Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và cơ duyên với... rồng

07/04/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hết Kinh đô rồng (tập đầu trong bộ trường thiên tiểu thuyết Thăng Long ký), Trường ca về thành phố rồng bay (Kịch bản đêm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long), Nguyễn Khắc Phục một lần nữa quay trở lại với biểu trưng này trong kịch bản lễ hội Vận hội năm rồng sẽ diễn ra vào tối 19/4 tới tại Làng Văn hóa các dân tộc VN (Đồng Mô, HN).

Là điểm nhấn quan trọng nhất tại Liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam (18-19/4/2012), Vận hội năm rồng được dàn dựng trên sân khấu nổi tại Đồng Mô và được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, VTV5. Tác giả Nguyễn Khắc Phục cho biết:


Nhà văn Nguyễn Khắc Phục

- Tôi quay trở lại với hình tượng rồng không phải chỉ vì lễ hội diễn ra vào năm 2012. Thực tế, trong vài năm qua, nền kinh tế - xã hội của chúng ta đang gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng lịch sử Việt Nam cho thấy: mỗi lần ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta lại có thêm động lực để tự nâng cao nghị lực và đưa xã hội bước sang một giai đoạn vận động mới với những sức sống mới. Bởi thế, không có gì lạ khi các thử thách mà cuộc sống đặt ra cũng lại là một vận hội để chúng ta vươn lên và khẳng định sức sống của mình...

Bởi thế, với chủ đề Vận nước năm rồng, đêm hội sắp tới sẽ bao gồm 3 chương Đặc sắc Văn hóa chợ Việt Nam, Phơi phới sức thanh xuân, Vận nước năm Rồng, Sen hồng rực rỡ - Tầm nhìn và khát vọng bay lên.

* So với hàng trăm kịch bản lễ hội khác, đâu là điểm nhấn riêng của kịch bản lần này?

- Điểm quan trọng của Liên hoan văn hóa các dân tộc cũng như trong đêm tôn vinh nằm ở việc tập trung khai thác “không gian chợ” từ hình ảnh các buổi chợ truyền thống tại Việt Nam. Từng đi khá nhiều nơi và có mặt tại nhiều chợ quê, tôi khá ngạc nhiên khi chúng ta hiện vẫn chưa có những chương trình biểu diễn khai thác “tới nơi tới chốn” sự đặc sắc và phong phú của các phiên chợ Việt. Đó là kết tinh của văn hóa trong từng cộng đồng dân tộc, bởi chợ vừa là nơi mua bán trao đổi hàng hóa vừa là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Bởi thế, trên mặt nước hồ Đồng Mô, người xem sẽ lần lượt đến với hình ảnh các buổi chợ vùng cao, chợ đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, chợ nổi Nam Bộ... dưới một tiết tấu phù hợp với sự trẻ trung và đầy sức sống.

* Rất nhiều người nói tới mặt trái của việc “sân khấu hóa” các kịch bản lễ hội trong những năm vừa qua. Liệu Vận hội năm rồng sẽ “né” khỏi “vết xe đổ này” như thế nào?

- Xin nói luôn: trong lễ hội này có tới hơn 200 đồng bào dân tộc đóng vai trò các diễn viên nghiệp dư. Số diễn viên chuyên nghiệp làm nòng cốt chỉ chiếm số lượng rất ít và đảm nhiệm những phần biểu diễn đòi hỏi tính chuyên nghiệp.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Sơn Tùng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm