Văn hóa không phải là lĩnh vực chỉ biết ngửa tay xin tiền

28/06/2014 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận vẫn đang ồn ào với con số gần 7.000 tỷ đồng mà Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ VH,TT&DL) đưa ra trong dự thảo quy hoạch - phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nơi cho biết sẽ xây mới và nâng cấp 71 nhà hát. Nên nhìn con số này như là một cơ hội đầu tư hay đầu cơ, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ quan điểm của mình cùng TT&VH Cuối tuần.

“Với tôi, dự án xây dựng, tu bổ các thiết chế nghệ thuật của Bộ VH,TT&DL là cần thiết, bởi nó tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành “công nghiệp văn hóa”, mà tư nhân thì không hào hứng tham gia lĩnh vực này vì họ không thấy có lãi ngay. Tuy nhiên nếu đầu tư dàn trải thì sẽ là một sai lầm lớn, chỉ nên đầu tư ở những thành phố lớn, nơi có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa văn hóa nghệ thuật mạnh”, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng nói.

* Xin bắt đầu với vài đơn cử như việc các tỉnh (ví dụ Bạc Liêu vừa rồi) hay Bộ VH,TT&DL (gần 7.000 tỷ cho 71 nhà hát) chi tiền tỷ cho các dự án văn hóa cụ thể. Khoan hãy bàn các con số này là nhiều hay ít, thì theo anh là có cần thiết phải chi không?

- Về nguyên tắc, đầu tư cho văn hóa là cần thiết. Tuy nhiên, do những “tiền án, tiền sự” của một số dự án về văn hóa ở ta, cộng thêm với vị trí “tội nghiệp” của ngành văn hóa so với các ngành làm ra của cải vật chất khác nên người dân rất dị ứng với sự đầu tư kiểu nhiều ngàn tỷ này. Theo tôi, lãnh đạo ngành văn hóa cần phải có những giải trình cho bàn dân thiên hạ thấy sự cần thiết của dự án là ở đâu, lợi ích ngắn hạn và dài hạn nó mang lại là gì, khả năng hiện thực hóa ra sao… chứ không nên “lặn mất tăm” khi có phản ứng của dư luận; mặt khác, báo chí cũng phải chủ động phân tích các khía cạnh khác nhau của vấn đề, chứ không phải chỉ a dua theo dư luận.

* Người bên ngoài nhìn vào thì thấy các con số này là quá nhiều, nhưng làm sao để thực sự biết nó nhiều hay ít?

- Về mặt con số, chắc chắn một dự án lớn nhất của ngành văn hóa cũng chỉ chiếm số phần trăm rất khiêm tốn so với ngành giáo dục chứ chẳng cần so với ngành khác, vì vậy theo tôi vấn đề không phải là số tiền đầu tư nhiều hay ít, mà là hiệu quả kinh tế xã hội mà nó có khả năng mang lại là thế nào.

Có những hiệu quả trước mắt như âm nhạc thị trường thì Nhà nước không cần phải đầu tư, vì ở lĩnh vực này tư nhân sẵn sàng tung vốn vào đó. Ở các nước phát triển, Nhà nước thường đầu tư vào những hạng mục như: 1) cơ sở hạ tầng; 2) xây dựng cơ chế chính sách; 3) phát triển khán giả; 4) hỗ trợ công nghệ… Đó là những đầu tư lâu dài và mang tính chiến lược nhằm phát triển công nghiệp văn hóa. Nếu đầu tư ở những lĩnh vực này thì vài chục tỷ chỉ là muối bỏ bể.

* Thưa anh, mối quan hệ về/và giữa tài sản văn hóa nghệ thuật với cả nền kinh tế nên được nhìn như thế nào cho thỏa đáng hơn? Tại sao cứ đầu tư hơi quy mô vào văn hóa nghệ thuật là bị chửi?

- Ở các nước phát triển, từ đầu thế kỷ 20 người ta đã đưa khái niệm “vốn văn hóa” vào đời sống, với nghĩa là: ai, cộng đồng nào có “vốn văn hóa” thì người đó, cộng đồng đó có “vốn kinh tế” (capital).

PGS-TS Bùi Quang Thắng tham gia phục dựng các lễ hội cổ như lễ hội làng Xuân Phả (Thanh Hóa), lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Lảnh Giang (Hà Nam), lễ hội Tịch điền (Hà Nam), lễ hội Bình Đà. Các cuốn sách của ông đã xuất bản: Xã hội học nghệ thuật (1997), Hành trình vào văn hóa học (2004), Văn hóa phi vật thể ở Hội An (2004), 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa (2009)…
Có thể lấy nhiều ví dụ về vai trò của “vốn văn hóa” trong phát triển du lịch, ở đó mặc dù kinh tế đang chưa ở trình độ phát triển cao, cơ sở vật chất chưa mạnh nhưng nhờ có vốn văn hóa mà thu hút khách du lịch nhiều: đó là các điểm đến như Hội An và Sapa. Hoặc ở lĩnh vực nghệ thuật, sự thành công về thương hiệu Việt Nam cũng như về tiền bạc của những vở múa đương đại của Ea Sola Thủy, gánh xiếc Làng tôi… là một minh chứng khác.

Trước đây, do chưa nhận thức được vai trò này của văn hóa nên những trích dẫn nghị quyết kiểu “văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” hay “văn hóa là nền tảng” chỉ là sự hô khẩu hiệu, trên thực tế văn hóa vẫn luôn bị coi là “bánh xe thứ năm” và chúng bị xếp vào khu vực ăn bám.

Hiện nay, nhận thức về khái niệm này ở phạm vi toàn xã hội ta đang còn manh nha và yếu ớt, tuy nhiên nó cũng đã bắt đầu được Nhà nước quan tâm, bằng chứng là quan điểm xây dựng một ngành “công nghiệp sáng tạo” hay “công nghiệp văn hóa” đã/đang được đưa vào trong nghị quyết của Đảng, trong đó khai thác vốn văn hóa của cá nhân, cộng đồng và sử dụng các công nghệ hiện đại để biến chúng thành hàng hóa văn hóa là nội dung quan trọng.

Tuy nhiên để thay đổi cách nghĩ về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội không phải chỉ ra nghị quyết là xong mà nó đòi hỏi phải có cách làm đồng bộ và lâu dài, và điều quan trọng là phải có cơ chế chính sách thúc đẩy những mô hình làm giàu bằng vốn văn hóa, những cơ chế chính sách ấy phải tạo điều kiện để văn hóa độc lập với chính trị chứ không phải như ngày hôm nay, văn hóa vẫn là công cụ tuyên truyền. Nếu làm được điều đó, văn hóa nhất định sẽ không phải là lĩnh vực chỉ biết ngửa tay xin tiền.

* Cũng còn phổ biến những cách nhìn đại thể rằng nước ta còn nghèo nên văn hóa còn yếu. Một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia có nên đợi đến “phú quý” thì mới “sinh lễ nghĩa”, như kiểu nắm xôi có trước - quạt mo có sau, hay phải làm song hành?

- Bất kể giàu hay nghèo, nhưng đã là một dân tộc, một quốc gia thì nhất thiết phải có bộ mặt văn hóa. Như thế, không phải chỉ đợi đến khi nào giàu rồi thì mới khoe văn hóa ra. Trong mấy chục năm qua, chúng ta đã rất tích cực khoe “bản sắc”, “truyền thống văn hóa” của mình ra thế giới và đầu tư không ít cho nó đấy chứ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cách làm của chúng ta còn bị lệch, chỉ muốn phô diễn cái truyền thống mà không chú trọng, thậm chí không quan tâm đến bộ mặt văn hóa, nghệ thuật đương đại (khía cạnh mà thế giới rất quan tâm). Tất cả những dự án, chương trình lớn về văn hóa đều hướng về các giá trị truyền thống như: Bảo tồn di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể, xây dựng bảo tàng, đưa các đoàn nghệ thuật dân tộc đi biểu diễn ở nước ngoài… Chưa có những dự án của Nhà nước dành cho festival nghệ thuật đương đại (nhằm phát triển khán giả) và cũng chưa có những đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa nghệ thuật... - những khu vực này tư nhân không muốn và cũng không có trách nhiệm đầu tư, chỉ có Nhà nước mới có thể làm được.

* Một cái nhìn bao quát và thẳng thắn về tình hình đầu tư cho văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam?

- Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật là đầu tư mang tính chiến lược và đồng bộ ở tất cả các khâu trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, cần phải có những chương trình văn hóa quốc gia để làm việc đó.

Ở ta, văn hóa nghệ thuật mới chỉ quan trọng trên giấy tờ chứ không/chưa thực sự quan trọng trong chính sách đầu tư và khối lượng đầu tư của Nhà nước, cũng như tư nhân. Riêng ở những dự án đầu tư cho văn hóa nghệ thuật thì còn quá nghiêng về bảo tồn truyền thống, dàn trải, không có trọng điểm, vì thế hiển nhiên không đạt được hiệu quả như mong đợi.


Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm