“Nhà cộng đồng” thôn Suối Rè: Một “đình làng” đa năng, hiện đại

20/12/2010 11:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau 15 tháng thi công, chiều qua, 19/12 công trình Nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình do KTS Hoàng Thúc Hào và Công ty 1+1>2 thể hiện ý tưởng và thi công đã chính thức được khánh thành trước sự chứng kiến đông đảo của giới KTS đến từ Hà Nội, sinh viên đang theo học ngành Kiến trúc (Đại học Xây dựng) và bà con nhân dân thôn Suối Rè, xã Cư Yên. 
 
Nhà cộng đồng đa năng nằm trên lưng chừng một quả đồi thôn Suối Rè. Toàn bộ không gian và tiện ích của từng yếu tố trong ngôi nhà được dựng nên bởi “bản giao hưởng” của các loại vật liệu sẵn có ngay bên cạnh như đá, đất, tre, lá, không khí, gió, nắng và âm thanh núi rừng... 
 
“Bản giao hưởng” của vật liệu địa phương  
 
Nhà hai tầng liên thông, mỗi tầng rộng 90m2. Nhìn từ dưới chân đồi lên, thoạt tiên nhiều người ngỡ KTS Hoàng Thúc Hào “nhái” nhà trình tường của người Hà Nhì ở Lào Cai vì tường nhà được trát bằng đất, lợp bằng lá cọ nom như một cây nấm hình chữ nhật úp xuống lưng chừng đồi.  
 
Đứng ở sân bóng chuyền quan sát một vòng, có người lại tấm tắc ví không gian kiến trúc như một “resort” vì vạt taluy vát ngước lên theo cầu thang đá được trồng cỏ tự nhiên xanh mượt, phẳng phiu, hàng “cau nhà” được trồng thẳng tắp dọc theo mái hiên. Thành ta-luy phía trước, lưng đồi phía sau và hai bên trái, phải tạo thành một lòng chảo bao quanh ngôi nhà để tận dụng địa nhiệt, giữ ấm cho ngôi nhà vào mùa Đông.  

 

Mặt bên “Nhà cộng đồng” thôn Suối Rè  
 
Nhưng, nếu như nhà trình tường của người Hà Nhì có bộ khung nhà khá đơn giản, vì kèo cơ bản là kiểu ba cột, không có cửa sổ, cửa ra vào cũng ít, phổ biến là chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên...; thì “Nhà cộng đồng” đa năng ở thôn Suối Rè có nhiều cửa sổ và cửa chính, nhất là tầng hai và hoàn toàn được đan bằng tre nứa. Chính vì lẽ đó nên dù người lớn hay trẻ em xuống tầng trệt đọc sách, học hành cũng không phải bật điện mà vẫn đủ ánh sáng. Thế nên, dù trên nóc nhà “lợp” sẵn pin mặt trời nhưng rất ít khi phải đụng đến nguồn năng lượng này, hoặc có dùng cũng chỉ dùng vào buổi tối.  
 
Tầng trệt của ngôi nhà thoạt nhìn lại có người liên tưởng đến những bờ rào đá của người Hà Giang chứ không chỉ là sự pha trộn giữa kiến trúc người Kinh và người Mường hay với một dân tộc nào khác vì toàn bộ tường, cột tầng trệt đều được làm bằng đá. Tới mùa Hè, ngoài đường hầm đối lưu gió từ sân trước thông với tầng trệt, khoảng elip thông tầng, mái lấy sáng kết hợp thành chuỗi không gian mở liên hoàn, những hàng cột đá, bờ tường đá này sẽ phát huy công năng của nó là “làm mát” hay nói cho đúng hơn là “tản nhiệt địa” cho tầng trệt ngôi nhà, giúp ngôi nhà được thoáng mát...  
 
Ngôi đình làng đa năng 
 
Nếu như công trình Nhà cộng đồng tại thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang (Đà Nẵng) được xây dựng nhằm mục đích phòng tránh thiên tai thì nhà cộng đồng thôn Suối Rè được xây dựng không chỉ nhằm mục đích tránh gió bão, lũ quét mà còn nhằm lưu giữ lại những không gian sinh hoạt cộng đồng vốn dĩ ngày nay đang ngày càng lỏng lẻo và có nguy cơ tan rã tại các thôn bản vùng núi, vùng sâu, vùng xa...  
 
KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: “Tôi nảy ra ý định này là muốn tạo ra một không gian sinh hoạt cộng đồng dạng... đình làng như ngày xưa. Tuy nhiên, có thể nói vui là ngôi đình này không có chức năng tín ngưỡng nên rất hiện đại và đa năng.  
 
KTS Hoàng Thúc Hào bên “Nhà cộng đồng”  
 
Có thể kể ra vài công năng của nhà dành cho tất cả người dân như: Nhà cộng đồng đồng thời cũng là nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho các em nhỏ; là không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể thao hàng ngày cho tất cả mọi người; là một thư viện nhà nông với rất nhiều đầu sách liên quan đến nông nghiệp nông thôn cho bà con dân bản rỗi rãi đến đọc; và tới đây, sau khi lắp đặt xong trạm Internet, nhà cộng đồng sẽ là nơi mang cả thế giới đến với bà con dân bản chỉ cần một cú... nhấp chuột.  
 
Ngoài ra, “ngôi đình bậc nhất Suối Rè” này hiện đại là bởi nó được trang bị hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, đèn led tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang không ô nhiễm môi trường”.  
 
Mới đầu, khi chứng kiến công trình khởi công, không chỉ những người trong cuộc như KTS Hoàng Thúc Hào lo lắng mà ngay đến cả người dân trong thôn cũng đứng ngồi không yên với công trình này. Ông Nguyễn Văn Lành, Trưởng thôn Suối Rè, người từ nay sẽ có nhiệm vụ trông nom, bảo quản ngôi nhà, xúc động nói: “Ban đầu, tôi và rất nhiều người trong thôn rất hồi hộp vì không biết sau khi làm xong ngôi nhà này thái độ của người dân tiếp nhận ngôi nhà như thế nào. Rất may là càng làm, công trình càng thuyết phục được sự tin tưởng của người dân. Đừng tưởng hôm nay khánh thành thì từ hôm nay người dân mới được vào chơi, các cháu được thỏa thuê đọc sách mà ngay khi nhà làm chưa xong, người dân và các cháu đã... sinh hoạt nhẵn sàn nhà rồi. Hy vọng, nhiều thôn nữa trong xã cũng như ngoài xã, tiến tới sẽ có được những ngôi nhà cộng đồng như thế này...”.  
 
Thông điệp cho kiến trúc công cộng ở nông thôn  
 
PGS-TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng viện Quy hoạch - Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá: Nhà cộng đồng thôn Suối Rè tuy quy mô bé nhỏ nhưng tiếng nói của nó thì lại không nhỏ. KTS Hào đã gửi gắm vào công trình một thông điệp quan trọng là chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo bằng vật liệu của địa phương, vật liệu ngay bên cạnh ta có. Điểm thứ hai là công trình này đã tổ chức được một không gian có vóc dáng của một ngôi nhà của người Mường pha trộn “hồn cốt kiến trúc” của người Kinh. Mặc dù gửi gắm những yếu tố truyền thống như vậy nhưng KTS đã xử lý được không gian rất hiện đại, phong phú cả bên ngoài lẫn bên trong”.  
 
Công trình này đã chứng tỏ rằng khi chúng ta nắm vững được ngôn ngữ của kiến trúc hiện đại mà biết lồng ghép nó trong “khung cảnh địa phương” thì hoàn toàn có thể tạo ra được “một ngôn ngữ kiến trúc” hoàn toàn mới lạ nhưng lại có tính khả thi cao. 
 
 Đáng được nhân rộng  

“Cái đơn giản nhưng hữu ích của nhà cộng đồng thôn Suối Rè gợi lên cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ là phải làm sao đó đưa kiến trúc vào phục vụ đời sống nhân dân nhất là khi đồng bào ta có tới 70- 80% là nông dân. Mô hình nhà cộng đồng thôn Suối Rè đã bám sát đời sống thực tế để phục vụ cho đời sống bà con nhân dân Suối Rè. Đây là một hình mẫu kiến trúc tốt, hoàn toàn khả thi, đáng được nhân rộng và trở thành một phong trào xây dựng nhà cộng đồng trong từng thôn xóm Việt Nam, từ đó nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc” (Phát biểu của KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
 
Huy Thông 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm