Nguyễn Hữu Hồng Minh: Khi nhà thơ 'ăn bóng'

06/10/2013 13:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Thành danh với thơ nhưng vài năm gần đây Nguyễn Hữu Hồng Minh lại viết văn xuôi khá nhiều. Sau tập truyện Ổ thiên đuờng, anh vừa xuất bản tập truyện Nguời ăn bóng (NXB Hội Nhà văn) và sắp in Ruồi nhiệt đới.

Nguyễn Hữu Hồng đã chia sẻ với TT&VH khi anh không in thơ nữa mà chuyển sang viết truyện.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

* Anh được biết đến như một nhà thơ nhưng bây giờ chỉ xuất bản văn xuôi?

- Thường với một người viết lách, bắt đầu từ một nhà thơ sau đó là… viết văn xuôi. Có lẽ tiến trình đi từ cảm xúc, thăng hoa, tuôn trào với thơ, sau đó khô cạn, nhạt nhẽo, tầm thường hóa thì lại trở về với văn xuôi (!?). Từ cái bay bổng, lớn lao trở về cái quái chiêu, vặt vãnh.

Tôi thì ngược lại! Khởi đầu là viết văn xuôi. Những truyện ngắn đầu tiên trong đó có truyện Nước mắt trong đã đoạt giải Ba truyện ngắn Tác phẩm Tuổi xanh lần thứ nhất của báo Tiền phong năm 1990. Ban giám khảo là nhà văn Nguyên Ngọc và một số nhà văn uy tín khác. Giải thưởng này đã đưa ra một loạt các cây bút triển vọng theo thời gian trở thành những tên tuổi bây giờ như Đỗ Hoàng Diệu, Hoàng Tố Mai, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến…

* Với khởi đầu khá thuận lợi với văn xuôi như vậy tại sao cuối cùng anh lại chọn thơ?

- Từ những năm 1980, ở cửa biển Đà Nẵng, nhà tôi cũng như một cửa ngõ mở vào thế giới thi ca, thường được các nhà thơ trong Nam ngoài Bắc ra vào thăm viếng. Lý do cha của tôi là nhà thơ Đông Trình, bạn viết cùng thế hệ Ngô Kha, Trần Quang Long, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Tôi còn nhớ những buổi đàm đạo thi ca của các thi sĩ nổi tiếng mà cha tôi thường bảo tôi gọi là các bác, các chú như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Phùng Quán… Và tôi còn theo cha gặp gỡ, tiếp xúc với các buổi nói chuyện thơ của Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Đình Thi… khi các ông có dịp về giao lưu ở Đà Nẵng. Có lẽ vì thế mà thơ thấm vào mình từ lúc nào không biết.


Người ăn bóng

* Nhưng với Ổ thiên Đường, Người Ăn bóng và sắp tới Ruồi nhiệt đới… một nhà thơ lại dấn thân quyết liệt vào văn xuôi. Liệu có “gAy cấn” hay mâu thuẫn nào không khi nhà thơ không in thơ mà lại xuất bản văn xuôi?

- Hiện nay, thơ và người đọc đang tạo thành một khoảng cách. Tôi vẫn nghĩ nhà thơ là những con sói cô độc, buồn bã và lang thang. Văn xuôi ít ra là những viên thuốc ngủ, uống để lãng quên hay một liệu pháp giải thoát cho những người còn hành nghề viết lúc này. Ví như vẫn có nhiều đơn vị đặt mua bản thảo văn xuôi in ấn, phát hành. Chứ như thơ là vô vọng. Việc xuất bản các tác phẩm thơ khi các nhà thơ phải bỏ tiền túi, phải lo mọi thủ tục in ấn - phát hành lúc này với tôi như bước lên “đoạn đầu đài” vô vọng!

“Ngày xưa đọc một truyện ngắn như uống một cốc rượu tinh túy đầy hương vị, còn bây giờ như uống một ly nước mát lạnh. Đời hơn, tầm thường hơn nhưng đa dụng hơn” (Nguyễn Hữu Hồng Minh).

* Tập truyện mới nhất Người ăn bóng có độ dài vừa đủ mà anh gọi là “những chuyện nhỏ”. Hiện nay, có nhiều tác giả thích viết truyện “cực ngắn”, với anh “những chuyện nhỏ” đuợc hiểu như thế nào?

- Tôi nhận thấy văn xuôi có nhiều thay đổi ngầm. Ví như các đặc tính đặc thù của nó đã mở rộng không còn khép kín. Ngày xưa đọc một truyện ngắn như uống một cốc rượu tinh túy đầy hương vị, còn bây giờ như uống một ly nước mát lạnh. Đời hơn, tầm thường hơn nhưng đa dụng hơn. Tôi gọi là “những chuyện nhỏ” để phá tan rào cản giữa chuyện và truyện! Khi không còn khoảng cách với bạn đọc những tâm hồn dễ tìm đến với nhau hơn chăng?

* Trong Người ăn bóng, anh muốn gửi thông điệp gì đến nguời đọc, phải chăng là muốn trình bày một góc khác về chính anh?

- Nhà văn và bạn đọc là hai biên giới có thể dựng lên những hố ngăn cách mà cũng có thể kéo gần lại sự chia sẻ như những tâm hồn bí mật tìm nhau. Hãy để những câu chuyện, thắp lửa lên trong tâm hồn chúng ta chứ không nên dùng những rào chắn. Viết càng ngắn lại càng dễ đọc vì… ít tốn thời gian của bạn đọc. Nhưng sẽ vô cùng khó nếu nhà văn không có nội lực. Nhiều cây bút chọn lối viết ve vuốt sự suồng sã và rởm đời của thói thường con người, tôi không chọn lối đó. Đành phải “ăn bóng” mình thôi!

TRẠC TUYỀN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm