Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: Nhạc sĩ của những anh hùng liệt sĩ

08/10/2016 06:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 80, sau một sự nghiệp âm nhạc “đồ sộ”, một gia tài hội họa không hề bé nhỏ, Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chỉ khiêm tốn mà rằng: “Cũng thấy mình có một số thành tựu, vài bài hát cũng được đi vào lòng công chúng. Nhưng đại khái tất cả chỉ là tạm thời"...

Và "vì càng sống lâu trong cuộc đời tôi càng thấy mình nhỏ bé lắm, chẳng qua cũng chỉ là một hạt cát giữa biển. Đại khái cũng chỉ là một hạt muối bé nhỏ mang chút mặn mòi của biển cả, không đến nỗi vô vị”, tác giả của ca khúc Hà Nội một trái tim hồng từng chia sẻ với tôi về cuộc đời và sự nghiệp của ông như vậy.

Gia tài âm nhạc

Và giờ đây, “hạt cát” ấy đã rời xa cõi tạm, trở về biển khơi hay đến một thế giới mới ở tuổi 87.

Đến với hội họa trước âm nhạc nhưng có thể nói, âm nhạc là con đường mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đến gần với công chúng hơn cả.

Tài năng sáng tạo, tình yêu dành cho âm nhạc và đặc biệt là với một tấm lòng rộng lớn, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết nhiều ca khúc ở nhiều thể loại, nhiều đề tài, về Đảng, người lính, Hà Nội cho đến nhân dân. Và với đề tài nào, ông cũng có những tác phẩm để đời.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Với đề tài về Đảng, ông được biết đến với ca khúc Đảng là cuộc sống của tôi chứa đựng nhiều tâm tư của ông và cũng là “tiếng lòng” của cả thế hệ một thời.    

Với đề tài về Hà Nội – mảnh đất mà ông sinh ra và lớn lên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đâu chỉ có Hà Nội một trái tim hồng, mà còn có Đêm trăng nhớ Hà Nội, Hà Nội sẵn sàng, Bài thơ về Hà Nội, Hà Nội nhớ và cả một hợp xướng mang tên Ký sự Hà Nội. Các tác phẩm đều được ông viết theo suốt chiều dài lịch sử của Hà Nội và cuộc đời của chính ông.

Bên cạnh đó, ông còn viết các tác phẩm về khí nhạc như Sonate viết cho violon, Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc, hợp xướng Bài ca xây dựng, Tiếng hát buổi bình minh, Bài ca chiến thắng...

Rất nhiều tác phẩm ca ngợi các anh hùng liệt sĩ

Nhưng có một điều đặc biệt là, trong cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết rất nhiều tác phẩm ca ngợi các anh hùng liệt sĩ, như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương anh Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi... Vì điều đặc biệt này mà ông được mệnh danh là “nhạc sĩ của những anh hùng liệt sĩ”.

Nhạc sĩ quan niệm: “Trong cuộc chiến đấu gian khổ, biết bao nhiêu người đã hi sinh, mất mát lẽ nào không được lưu truyền đến đời sau? Khi một cuộc chiến tranh kéo dài, cái sống cái chết rất gần nhau, biết bao trận đánh, biết bao thương vong, biết bao thắng lợi, nhưng còn lại và quan trọng nhất chính là những con người trong cuộc chiến đấy. Và cái chết của những anh hùng này luôn gây những xúc cảm đẹp.

Nghe lại những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

Nghe lại những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã từ trần vào lúc 0h50' ngày 07/10. Cả một đời ông 'đắm đuối' với chủ đề về Đảng, về các anh hùng liệt sĩ, về 'tập thể lớn' là nhân dân để viết lên những bài ca đi cùng năm tháng.


Âm nhạc với những giai điệu nồng nàn, tình nghĩa sẽ gánh vác nhiệm vụ ấy” – ông tâm sự.

Cũng chính niềm xúc cảm lớn lao đối với những người hi sinh vì đất nước đã giúp nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác bài Tình em biển cả nổi tiếng mà vẫn được nhớ nhiều hơn với tên gọi Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay.

Ông kể, mình đã sáng tác ca khúc này khi chứng kiến Đại tá Đặng Tính – chính ủy Bộ tư lệnh 559, cũng là bạn thân thiết gần nhà của ông ở Hà Nội hi sinh ngay trước mắt ông khi ông cùng nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Minh Châu đi chiến dịch những ngày đầu năm 1973.

“Đại tá Đặng Tính đã hi sinh ngay trước lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào báo tin Hội nghị Paris vừa được kí kết, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, ông ấy đã “chết lúc bình minh” khiến tôi vô cùng xúc động và thấy cái giá của hòa bình đáng quý biết nhường nào. Nên ngày đầu tiên của hòa bình tôi đã viết Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn ngậm ngùi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Ông từng theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1944). Ca ngợi đời sống mới là ca khúc đầu tay của ông viết năm 1945. Trong thời kì kháng chiến, ông viết những ca khúc về đề tài người lính, các anh hùng liệt sĩ. Sau thời kì này, ông viết thiên về đề tài trữ tình, đời sống. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm