'Khi ta mơ quá lâu' với 'Vợ người ta'

03/01/2016 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Singapore một lần nữa lại khiến người Việt so đo mong ước khi người dân nước này tỏ ra quan tâm đến chính trị, xã hội một cách nghiêm túc, ít nhất là qua xu hướng tìm kiếm Google. Trong khi đó, người Việt say sưa tìm kiếm bài hát thị trường Vợ người ta.

Xấu hổ vì Vợ người ta, chúng ta hướng cái nhìn thèm thuồng sang “nước người ta". Hai cụm từ này tưởng như chẳng hề liên quan đến nhau, nhưng thực ra cùng phản ánh tâm lý muôn thuở: của người ta luôn ưu việt hơn của mình.

Chúng ta hướng cái nhìn sang một đất nước nhiệt đới khác, Singapore, và đặt câu hỏi tại sao chúng ta không được như họ. CSI Singapore, Lý Quang Diệu - người Singapore đặt 2 mối quan tâm này lên hàng đầu. Một là chỉ số ô nhiễm không khí. Một là nhà lãnh tụ vừa qua đời. Chúng ta xuýt xoa, “dân trí họ thật cao”.

Nhưng chính Singapore cũng từng có một quá khứ chán chường. Người dân ở xứ sở đó từng có những tháng ngày hoang mang về tương lai không kém những xứ sở khác.


Khi ta mơ quá lâu, cuốn sách lý giải một phần cho con đường phát triển của đất nước Singapore ngày nay

Trong Khi ta mơ quá lâu của Goh Poh Seng, tiểu thuyết được đánh giá là “cuốn sách đầu tiên đi sâu vào căn tính Singapore”, nhà văn đã điểm mặt không chỉ một thế hệ của Singapore mất niềm tin vào tương lai. Đó là bố con nhân vật chính Kwang Meng, những con người vô cùng chán chường ở thập niên 1960. Họ tin mình sinh nhầm thời, sẽ sống một cuộc đời nhàm chán và thất bại. Họ không đọc, không học hỏi và chìm sâu vào bi quan.

Những biến động lớn trong cuộc đời khiến Kwang Meng gần như gục ngã nhưng khiến anh mong manh nhận ra: không thể mãi mãi đổ lỗi cho hoàn cảnh còn bản thân mình không thèm cố gắng. Sự giác ngộ đến trong cơn tuyệt vọng cùng quẫn nhất, anh nói với một phụ nữ lạ trên phố: “Vâng, thưa bà, tôi sẽ đi nhanh hết sức”.

Tưởng như đó chỉ là câu nói đơn giản về chuyện đi lại? Nhưng không, tác giả chọn câu văn đó để kết thúc tác phẩm. Nó cho thấy cuối cùng người trẻ Singapore ngày ấy cũng nhận ra vấn đề nằm ở bản thân mình. Một luồng ánh sáng, dù chưa thật rõ ràng, nhưng hé lộ một tương lai khác biệt. Tương lai đó chính là đất nước Singapore ngày nay.

Trở lại với thông tin Vợ người ta ở đầu bài. “Google chứng thực dân trí thấp rồi, đừng gân cổ cãi nữa” - một bài báo giật tít về nó, được đông đảo độc giả đồng tình vì thỏa mãn được thói “tỏ ra bức xúc và vô can” - tâm lý mà cây bút bình luận xã hội Đặng Hoàng Giang đã gọi tên rất trúng.

Nhưng không ai vô can cả. Đừng quên tổng kết của Google là “thành quả” chung của một cộng đồng. Nếu chúng ta cũng thuộc cộng đồng đó, đừng tỏ ra vô can. Trong lúc “giới trẻ” (như nhiều người quy kết) mê man Vợ người ta, những người chỉ trích đã tìm kiếm những từ “dân trí cao” hơn chưa? Và tìm kiếm đủ nhiều chưa?

Khi nói “nước người ta”, đừng chỉ nhìn vào hiện tại (mà chúng ta cho là) rực rỡ của họ. Hãy nhìn vào họ theo chiều dài lịch sử (việc này đòi hỏi nhiều công sức tìm hiểu hơn, và quá trình tìm hiểu đó cũng giúp dân trí cao hơn thì phải). Đừng bĩu môi “dân trí thấp” và cũng chẳng cần gân cổ cãi, hãy tự hỏi bản thân mình đã làm gì để trí tuệ của chính mình cao lên.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm