Từ hiện tượng 'Hello': Sức mạnh của những cuộc gọi yêu thương thời Facebook

04/11/2015 11:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 3 bài hát nổi tiếng nhất hiện nay đều lấy các cuộc gọi điện thoại làm cảm hứng, gồmHello của Adele, The Hills của The Weeknd và Hotline Bling của Drake. Những cuộc gọi luôn mang lại cảm xúc kỳ lạ mà các tin nhắn qua mạng không thể nào làm được.

Adele tha thiết gọi cho người yêu cũ. The Weeknd chỉ gọi trước 6 giờ sáng. Drake nhớ những cuộc gọi của người yêu cũ khi họ còn bên nhau.

Họ đều còn trẻ và thuộc thế hệ bị ám ảnh bởi công nghệ, nhưng tình yêu trong âm nhạc của họ truyền cảm hơn qua các cuộc gọi điện mà thế hệ này đã cho là “cổ lỗ”.

Lời nói qua điện thoại là chiều sâu cảm xúc

Trong âm nhạc đại chúng, các cuộc điện thoại là một chất liệu ca từ quen thuộc, luôn giàu cảm xúc, giàu sức khơi gợi và đầy quyến rũ.

Năm 1984, Stevie Wonder hát I Just Called To Say I Love You (Anh gọi chỉ để nói rằng anh yêu em) đầy ngọt ngào. Năm 2012, Carly Rae Jepson vẫn nhắn nhủ chàng trai cô để ý rằng Call Me Maybe (Có lẽ hãy gọi cho em nhé), thay vì “hãy kết bạn với em qua Facebook” hay “hãy nhắn em qua WhatsApp”.


Adele chọn gọi điện thoại bởi cảm xúc truyền tải qua giọng nói là không thể thay thế được.

Chúng ta đang sống trong thời của các mạng xã hội như Facebook và WhatsApp, nơi những cuộc điện thoại dường như chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp hay từ... nhân viên tiếp thị. Thay cho giọng nói là các dòng chat dày đặc con chữ và biểu tượng.

Nhưng vẫn có những khoảnh khắc bạn cần nghe giọng của ai đó, thay vì nhìn thấy biểu tượng mặt cười của họ trên màn hình chat - những khoảnh khắc sống chết hoặc đơn giản là đang ngập trong yêu thương. Đó là lý do tại sao những bản hit lớn nhất năm 2015 này, gồm Hello, The HillsHotline Bling, lại nghe chẳng lỗi thời chút nào. Thay vào đó, chúng tạo thành trào lưu đại chúng.

Không giống như những tin nhắn, có thể được chụp lại, đọc to lên hoặc gửi cho người khác, một cuộc điện thoại riêng tư luôn chỉ đọng lại trong trái tim. Một cuộc gọi mang theo những cảm xúc mà các tương tác trên mạng xã hội không thể có được.

Nếu bạn bị nói lời chia tay qua tin nhắn chat, hẳn bạn đau đớn lắm. Và một cuộc nói chuyện quan trọng qua chat thường khiến hai bên áp lực, khiến đối phương ngạc nhiên lạ lẫm.

Điều này đã được chứng minh khi một cô gái nhắn tin với toàn bộ nội dung là ca từ bài hát Hello của Adele cho người yêu cũ. Hiệu ứng không hề ngọt ngào như khi ta nghe bài hát.

Người bạn trai cũ đã rất ngạc nhiên và liên tục hỏi lại rằng “Em sao thế?”, “Có chuyện gì à?”, “Anh không hiểu lắm?”. Trong khi, cùng những lời lẽ đó, khi Adele cất lên bằng tiếng hát, chúng thấm vào tận đáy tim người nghe.

Tình cảm chân thành cần thể hiện chân thành

Tương tự, Drake chẳng thể hát về người yêu cũ rằng “hy vọng em sẽ nhắn tin cho anh”. Bởi ai cũng biết, một tin nhắn có thể bị lờ đi dễ dàng.

Một cuộc điện thoại truyền tải nhiều nỗ lực và cảm xúc hơn nhiều. Nếu The Weekndthay câu hát “Anh chỉ gọi vào lúc 5 giờ rưỡi sáng” bằng “Anh sẽ nhắn tin lại sau nhé”, cảm xúc sẽ tuột đi rất nhiều. Ít nhất, người ta biết rằng anh quan tâm khi anh chịu nhấc điện thoại lên.

Vì vậy, không phải các cuộc điện thoại đang đổ bộvào làng  âm nhạc năm 2015, hay những ngôi sao nhạc pop thời thượng nhất bỗng dưng hoài cổ. Thay vào đó, các cuộc điện thoại đang thể hiện một bức tranh rộng lớn hơn: những cảm xúc riêng tư, quý giá và chân thành cần cách thể hiện chân thành, trong những khoảnh khắc kín đáo giữa hai con người.

Các ngôi sao thời thượng chẳng khó gì để đưa iPhone đời mới nhất hay ứng dụng Facebook hiện đại vào video ca nhạc, nhưng họ khước từ. Bởi cảm xúc không thể hiện dễ dàng qua tin nhắn, các ký tự, các biểu tượng mặt cười mà ai ai cũng dùng. Họ cho và nhận những cuộc gọi đặc biệt, mang theo giọng nói của chính họ và cảm xúc mà không phải ai cũng dành cho nhau.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm