30/10/2008 07:38 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Trước thông tin bộ phim Chạy án của VFC được vinh danh tại LHP Truyền hình Quốc tế Tokyo, nhà văn Như Phong (tác giả kịch bản) vẫn tỏ ra khá bình thản. Ông trao đổi với TT&VH về vấn đề này, cũng như một số chuyện hậu trường quanh kịch bản Chạy án.
* Ông đón nhận tin vui này như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Như Phong |
Tất nhiên, ở một LHP Quốc tế, phim của chúng ta được Ban giám khảo của họ chọn đi dự giải và đánh giá tích cực thì cũng là vui rồi. Còn giá trị giải thưởng đến mức nào, điều này đánh dấu được gì trong cái mốc của phim truyền hình Việt Nam... thì hãy cứ từ từ, để mọi việc rõ ràng đã (cười).
*Thật ra, seris Chạy ánđược mang đi dự thi chỉ là phần một (22 tập) của bộ phim này. Ông có thấy thiệt thòi cho ... Chạy án2 (27 tập) không?
Tôi cũng không hiểu vì sao tại LHP này chỉ có Chạy án 1 dự thi mà không phải là toàn bộ 49 tập phim. Hình như, đó là do Ban giám khảo của phía LHP Tokyo lựa chọn. Thật lòng, nếu để so sánh thì tôi thích Chạy án 2 hơn. Phần 2 sát với thực tế cuộc sống và ở đó, các xung đột được đẩy lên cao trào.
* Đến giờ, rất nhiều khán giả vẫn thắc mắc về việc tại sao bộ phim Chạy án lại được tách thành 2 phần, chứ không được triển khai thành một chùm phim liền mạch và thống nhất…?
Nhiều người tưởng rằng vì phim Chạy án thành công, nên tôi mới "kéo" ra thêm phần 2 với 27 tập nữa. Hiểu vậy là không đúng, vì phần một mới chỉ là "đặt vấn đề" cho câu chuyện thôi. Chuyện là thế này: năm 2005, tôi viết xong tiểu thuyết Chạy án tập 1. Chị Thùy Linh bên VFC (Hãng phim truyền hình Việt Nam) giục tôi chuyển thể thành kịch bản ngay để kịp triển khai sản xuất. Vậy là tôi phải tạm dừng viết Chạy án tập 2 để tự chuyển tập 1 của tiểu thuyết thành 22 tập phim truyền hình. Mọi chuyện là như vậy, nên 2 phần phim mới có sự gián cách.
* Hiện tại, so với các tiểu thuyết và kịch bản phim khác của ông, Chạy ánvẫn được mọi người biết tới nhiều nhất. Ông có bằng lòng với điều ấy không?
Có lẽ, trong những sáng tác của mình, tôi vẫn hài lòng nhất với tiểu thuyết Bí mật những cuộc đời (cũng đã được chuyển thể thành kịch bản truyền hình). Trong khi đó, đúng là độc giả vẫn hào hứng với Chạy án nhất, chắc bởi bối cảnh và tính thời sự của nó. Tôi nghĩ, trong nghề văn, những chuyện vượt ra ngoài ý muốn tác giả như vậy là hoàn toàn bình thường. Nhiều lúc, tôi vẫn nói vui với bạn bè rằng nghề viết cũng như đi câu. Câu đều đặn, nhưng trúng được con cá lớn thì ngoài tay nghề sát cả vẫn phải cần tới cơ duyên nữa (cười)
* Câu hỏi cuối cùng: mọi người nói rằng tiền bản quyền Chạy ánđã giúp tác giả của nó sắm một chiếc ô tô, điều này có đúng không?
Chẳng có gì phải giấu về mức thù lao cả: 2 tập tiểu thuyết Chạy án hơn 1000 trang của tôi được mua bản quyền trọn gói với giá 80 triệu đồng. Còn mỗi tập phim Chạy án thì được vài triệu. Năm ngoái, tôi mua ô tô bằng tiền nhuận bút thật. Nhưng đó không phải là chỉ là tiền của Chạy án. Bạn biết đấy, cho đến giờ tôi viết vài bộ tiểu thuyết và tổng cộng 97 tập phim truyền hình. Trừ khoản nọ khoản kia, cuối cùng chỗ tiền còn lại cơ bản cũng đủ để mua một chiếc ô tô. Mà chỉ là một chiếc xe Ford chạy dầu thôi.
* Xin cảm ơn ông
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất