Tranh giả bùng nổ thời khủng hoảng kinh tế

20/06/2013 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều người muốn giữ tiền, không phải bằng việc đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán mà vào việc sưu tầm nghệ thuật. Thực tế này lại càng khiến thị trường làm tranh giả phát triển, thể hiện qua việc tuần vừa rồi, cảnh sát Đức đã phá được một ổ làm tranh giả lớn.

Supremus là tên một trong những bức tranh đã bị tịch thu trong những cuộc đột kích vào các ổ làm tranh giả ở Đức, Israel và Thụy Sĩ mới đây. Bức tranh này được cho là tác phẩm của họa sĩ Nga cấp tiến Kazimir Malevich. Song liệu nó có thực sự là của ông hay không lại là vấn đề khác.

Trong các cuộc khám xét vừa qua, cảnh sát liên bang Đức đã tìm thấy hơn 1.000 bức tranh giả. Người ta cũng phát hiện hơn 400 bức tranh khác vẽ nhại các họa phẩm của Malevich, Wassily Kandinsky và Alexej von Jawlensky đã được tiêu thụ hết, chủ yếu là bán cho các nhà sưu tầm tư nhân ở nước ngoài. 2 kẻ làm tranh giả mới bị bắt đã kiếm được 2,7 triệu USD từ năm 2011 đến nay.

Tranh nhái qua mắt cả chuyên gia nghệ thuật

Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ bê bối làm tranh giả. Một trong những kẻ làm tranh giả lớn nhất ở Đức từng bị phanh phui là Wolfgang Beltracchi. Gã và những kẻ đồng lõa đã kiếm được ít nhất 16 triệu euro nhờ làm giả các họa phẩm hiện đại kinh điển.


Wolfgang Beltracchi, kẻ nhái tranh đã đánh lừa được cả chuyên gia nghệ thuật và bị phạt 6 năm tù giam

Một trong những bức tranh giả của Beltracchi, vẽ nhái họa phẩm Red Picture With Horses của nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện Đức Heinrich Campendonk, đã được bán với giá 2,9 triệu euro tại một cuộc đấu giá. Thậm chí một bức tranh nhái họa phẩm của Max Ernst do Beltracchi vẽ đã đánh lừa được sử gia nghệ thuật Werner Spies, vốn được coi là một chuyên gia về Ernst. Sau vụ xét xử ở Cologne hồi năm 2011, Beltracchi đã bị phạt tù 6 năm.

Sử gia nghệ thuậtSusanna Partsch cho rằng thị trường tranh giả đã phát triển cân xứng với mối quan tâm tới nghệ thuật nói chung. Là tác giả cuốn sách Crime Scene: Art (Hiện trường tội ác: Nghệ thuật), bà Partsch đã nghiên cứu lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật nhái trong nhiều năm.

“Việc làm tranh giả xuất hiện từ kỷ nguyên baroque, mặc dù lúc đó thị trường vẫn còn rất nhỏ” -  bà Partsch cho biết - “Đến thế kỷ 19, thị trường tranh giả mới phát triển mạnh khi có nhiều bảo tàng ra đời, trong đó có các bảo tàng ở Mỹ, và người Mỹ bắt đầu sưu tầm nghệ thuật châu Âu. Italia đã phát triển thị trường tranh giả rất lớn”.

Đầu tư tranh an toàn hơn

Khi mối quan tâm tới nghệ thuật tiếp tục phát triển, các hội chợ nghệ thuật như Documenta hay Biennale cũng phát triển theo.

Bà Katia Baudin, Phó Giám đốc Bảo tàng Lugwig ở Cologne, cho rằng sự khủng hoảng tài chính toàn cầu càng khiến các nhà sưu tầm dồn tiền vào tác phẩm nghệ thuật, vì họ coi đó là một khoản đầu tư an toàn. Đối với nhiều người, đầu tư tiền vào một bức tranh an toàn hơn nhiều so với đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán.

Trong khi đó, những kẻ làm tranh giả có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu của thị trường. Nói gần như vì không phải tranh của ai cũng có thể bị làm giả, nhái. “Có những nghệ sĩ không thể bị làm giả tranh. Chẳng hạn như Paul Klee, vì ngay từ đầu ông đã lập sổ ghi các tác phẩm của mình” - bà Partsch cho biết.

Thời gian qua, làm nhái tranh của các nghệ sĩ trào lưu cấp tiến của Nga rất phổ biến trong thị trường tranh giả. Nguyên do tác phẩm của các nghệ sĩ này đã biến mất trong cuộc Cách mạng Nga và mãi sau này mới được tái phát hiện.

Tranh nhái Mona Lisa chỉ cần 30 euro

Mặc dù cảnh sát đã phá vỡ thành công nhiều ổ làm tranh giả ở châu Âu, thế giới vẫn còn rất nhiều ổ làm tranh giả khác.“Ở Trung Quốc có cả một làng làm tranh giả theo đơn đặt hàng” - bà Partsch cho biết. “Một bức tranh nhái Mona Lisa với giá 30 euro ư? Không vấn đề gì. Các nhà buôn nghệ thuật thường tới đây đặt hàng và sau đó họ bán các bức tranh giả hoặc tranh nhái được vẽ y như thật ở châu Âu và Mỹ”.

Nếu không có sự thẩm định khoa học, người ta khó có thể nhận biết được đâu là tranh giả. Theo bà Partsch, hiện vẫn có quá ít nơi tiến hành phục chế và thẩm định tranh nên việc xác định một tác phẩm nghệ thuật phải mất một thời gian dài”.

Baudin cho rằng việc thẩm định tác phẩm nghệ thuật theo các phương pháp khoa học là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như trường hợp làm tranh nhái của Beltracchi đã cho thấy ngay cả các chuyên gia nghệ thuật cũng bị đánh lừa và chỉ đánh giá tranh qua bề mặt là chưa đủ.

Việc tiến hành thẩm định bằng tia cực tím có thể biết được bức tranh đó đã trải qua phục chế hay chưa, trong khi chiếu tia hồng ngoại có thể “soi” được những nét vẽ phác thảo gốc của nghệ sĩ dưới lớp màu. Những cách thẩm định như vậy có thể tốn kém và tốn thời gian, song chúng thực sự cần thiết.

Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm