Thuần phong mỹ tục và "cởi"

10/07/2011 10:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, vào lúc 9h ngày 9/7 tại Cà phê thứ Bảy (37 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM) đã diễn ra cuộc trò chuyện về thuần phong mỹ tục Việt Nam với khuynh hướng “cởi” và “mở” hiện nay. Tuy khuôn khổ chỉ giới hạn trong khoảng 40 người và nhà văn Nguyễn Quang Sáng không đến dự, nhưng đây là cuộc trao đổi rất thành công, để lại nhiều suy nghĩ.

Xem bộ ba ảnh, tạm gọi khỏa thân này, chúng ta có thể thấy mỗi thời chụp mỗi kiểu và qua đó tác động như thế nào vào “thuần phong mỹ tục”:



Hình bìa phải do nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils (1862-1937) chụp phụ nữ Bắc bộ cuối TK 19, hình chính giữa là diễn viên Lê Kiều Như, bên phải là siêu mẫu Hà Anh, chụp đầu thế kỷ 21.

1. Ngoài các diễn giả là nhà xã hội học Trần Hữu Quang, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nhạc sĩ Dương Thụ... buổi nói chuyện còn có sự tham dự của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, nhà vật lý Nguyễn Văn Trọng, nhà văn Lữ Phương, dịch giả Trần Đĩnh, nhà xã học Nguyễn Minh Hòa...

Bắt đầu buổi trò chuyện, trong vai trò người dẫn chuyện, nhạc sĩ Dương Thụ đưa ra nhiều hình ảnh mà ta quen gọi là “hot” của giới showbiz, từ Thanh Lam, Mỹ Tâm, Thu Minh... cho đến Yến Trang, Lê Kiều Như, không phải để phê phán, mà để đặt câu hỏi: Câu chuyện phía sau của nó là gì? Nhà xã hội học Trần Hữu Quang cho rằng vấn đề không phải báo chí không được phép đưa tin lá cải hay in hình lõa thể này nọ, mà phải biết tiết chế và in như thế nào mà thôi. Nhìn vào các báo mạng hiện nay, nhiều lúc tin lá cải lấn át cả các tin đứng đắn, các phóng sự điều tra, hoặc làm chi phối quá trình đọc nghiêm túc, thì quả là cách đưa tin ấy có vấn đề.

Nhà văn Lữ Phương thì cho rằng không nên quá hốt hoảng trước các hình ảnh nóng ấy, vì xã hội Việt Nam mấy chục năm qua đi từ tình trạng không bình thường (chiến tranh, cấm vận) đến đời sống bình thường hôm nay, nên các biểu hiện ấy cũng nên xem là bình thường. “Người ta hay cắt riêng một bức ảnh khỏa thân được chụp trong một kịch bản ý tưởng nào đó hay một đoạn phim làm tình trong một trường đoạn xuyên suốt để phê phán này nọ, làm như vậy là không đúng. Bởi nếu đặt vào đúng bối cảnh, thì mọi thứ sẽ hợp lý, chẳng có gì phản cảm, đồi trụy..”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhận xét về một số cảnh nóng trên phim Việt được chiếu tại buổi thảo luận.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên PGĐ Sở VH,TT&DL TP.HCM) cũng đồng ý rằng ở cấp độ quản lý, nói chuyện thuần phong mỹ tục cũng rất khó, vì văn bản luật quy định là vậy, nhưng khi đi vào thực thi, nhiều nơi lại áp dụng quan điểm cá nhân, chẳng thống nhất. Bà cũng nói thêm, người ta hay tỏ ra hốt hoảng khi gặp một sự kiện nào đó, mà ít khi có cái nhìn phân tích xem nó có hợp lý và đúng xu thế hay chưa. Bởi thuần phong mỹ tục là một khái niệm khả biến, nên việc quản lý phải hết sức linh hoạt.

2. “Thuần phong” là cơn gió thuần khiết, trong lành, mà đã gió thì luôn mới; còn “mỹ tục” là một thói quen đẹp đẽ mà nhiều người noi theo. Tuy nhiên, vấn đề “cởi” và “mở” với các chuẩn mực của thuần phong mỹ tục phải đến từ trong tinh thần, chứ không phải bằng các quy định bất biến. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn còn cho biết thêm, những yếu tố mà bây giờ chúng ta cho là “nóng”, là “nhạy cảm”... có khi còn “nguội lạnh” hơn ông bà, tổ tiên của mình ngày trước. Người Việt dựa vào yếu tố sinh nở (đực - cái), triết lý tính dục để duy trì nòi giống, nên trong tư duy, hành động và ngôn ngữ, đây là điều chẳng hề bị cấm kị. Vấn đề cách thể hiện cái “tính dục” ấy ra như thế nào mà số đông trong cộng đồng có thể chấp nhận được.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm