(TT&VH Cuối tuần) - Nhiếp ảnh nude (khỏa thân) ở Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện dài với nhiều đa đoan và hệ lụy. Trần Huy Hoan, người đi tiên phong trong lĩnh vực này từ 30 năm trước, nhưng đến nay tất cả những hệ lụy đó vẫn còn nguyên như mới. Có lúc chính nhiếp ảnh gia này đã tỏ lộ: “Ai cũng có câu chuyện của mình. Ai cũng có những khoảnh khắc đau khổ, hạnh phúc. Nếu người nghệ sĩ có cuộc đời an toàn thì tác phẩm của họ cũng sẽ an toàn theo”. Chuyện làng văn nghệ thử lần giở một chút về cái cuộc đời không an toàn này.
Cái nghề thiêu tiền
Trần Huy Hoan tâm sự: “người ta nói đây là cái nghề tiêu tiền, tôi cho là không phải, mà phải nói là nghề thiêu tiền”. Từ năm 1978, nhiếp ảnh gia này đã có những tác phẩm đầu tiên, mà người làm mẫu cũng chính là người vợ thứ nhất. Anh kể rằng lúc ấy mình bị ảnh khỏa thân ám đến mức bỏ làm bỏ ăn, suốt ngày cứ vẽ phác thảo những bố cục hình dung và chụp hình ở trong suy nghĩ. Không thấy phim, không thấy ảnh, nhưng có lúc sung sướng, có lúc bực mình… y như sau này đứng ở trong studio vậy. Giữa lúc lương khô gạo kém, cuộc sống sau thời chiến tranh với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhà nhà tìm kế sinh nhai qua ngày, chụp hình khỏa thân - dù là chuyện riêng tư - nhưng rất dễ bị đồng nghĩa với phá gia chi tử, với chống lại “kế hoạch chung”.
Số phim mà nhiếp ảnh gia này đã mua, đã cắt bỏ, số file đã xóa, chắc không thể nào tính hết được; nhưng nỗi ám ảnh về nghề thì càng dễ sợ hơn. Anh kể rằng có những ngày tháng thiếu thốn, phải chạy vạy làm việc này việc kia, bỏ máy chụp hình vào tủ khóa lại, thậm chí bán nó đi, cố tình quên và có lúc cũng quên được một thời gian. Nhưng bù lại, ánh mắt và con tim thì làm việc gấp bội, bắt gặp một mái tóc đẹp, một bờ vai quyến rũ, một vòng eo chết người… là dùng tâm tưởng chụp ngay. “Có hàng triệu bức hình như thế đã được chụp, và cũng có hàng triệu lần tôi cảm thấy thất vọng vì tâm tưởng của mình không nắm bắt, không ca ngợi được hết cái đẹp” - anh tâm sự. Chính vì thế, mà cũng thật khó buộc anh toàn tâm toàn ý vào những việc khác, dù ở lĩnh vực như quay phim, chụp quảng cáo, trang trí, kiến trúc… Trần Huy Hoan vẫn luôn đắt khách.
Trong lĩnh vực ảnh khỏa thân, Trần Huy Hoan có vẻ quá khắt khe với chính mình, 30 năm thiêu không biết bao nhiêu tiền, đốt không biết bao nhiêu công sức nhưng cũng mới chụp được khoảng 100 tác phẩm, vị chi mỗi năm chụp trung bình được 3 bức. Thời trước, khi đồng tiền khó tiêu, có người làm mẫu xong nhận ở anh chiếc xe đạp để đi dạy, vài xấp vải để tặng bà con, năm bảy chục ký gạo… nói chung đủ thứ nhu yếu phẩm mà anh cũng phải trầy trật lắm mới mua được.
Cái nghề thiêu đời
“Có lúc, tôi tự xem mình như là người có tội - tội chụp hình khỏa thân, có thể dễ dàng bị đồng nghĩa với tội sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy. Có lúc tôi tự nói với mình rằng, bước vào con đường này, xem như mày đã tiêu đời, tù đày hay ra tòa cũng là chuyện đương nhiên thôi. Nhưng tôi cũng biết rằng, nếu đời mình không làm những việc này thì càng đáng mất tự do, càng đáng chết hơn”. Trần Huy Hoan là vậy, xả thân và đam mê đến cuồng nhiệt; một bạn thơ đã viết tặng đơn phương 2 câu khá lãng mạn: “Như một tông đồ của ánh đèn flash / Thiêu đốt đời mình không tiếc thương”.
Ảnh nude của Trần Huy Hoan không đưa ra hình ảnh một phụ nữ cá biệt mà đề cập đến những phận người... |
Trần Huy Hoan kể: “Đã có lúc người ta vác súng đến nhà tôi, cách đây khoảng 25 năm, khi con tôi học mẫu giáo. Người giáo viên dạy con tôi muốn chụp một hình khỏa thân khoảng 15%, nghĩa là mặc váy dài, chỉ hở ngực một chút thôi, như kiểu áo thun cổ rộng bây giờ. Kết quả là anh chồng đại úy ghen, đã vác súng đến nhà tìm tôi để xử tội; sau một hồi ngồi nói chuyện, phân tích lẽ thiệt hư, kết quả anh ta đã vác súng về. Kể ra tôi cũng là người dẻo miệng và chân thật, bởi nếu thiếu một trong hai thứ ấy, nay mộ đã xanh rêu, chẳng ai còn nhớ mình nữa”.
Xem một buổi làm việc của nhiếp ảnh gia này mới thấy được sự ngẫu hứng, nhiều khi sắp đặt hết mọi thứ, phòng chụp, bố cục, người mẫu… nhưng mất hứng lại bỏ ngay, không cố gắng. Nhiều khi gặp một người mẫu có thần, anh lại bỏ hết ý định sắp đặt ban đầu để chạy theo cảm xúc. Tác phẩm của Trần Huy Hoan đi giữa ranh giới mong manh của hội họa giá vẽ và hình chụp, các tư duy và thao tác hòa trộn vào nhau, đậm chất lãng mạn và ấn tượng.
Cái nghề thiêu tình
Trần Huy Hoan lấy 2 câu thơ của Bảo Sinh để nói về cái nghiệp ảnh khỏa thân của mình: "Con ta chưa phải của ta/Tai họa của nó mới là của ta". |
Sau một hồi tâm sự rất nhiều về lẽ thiệt hơn, chuyện nhân tình thế thái, Trần Huy Hoan tiết lộ: “Nói một cách nào đó, tôi thuộc dòng mẫu hệ, theo đạo thờ bà, nên suốt đời chỉ muốn tôn vinh và ca ngợi phụ nữ Việt Nam. Với ai và với lần yêu nào tôi cũng chân tình, nồng nhiệt, yêu là muốn sống với nhau mãi mãi. Nhưng khi cảm thấy điều gì đó rạn nứt, nghi hoặc, tôi sẽ dừng lại ngay, để hai bên được tự do. Đời tôi có quá nhiều lận đận, bao nhiêu người phụ nữ thương thì bao nhiêu người cũng ra đi. Dường như tất cả phụ nữ của cuộc đời tôi đều giống nhau, họ chỉ ra đi với một lý do nào đó, dù không thật, nhưng không bao giờ nói với tôi là do nghề nhiếp ảnh khỏa thân. Nhưng tôi biết lý do chính vẫn là ở nghề ảnh này, họ đã từng là người mẫu của tôi, nên hiểu và không cam lòng khi thấy tôi thuê người mẫu khác”.
Trần Huy Hoan đã làm việc với hơn 100 người mẫu, thường là những phụ nữ bình thường trong cuộc sống, trong số đó có khoảng 15 người là cộng tác thường xuyên. Anh cũng cho biết có khoảng 50% phụ nữ muốn chụp rõ mặt, còn lại thì không, nhưng gần như phần lớn tác phẩm của anh là không chụp mặt. Quan điểm của anh, ngoài chuyện giữ gìn nhân thân cho người mẫu, thì điều quan trọng hơn là không muốn nói đến một phụ nữ nào đó cá biệt, mà là những phận người, những không gian sống ở đồng bằng Bắc bộ đang bị đô thị xâm thực, các vẻ đẹp bị tàn phai.
Trần Huy Hoan, qua nụ cười rất tươi của mình, luôn cho người đối diện thấy rằng dù lận đận với khá nhiều phụ nữ, nhưng niềm yêu, sự tôn thờ, ngợi ca là không bao giờ đủ. Cái cảm thức về người phụ nữ Việt gần như trở thành hình tượng, là dưỡng chất của chính tinh thần tác giả. “Với nhiều người, nhiếp ảnh khỏa thân là công việc tế nhị và vụng trộm, luôn phải giấu vợ, giấu người yêu. Nhưng tôi thì không thể và không thích vụng trộm, bởi tôi biết rằng nếu mình vụng trộm thì tác phẩm cũng sẽ vụng trộm” - Trần Huy Hoan kết thúc cuộc trò chuyện bằng một câu như thế.
Văn Bảy (ghi)