"Mặt trái" của thiên tài Beethoven

17/09/2011 11:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ludwig van Beethoven (1170-1827) là một người khổng lồ về âm nhạc. Ông đã được mô tả qua vô số bức tượng bán thân. Song nhiều người vẫn tò mò muốn biết vẻ hình dạng và tính cách thực sự của ông.

John Russell, một quý tộc Anh sống cùng thời với Beethoven, mô tả ông là người “tóc tai bù xù, luộm thuộm”, thân hình ốm yếu và “không hòa nhập được với xã hội”.

Luộm thuộm, cục cằn nhưng hấp dẫn phụ nữ

Tại quê hương Bonn (Đức) của ông, có một bức tượng bán thân màu trắng mô tả Beethoven trong những năm cuối đời ở Vienna (Áo). Tuy nhiên, hình dạng đích thực của ông lại gần như khác hoàn toàn so với hình tượng được lý tưởng hóa này.

Michael Ladenburger, Giám đốc Beethoven House ở Bonn, cho biết: “Beethoven chỉ cao 1,6m, là một người đàn ông xấu xí, gương mặt rỗ hoa và lúc nào trông cũng nhếch nhác, nhưng ông lại rất có sức hút với phụ nữ”.

Thế hệ sau “sùng bái” Beethoven là một người khổng lồ âm nhạc. Nhưng qua sự miêu tả của những người cùng thời, hay qua những bức thư và sổ ghi chép trong những năm cuối đời, người ta lại thấy ông là một người hài hước, có “tâm hồn” ăn uống, luộm thuộc và bất trị. Ông là một nghệ sĩ nhạy cảm và là một người bạn cục cằn nhưng tốt bụng.

Beethoven là người có bản tính hay gắt gỏng, dễ cáu và thường xa lánh mọi người. Nhưng khi chuyển tới Vienna, ông nhanh chóng tìm được người bảo trợ và giao du với giới quý tộc đầy ảnh hưởng. Ông đã chấp nhận mặc những bộ trang phục thanh lịch và thậm chí còn cưỡi ngựa.

Ông thường xuyên chuyển từ nơi này đến nơi khác như một người du cư. Mùa Hè, ông rời Vienna về vùng nông thôn. Sau đó, đến mùa Thu ông lại trở về Vienna, nhưng sống trong một căn hộ mới. Ông không có đủ tiền để sắm một ngôi nhà ở thành phố hay nông thôn.

Khi nói về những người khác, Beethoven không bao giờ dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, tử tế. Ông hay ăn nói thô tục với người bạn là nghệ sĩ vĩ cầm Ignaz Schuppanzigh. Trong một bức thư gửi cho anh trai là Johann viết ngày 19/8/1823, Beethoven gọi anh là “một kẻ vô lại đáng thương”. 

Theo ông John Russel, Beethoven thể hiện cá tính của mình ở bất cứ đâu. Ông thường xuyên tới một quán rượu, “nơi ông ngồi cả buổi chiều trong một góc, uống rượu và bia, ăn phô-mai, cá trích muối hun khói và đọc báo”. Một lần, nhìn thấy một người đàn ông bước vào quán với bộ mặt "dễ ghét", Beethoven liền nhổ nước bọt xuống sàn rồi lao ra khỏi quán, hét lên: “Sao lại có bộ mặt đểu giả thế nhỉ!”.

Yêu lãng mạn và cuồng si

Tính cách và ngoại hình của ông đã phần nào được giải đáp, nhưng nhiều người muốn biết mối quan hệ của Beethoven với phụ nữ. Ông chưa bao giờ kết hôn, nhưng đã say mê nhiều cô học trò thuộc giới quý tộc. Người hầu đồng thời là nhà viết tiểu sử về ông - Anton Schindler tin rằng ông có rất nhiều “mối quan hệ lãng mạn”. Nhưng đối với nhiều phụ nữ quý tộc trẻ, kết hôn với một người bình dân là điều không thể.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những trang viết rất lãng mạn trong di cảo của ông. Song cho đến giờ, người ta vẫn không rõ Beethoven viết cho người phụ nữ nào: “Nằm trên giường, anh chỉ nghĩ về em, tình yêu vĩnh cửu của anh, nghĩ đến những lúc chúng ta vui vẻ bên nhau và nghĩ đến cả những chuyện buồn… Anh cứ nghĩ vẩn vơ như vậy cho đến khi có thể bay vào vòng tay của em…”.

Beethoven - con người luộm thuộm và cục cằn?

Cô đơn và muốn tự vẫn

Beethoven có dấu hiệu bị điếc vào đầu năm 1796. Ông cảm thấy ngày càng cô đơn và bắt đầu tránh xa mọi người và thế giới bên ngoài.

Trong bức thư ông viết cho các anh em trai của mình năm 1802, Beethoven - lúc đó 31 tuổi - mô tả sự tuyệt vọng khiến ông nghĩ đến chuyện tự vẫn. Bản tính là người sôi nổi, nhưng ông lại buộc phải sống trong cảnh cô đơn. Nói chuyện với ai đó ông thường phải nói “hãy nói to lên bởi vì tôi bị điếc!”.

Trải qua thời kỳ đau ốm kéo dài và do bệnh điếc ngày càng nặng, Beethoven trở nên cáu gắt. Sau này, ông buộc phải dùng một cuốn ghi chép nhỏ để coi đó như cách giao tiếp với mọi người.

Song, có một sự thực rõ ràng rằng, Beethoven đã phải chống chọi với những điểm yếu cùng những bất hạnh trong cuộc đời mình để vươn lên, và gặt hái thành công tuyệt vời trong sự nghiệp sáng tác. Beethoven được công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất của nhân loại.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm