Phim tài liệu Việt Nam: Chấp nhận “hy sinh” để được chiếu

20/06/2010 08:45 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Tuần lễ phim tài liệu quốc tế lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21 – 25/6. Có mác “quốc tế” nhưng địa điểm trình chiếu 10 bộ phim của 6 nước tham dự gồm Italia, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, phái đoàn Wallonie và Việt Nam lại chỉ khiêm tốn trong phòng chiếu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Nhân vật của Đối thoại tuần này là bà Phạm Thị Tuyết, GĐ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, xung quanh câu chuyện về thực trạng tiếp tục cần phải “kêu cứu” của điện ảnh tài liệu.


Bà Phạm Thị Tuyết - GĐ Hãng phim
Tài liệu và Khoa học TW

* Một năm Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất bao nhiêu đầu phim, thưa bà?

- Mỗi năm hãng chúng tôi được nhà nước giao kế hoạch bình quân làm 13 phim. Ngoài số phim làm theo kinh phí do ngân sách cấp này, hàng năm hãng còn nhận làm theo các đơn đặt hàng của các đơn vị Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức... trong cả nước nữa. Tính tổng bình quân mỗi năm cả phim kế hoạch và phim đặt hàng, chúng tôi cho ra đời khoảng 25 - 30 bộ phim.

* Một con số đầu phim không nhỏ, nhưng dường như công tác phát hành số phim này chưa được như mong đợi thì phải? Ngay cả những phim của Hãng đoạt giải tại các LHP quốc tế, khán giả Việt Nam cũng hiếm có dịp được xem?

- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được giao nhiệm vụ là sản xuất phim (chức năng sản xuất) để tuyên truyền và lưu trữ cho thế hệ mai sau, còn công tác phát hành số phim làm ra không nằm trong chức năng nhiệm vụ được giao.

Thực sự có quá nhiều tác phẩm tài liệu được giải, thậm chí nổi tiếng ở nước ngoài mà khán giả trong nước lại không hề biết. Chúng tôi biết đến thực tế này, nhưng cũng là lực bất tòng tâm, khi mà chúng tôi không thể lo được “đầu ra” cho tác phẩm của mình.

* Vậy lãnh đạo hãng có thường xuyên theo dõi hàng năm những đứa con tinh thần do hãng làm ra “đi đâu về đâu” không? Phía hãng có những động thái cụ thể nào để phim của mình được biết đến?

- Những năm gần đây, bên cạnh công tác chính là sản xuất phim, hãng cũng rất quan tâm đến công tác phát hành để quảng bá phim của mình đến đông đảo người xem, theo tinh thần chủ động và xã hội hóa mà Đảng, nhà nước ta đang khuyến khích. Tôi cũng xin nói rõ không có chuyện bán phim ở đây, các đối tác chỉ chịu thanh toán chi phí tạo ra bản sao để phát hành. Chúng tôi chấp nhận sự hy sinh này bởi Hãng chỉ có mong muốn phim do các nghệ sĩ của mình làm ra được chiếu cho đông đảo công chúng xem.

Nhằm mục đích cải thiện khâu phát hành, hàng năm chúng tôi thường xuyên cung cấp danh sách những phim hãng mới sản xuất và những phim hãng hiện có cho các nơi. Dựa trên danh sách đó các đối tác chọn lựa phim cho phù hợp với yêu cầu trình chiếu của họ. Nhờ vậy, hàng năm, phim của hãng được chiếu ngày một nhiều hơn trên các đài truyền hình TW, đài truyền hình khu vực, đài truyền hình địa phương ví dụ: VTV, VOV, Đài truyền hình Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... Ngoài ra hãng còn cung cấp cho một số bảo tàng trong nước để chiếu theo chuyên đề trưng bày của bảo tàng, ví dụ Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng Cách mạng. Đồng thời chúng tôi còn cung cấp phim cho Phát hành phim Quân đội để đem đi chiếu cho cán bộ chiến sĩ trong toàn quân và đồng bào các địa phương. Với các việc làm trên thì số lượng phim mà hãng đã cung cấp cho các nơi trong năm 2009 vừa qua, là gần 100 lượt bộ phim (nhựa và video). Một con số theo tôi là khả quan trong thực trạng của điện ảnh tài liệu ở ta hiện nay.

Ngoài các kênh phát hành trong nước những năm gần đây, chúng tôi cũng rất tích cực trong việc đưa phim của mình đi dự các LHP quốc tế như tại LHP châu Á – Thái Bình Dương và đã có 5 giải thưởng cho hạng mục phim tài liệu như: Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1998), Trở lại Ngư Thủy (1999), Chị Năm Khùng (2000), Chốn quê (2001), Còn lại với thời gian (2006). Các LHP trong nước đều được hãng tham dự đầy đủ và đạt được nhiều giải vàng, bạc cho các thể loại như các kỳ Liên hoan phim Việt Nam, Giải Cánh diều của Hội điện ảnh, Giải Báo chí quốc gia… Tất cả các việc làm trên cũng chỉ với mục đích sao cho chỗ đứng của điện ảnh tài liệu được cải thiện ngày càng nhanh chóng hơn.


Đại diện của 6 nước tham gia Tuần phim Tài liệu Quốc tế tại Hà Nội lần thứ 2
 tại buổi họp báo công bố hôm 15/6 tại Viện Goethe – Hà Nội gồm: Italia,
Thụy Sĩ, Đức, Pháp, phái đoàn Wallonie và Việt Nam
* Nhân nói đến chuyện phát phim tài liệu trên truyền hình, hiện nay các chương trình phim tài liệu trên ti vi cũng rất bập bõm. Dường như bản thân các nhà đài cũng không mặn mà lắm với thể loại này lắm thì phải thưa bà?

- Bạn phải hiểu là truyền hình hiện nay là một kênh riêng, ví dụ như Truyền hình Việt Nam VTV tương đương với một Bộ. Họ vận hành hệ thống của họ theo những nguyên tắc của họ. Họ chỉ phối hợp với chúng tôi khi họ cần mà thôi.

Trước đây phim tài liệu thường được phát định kỳ hàng tuần vào lúc 20h trên kênh VTV1 chẳng hạn, nhưng giờ khung giờ này đã thành giờ vàng trên sóng truyền hình. Hiện nay khung giờ này đều đang được “xã hội hóa” nên người ta sẽ khó lòng nhường nó cho thể loại phim tài liệu, chỉ trừ những ngày lễ trọng đại họ phải phát các phim mang tính chính trị.

* Về phía hãng, bà có đề xuất gì để cải thiện tình hình phát hành phim Tài liệu hiện nay không?

- Hiện nay công tác phát hành đã và đang được hãng chủ động. Tuy vậy, công tác phổ biến tác phẩm đến với công chúng chưa thể nói đạt được mọi điều như mong muốn. Chúng tôi cần Nhà nước có thêm cơ chế cụ thể cho công tác này đối với các đơn vị trực tiếp tạo ra sản phẩm như chúng tôi. Cụ thể tôi nghĩ Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một kênh truyền hình riêng cho Điện ảnh, bởi chỉ với kênh truyền hình riêng của ngành mình, Điện ảnh mới có thể chủ động trong việc phát hành quảng bá những sản phẩm mà ngành sản xuất ra (phim truyện, phim tài liệu, phim thiếu nhi…), các đài truyền hình hiện nay đã và đang quan tâm đến công tác này nhưng chưa được thường xuyên và có kế hoạch chiếu cụ thể với các đơn vị sản xuất.

* Với vị trí quá khiêm tốn như hiện nay của điện ảnh tài liệu, phải chăng chúng ta đang lãng phí vốn quý này, thưa bà?

- Đúng là vị trí của điện ảnh tài liệu hiện nay còn quá khiêm tốn so với vị trí đáng lẽ mà nó phải có được. Thực trạng của điện ảnh tài liệu không chỉ ở Việt Nam mới vậy mà các nước khác cũng không hơn gì đâu. Một nhiệm vụ quan trọng của điện ảnh tài liệu là lưu trữ tài liệu cho các thế hệ mai sau, ví như tại hãng chúng tôi hiện có khoảng 12.000 bản phim lưu trữ. Đây là khối tài sản quý giá mà chúng ta không thể có được trong một vài năm. Đặc thù của điện ảnh tài liệu cũng khác. Các phim làm ra không phải chỉ sống được trong một hai năm như phim điện ảnh, có khi những phim tài liệu sống được cả trăm năm. Mỗi dịp cần thì số phim này sẽ lại được lấy ra sử dụng, nếu nhìn vào tính năng sử dụng “trường kỳ” của thể loại này thì sẽ thấy không có chuyện lãng phí với những phim tài liệu do chúng tôi làm ra.

* Xin cám ơn bà.

Truyền hình Pháp dành giờ vàng cho phim tài liệu

Từ năm 2009 Chính phủ Pháp sẽ không cho quảng cáo trên các kênh truyền hình nhà nước. Vào các giờ vàng, thường dành cho quảng cáo, trên những kênh này chúng tôi quyết định chiếu các bộ phim tài liệu thiết thực với đời sống. Chắc bạn ngạc nhiên về chuyện này, nhưng để làm được như vậy chúng tôi cũng đã phải có kế hoạch từ rất nhiều năm trước. Và hơn hết chính phủ thấy sự cần thiết của thể loại phim tài liệu nên đã quyết định bỏ ra một ngân sách rất khổng lồ cho việc làm này. Bởi quảng cáo xưa nay vẫn là nguồn thu chính cho truyền hình, nay bỏ đi, đã không có tiền thu về đồng thời lại phải bỏ tiền ra mua phim tài liệu để phát lấp sóng vào các giờ này. Nhưng tôi nghĩ đây là việc đáng làm. Cũng nhờ có sự mạnh dạn phát sóng phim tài liệu vào các giờ vàng như trên mà hiện điện ảnh tài liệu ở Pháp bắt đầu có được lớp công chúng riêng, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé xem phim tài liệu ở rạp, chứ không chỉ muốn xem phim tài liệu khi được miễn phí như trước đây.

(Ông Philippe Boudoux – Tùy viên Nghe nhìn Đại sứ quán pháp tại Việt Nam).


Việt Tú (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm