Anh - Sir Simon Rattle.

Dàn nhạc sẽ trình diễn 7 tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới: Lễ hội La Mã (op.9) của Louis Hector Berlioz; Chương IV - Adagietto - Giao hưởng số 5 của Gustav Mahler; Vũ khúc Slavonic của Antonin Dvorak; Chương III và IV - Giao hưởng số 2 của Johnnes Brahams; Gymnopedie số 1 của Eric Alfred Leslie Satie; Bản Dẫn lối tới dàn nhạc dành cho người trẻ của Benjamin Britten; Vũ khúc Slavovic của Antonin Dvorak.

Trước khi biểu diễn 7 tác phẩm này, chương trình được mở đầu bằng tiết mục hòa tấu dàn nhạc bản Tiến quân ca của Văn Cao.

Đêm diễn được trang bị âm thanh hiện đại, trong quá trình biểu diễn, đêm nhạc được phát sóng trực tiếp qua màn hình LED 400 inch đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Chú thích ảnh
Dàn nhạc giao hưởng London biểu diễn tại Hà Nội năm 2018

Dàn nhạc giao hưởng London được xem là dàn nhạc rất nổi tiếng trên thế giới và nhạc trưởng Sir Simon Rattle được mệnh danh là “huyền thoại làng nhạc cổ điển thế giới”. Họ biểu diễn những tác phẩm của những nhà soạn nhạc lừng danh. Có thể nói, đây là đêm nhạc hiếm hoi dành cho khán giả yêu nhạc cổ điển.

Ngoài ra, điều đáng nói là đêm nhạc được biểu diễn ở quảng trường cho đông đảo khán giả thưởng lãm. Điều này cũng có ý nghĩa lớn trong việc góp phần đưa âm nhạc giao hưởng đến với đại chúng, góp phần tạo nên diện mạo chiều sâu cho những sinh hoạt âm nhạc cộng đồng của Thủ đô - mảnh đất ngàn năm văn hiến và là Thành phố vì hòa bình do UNESCO trao tặng.

2. Chương IV của Giao hưởng số 9 (Beethoven) cũng sẽ được trình diễn tại Viện Goethe (Hà Nội) vào lúc 19h ngày 2/10 trong Đêm nhạc thính phòng Đức - Việt do nhóm nhạc dân tộc Thăng Long và nghệ sĩ Đào Minh Quang biểu diễn cùng nhóm bè Ngẫu Nhiên.

Đêm nhạc gồm 3 phần, Phần 1 gồm 4 tiết mục: đơn ca Cò lả (dân ca đồng bằng Bắc bộ) và các tiết mục độc tấu đàn tranh (Xuân quê hương - Sáng tác: Xuân Khải); độc tấu đàn nhị (Đào liễu - nhạc chèo); độc tấu tỳ bà (Khỏa nước sông trăng - Sáng tác: Diệu Thảo).

Chú thích ảnh
Các cô gái của nhóm nhạc Thăng Long

Phần 2 là tiếng hát của TS Đào Minh Quang, anh sẽ trình bày 3 ca khúc: Trở về dòng sông tuổi thơ, Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp) và Khúc hát nàng Solveig (Ewaird Grieg) cùng với Huyền Trung, nhóm bè Ngẫu Nhiên và tốp nhạc.

Phần 3 là những tác phẩm của nước Đức được trình bày đơn ca, độc tấu đàn bầu và đặc biệt là hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam chương IV của Giao hưởng số 9 (Beethoven).

NSƯT Thu Giang, người chơi đàn nhị và là trưởng nhóm nhạc Thăng Long cho biết: Chương IV này sẽ được phối khí lại cho dàn nhạc dân tộc gồm đàn bầu, đàn nhị, tỳ bà, tam thập lục (mỗi nhạc cụ 1 cây đàn) và bộ gõ dân tộc. Ngoài ra còn tăng cường thêm 1 đàn piano và phần hợp xướng do dàn vocal 7 người đảm trách.

Chương IV của Giao hưởng số 9 (Beethoven) được xem là lần đầu tiên hợp xướng được đưa vào một bản giao hưởng. Chắc chắn với biên chế dàn nhạc và “hợp xướng” như vậy không thể thể hiện được đầy đủ một chương giao hưởng của Beethoven, nhất là về vấn đề âm lượng. Tuy nhiên, tiết mục sẽ đem lại một trải nghiệm thú vị khi tinh thần Beethoven được thể hiện chủ yếu bởi một nhóm nhạc cụ dân tộc Việt Nam như một sự giao thoa văn hóa Đông - Tây và trên hết là nói lên tình cảm của những nghệ sĩ Việt Nam đối với di sản âm nhạc của nước Đức.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm