Đám đông bình thản quay clip trong vụ tai nạn thảm khốc

11/11/2015 10:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa chứng kiến một vụ taxi đâm liên hoàn xe máy trên cây cầu vượt. À, không, chúng ta không chứng kiến, nhưng được xem tường thuật đầy gay cấn qua rất nhiều đoạn phim ghi hình từ nhiều góc độ. Có những đoạn quay lạnh lùng đến không ngờ.

Từ đoạn camera hành trình của chiếc xe bán tải (bị cho là gián tiếp gây tai nạn vì truy đuổi chiếc taxi), đến đoạn phim từ trên cao của kênh truyền hình giao thông (xoáy tròn vào vị trí tài xế taxi nhảy cầu vượt tự tử), đến đoạn phim quay hiện trường sau tai nạn (người quay clip không ngừng nói “vãi l…” trong khi máy quay của anh ta lướt vô cảm qua những thân người và thân xe thương tích).

“Quay xong clip chưa?” – một người hỏi anh chàng “vãi l…”. “Rồi” – anh ta trả lời. “Quay thằng dưới kia (tài xế taxi) chưa?”. “Rồi”. Đoạn đối thoại ráo hoảnh vô tình. Như hoàn thành một nhiệm vụ trong một trò chơi truyền hình nảo đó. Ghi lại hết hình ảnh đủ để đăng lên mạng “khoe” với đám đông ở nhà, thế là xong. Trên Facebook, đoạn clip này có hàng chục nghìn lượt xem sau một ngày.


Mô phỏng tai nạn thảm khốc sau khi taxi đâm liên hoàn xe máy trên cầu vượt Thái Hà-Chùa Bộc (Hà Nội tối 8/11)

Những người bình thản quay clip thuộc vào một đám đông tự cho mình không liên quan đến vụ tai nạn (cần lưu ý, đám đông không cần lên đến hàng chục nghìn người, mà đôi khi chỉ là một nhóm người có chung một tinh thần). Điều đó hầu như đúng. Họ không liên quan thật, nhưng họ cũng góp phần giúp các nhà nghiên cứu tâm lý học cổ điển, vốn không đánh giá cao đạo đức của đám đông, có thêm ví dụ để tin chắc vào lập luận của mình.

Trong cuốn sách kinh điển Tâm lý học đám đông, nhà tâm lý Gustave Le Bon lý giải việc đám đông có thể hành động vô tình đến không ngờ: “Khi anh ta chìm trong một đám đông không có tính trách nhiệm, do chắc chắn không bị trừng phạt, anh ta đã phó mặc cho bản năng thỏa mãn những gì nó muốn”.

Ở đây, có thể là bản năng câu like. Bản năng khao khát ngồi giữa một hội nhậu và lớn tiếng tuyên bố rằng chính mình vừa chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc mà ai cũng bàn tán đấy.

Còn có những người bỏ công ngồi tổng hợp clip, lồng nhạc các kiểu (có clip lồng nhạc… trữ tình cho đoạn camera hành trình) như trong phim Hollywood. Một đám đông cả ngoài đời và trên mạng ngồi xem tường thuật, bình phẩm, cảm động, lên án, văng tục… Họ ngồi một mình trước máy tính, nhưng thực chất đang ngồi giữa một đám đông khổng lồ.

Cũng trên mạng, chúng ta đọc được lời tâm sự của một người chứng kiến vụ tai nạn, người hiếm hoi tách mình khỏi đám đông: “Ngoài mình còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán, chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ”.

Thử hình dung trong khi người ta đang chết, đang nhảy cầu, đang gãy chân, đang nát mặt…, còn bạn quay clip. Để clip không rung giật, cho hình ảnh chất lượng, hẳn bạn rất bình thản. Thật chuyên nghiệp.

Nhưng cũng đầy trớ trêu, nhờ những đoạn phim này, cả nước mới được xem tường thuật gián tiếp gay cấn và ấn tượng như vậy. Một điều có thể tự hào về sự phát triển của công nghệ trong truyền thông. Nên vui hay nên buồn?

Nha Đam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm