PHÁT HIỆN: Kim tự tháp đầu tiên thế giới cách đây 3.000 năm

16/08/2016 14:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ Saryarkinsky đã phát hiện ra cấu trúc một ngôi mộ được xây dựng trước kim tự tháp ở Ai Cập 1.000 năm.

Một tàn tích kim tự tháp mang phong cách của Ai Cập song chưa từng được biết đến trước đó đã được tìm thấy ở vùng Karaganda thuộc Kazakhstan, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 3.900 dặm về phía Đông Bắc.


Tàn tích kim tự tháp có niên đại từ thời kỳ đồ đồng được tìm thấy ở Kazakhstan (trái) và kim tự tháp Djoser ở Ai Cập

Cấu trúc này được cho là giống với kim tự tháp Djoser ở Ai Cập nhưng được xây dựng sớm hơn 1.000 năm.

Thực ra, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tàn tích này từ năm ngoái song vẫn giữ kín cho đến nay. Trong vài ngày tới, các nhà khoa học sẽ khai quật phòng chôn cất của kim tự tháp.

"Cấu trúc này được xây dựng cách đây hơn 3.000 năm cho một "pharaoh" địa phương, người đứng đầu của một bộ lạc trong cuối thời kỳ đồ đồng. Trong vài ngày tới chúng tôi sẽ tiến hành khai quật phòng chôn cất. Tất cả những gì tìm thấy sẽ được chuyển tới bảo tàng khảo cổ của trường Đại học Quốc gia Karaganda. Hình dáng của công trình đồ sộ này gợi chúng tôi nghĩ tới kim tự tháp Djoser nổi tiếng ở Ai Cập" – nhà khảo cổ Viktor Novozhenov cho biết.


Đồ gốm được tìm thấy tại tàn tích kim tự tháp ở Kazakhstan

Phát hiện này cho thấy Kazakhstan từng có một nền văn hóa phong phú. Kim tự tháp bậc thang Djoser là một "viên ngọc" khảo cổ ở nghĩa trang Saqqara thuộc thành phố Memphis, Tây Bắc Ai Cập.

Kim tự tháp Djoser được xây dựng vào khoảng năm 2.700 trước Công nguyên để chôn cất Pharaoh Djoser. Ngoài Ai Cập, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của nhiều kim tự tháp ở Mexico và Trung Quốc. Song đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy kim tự tháp ở Kazakhstan.

Tuấn Vĩ
Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm