'Treo dải băng vàng trên cây sồi già' - bài hát rưng rưng mùa Giáng sinh

24/12/2015 19:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Trong chuyến lưu diễn trong dịp mừng Giáng sinh và năm mới tại Italy vừa qua, danh ca Tony Orlando đã thổ lộ rằng đối với ông Giáng sinh là dịp đoàn tụ và mỗi khi đến mùa là ông lại không thể quên bài hát đã làm nên tên tuổi ông, Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree (Treo dải băng vàng trên cây sồi già). Đối với Orlando, đó là bài hát ý nghĩa nhất với ông về mặt cảm xúc, là bài ca hạnh ngộ, là sự đoàn viên ngọt ngào.

Và không chỉ mỗi Orlando nghĩ vậy, cứ đến cuối năm, dù chẳng dính dáng gì đến Giáng sinh nhưng Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree vẫn được mở khắp nơi. Bởi đó là bài hát của sự trở về.

Một câu chuyện cảm động

Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree được yêu mến đến giờ này là bởi nó ẩn chứa một câu chuyện rất cảm động.

Chuyện kể về một tù nhân vừa mãn hạn 3 năm tù, giờ là lúc anh lên xe bus để về nhà. Đó là một chuyến xe đong đầy cảm giác hoang mang, vô định.

Trước đó, người đàn ông này đã viết một lá thư cho người yêu thông báo rằng anh sắp mãn hạn tù và nếu cô còn thật sự yêu anh và chờ anh trở về thì hãy buộc dải băng màu vàng lên cây sồi già trước cửa nhà.

Chuyến xe bus sẽ chạy vào thị trấn và có chạy ngang qua nhà, nếu nhìn thấy dải băng vàng, anh sẽ xuống xe, còn không anh sẽ ngồi trên xe và đi tiếp.


Nam danh ca Tony Orlando trên bìa single "Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree"

Đối với người đàn ông, dải băng vàng có ý nghĩa quyết định sống còn. Nếu nó hiện diện trên cây sồi thì có nghĩa tình yêu của cô gái dành cho anh vẫn còn. Nhưng nếu nó không hiện diện thì đó cũng là một thông báo đơn giản “Anh không còn hiện hữu”.

Người đàn ông chìm vào cảm giác mệt nhọc, không biết điều gì đang chờ đón mình phía trước. Lộ trình ngày càng ngắn dần, và khi chiếc xe bus rẽ vào thị trấn thì người đàn ông không còn đủ sức để đối diện với sự thật. Cuối cùng, anh kể cho người tài xế nghe câu chuyện của mình và tâm sự rằng “tôi dường như vẫn còn bị kết án và cô ấy là người nắm chiếc chìa khóa mở xích. Chỉ cần một dải băng màu vàng hiện lên là tôi sẽ được tự do thật sự”.

Người đàn ông không đủ sức để nhìn sự thật qua cánh cửa và nhờ tài xế nhìn giúp, rồi sự thể thế nào sẽ tính tiếp.

Và rồi khi xe đi ngang qua nhà, tất cả mọi người trong xe reo lên ầm ĩ. Không thể tin nổi, ngay trên cây sồi trước cửa nhà là một trăm dải băng vàng đang tung bay trong gió.

Trong cơn sung sướng điên cuồng, người đàn ông hát “I’m Comin’ Home” (Tôi đang về nhà).  

Đó là thời điểm của tháng 2/1973 khi ca sĩ Tony Orlando tung ra single mới nhất của mình. Cho dù trước đó anh đã rất thành công với nhiều bài hit, nhưng chỉ đến khi Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree xuất hiện thì sự nghiệp của chàng ca sĩ người Mỹ gốc Hy Lạp này mới thật sự chạm tới đỉnh cao. Và hơn thế, từ bài hát này, “dải băng màu vàng” đã trở thành một biểu tượng của sự trở về, của đoàn viên.

Từ “khăn tay trắng” đến “dải băng vàng”

Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree là sáng tác của cặp tác giả Irwin Levine và L.Russell Brown. Bài hát này dựa trên câu chuyện có thật nhưng không biết nó “thật” đến mức độ nào bởi có rất nhiều dị bản tồn tại trong suốt nửa thế kỷ trước đó.

Nhưng vào năm 1971, trên tờ The New York Post, cây viết xã luận nổi tiếng Pete Hamill đã kể cho độc giả nghe một câu chuyện có nhan đề Going Home (Về nhà) mà ông cam đoan là có thật. Chuyện kể về một nhóm sinh viên ở New York đón xe bus tới Florida để tắm biển. Trên xe họ nhảy múa, hát hò, tiệc tùng vui vẻ và chẳng ai để ý có một hành khách ngồi bất động trên xe, hoàn toàn tách biệt mình với mọi thứ xung quanh. Người khách ấy tên Vingo, ngồi tù 4 năm ở New York và giờ mãn hạn.

Câu chuyện gần như y chang nội dung bài hát, chỉ có điều tên người vợ đã được công khai, là Martha, còn cây sồi thì không phải nằm trước nhà mà hiện diện ở ngay trung tâm thị trấn Brunswick ở phía Bắc North Carolina và những dải băng vàng đổi màu thành “chiếc khăn tay trắng”. Và cuối chuyện là hình ảnh hàng trăm chiếc khăn tay bay phất phới trên cây sồi và chỉ đường cho Vingo về nhà.

Câu chuyện hấp dẫn đến nỗi nhiều báo đã mua để phát hành lại và các chương trình truyền hình cũng làm tới tấp các phóng sự câu khách. Và đỉnh điểm là năm 1973 bài hát Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree ra đời và trở thành một biểu tượng.

Và sau đấy, nó cũng trở thành màn đấu đá trước tòa không khoan nhượng giữa một bên là ký giả Pete Hamill và một bên là bộ đôi sáng tác. Hamill khép cả tác giả vào tội ăn cắp và biến câu chuyện của ông thành bài hát mà không xin phép. Nhưng cuối cùng bài hát được minh oan, rằng câu chuyện của Pete Hamill không có gì là mới mẻ cả bởi nó đã tồn tại rất lâu và có hẳn những câu chuyện chứng minh. Cuối cùng Pete Hamill phải rút lại đơn và sự việc chìm xuồng.

Nhưng sau này, chính tác giả L.Russell Brown cũng thừa nhận rằng dù câu chuyện không phải là của Hamill nhưng ông đã sáng tác nó dựa trên hiệu ứng của bài báo mà Hamill đã viết và gây chấn động. Một kiểu ăn theo thời sự nhưng có nghề hơn.

Đặc biệt là L.Russell Brown đã sáng tác ra biểu tượng “dải băng màu vàng” thay thế “khăn tay màu trắng” và thành công đến nỗi trở thành một biểu tượng quốc gia. Năm 1980, vụ khủng hoảng con tin ở Iran lên đến đỉnh điểm và dải khăn màu vàng đã trở thành biểu tượng của sự trở về của 400 con tin người Mỹ. Và nước Mỹ lúc ấy đi đâu cũng sẽ thấy dải băng vàng treo đầy trên những hàng cây khắp phố.

Cùng nghe lại ca khúc "Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree":


Tí nữa thì vào sọt rác

Nhưng ít ai biết bài hát này tí nữa đã vào sọt rác khi nguyên thủy ban đầu, lúc sáng tác xong, bộ đôi tác giả thật sự rất muốn đưa bài này cho Ringo Starr, nguyên là tay trống của nhóm Beatles.

Nhưng tiếc thay, khi L.Russell Brown đang cầm guitar và đánh cho người quản lý của Hãng đĩa Apple (nơi Ringo đang ký hợp đồng) là Al Steckler, nghe để quyết định thì bất chợt Al Steckler lấy tay chặn cây đàn và bảo “Bài này mà hát cái gì. Thật lố bịch khi tự nhiên có một dải băng trên cây sồi. Chúng tôi sẽ rất nhục nhã nếu hát bài này, nó sẽ hủy hoại danh tiếng của chúng tôi và tôi cũng muốn khuyên các ông đừng đưa bài hát này cho bất kỳ ai nữa”.

Cơn hưng phấn bị tạt một xô nước lạnh. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình cặp Irwin Levine và L. Russell Brown đã sáng tác hơn 2.000 bài hát và hàng tá bài hit nhưng chưa ai dám “nạt” họ theo kiểu như thế. Họ bị lâm vào trạng thái hoang mang y như người đàn ông trên chiếc xe bus định mệnh và đã định cho bài hát vào sọt rác.

Nhưng rồi cuối cùng Tony Orlando xuất hiện và đưa bài hát trở thành một biểu tượng. Bài hát bán được 7 triệu bản và đứng 4 tuần liên tiếp ở vị trí quán quân của Billboard, chưa kể các quốc gia khác.

Và từ đó đến nay Tie A Yellow Ribbon ‘Round The Old Oak Tree vẫn tiếp tục là bài hát để đời, là bài tủ của rất nhiều ca sĩ. Và cứ đến dịp cuối năm, những giai điệu của nó lại tiếp tục vang lên cùng câu chuyện cảm động về người đàn ông trở về.

Ở thời nào, cũng có những người đàn ông như vậy, và hơn thế, ai cũng khao khát được trở về, đoàn tụ và vui vầy sau một thời gian cách biệt.

Năm 1980, vụ khủng hoảng con tin ở Iran lên đến đỉnh điểm và dải khăn màu vàng đã trở thành biểu tượng của sự trở về của 400 con tin người Mỹ. Và nước Mỹ lúc ấy đi đâu cũng sẽ thấy dải băng vàng treo đầy trên những hàng cây khắp phố.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm