Elizabeth Gilbert thành công bắt đầu từ tuyệt vọng...

05/08/2008 02:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Hành trình vô định của một phụ nữ trong nỗ lực tìm lại nguồn vui cuộc sống sau cuộc khủng hoảng tinh thần nặng nề đã giúp Elizabeth Gilbert trở thành 1 trong 4 nhà văn được đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008 do tạp chí Time bình chọn.
 
 Bìa tác phẩm Eat, Pray, Love...
của Elizabeth Gilbert
Elizabeth Gilbert thực sự “gây chấn động” giới văn chương với cuốn tự truyện Eat, Pray, Love: One Woman’s Search For Everything Across Italy, India And Indonesia (NXB Viking - 2006). Thành công của Eat, Pray, Love... là tác phẩm này gây ấn tượng với độc giả không phải bằng những thủ pháp thông thường như đánh vào cảm giác mạnh, khêu gợi những bản năng hay thú tính tầm thường. Vấn đề mà nó đặt ra đầy mới mẻ và thời sự... Cố gượng dậy sau vụ ly dị người chồng đầu tiên, Elizabeth Gilbert quyết định dành một năm đi qua Italia, Ấn Độ và Indonesia để tìm kiếm những trải nghiệm mới cho sự nghiệp sáng tác của mình, dù khi đó chị đã 34 tuổi... Ngay sau khi xuất hiện tại các hiệu sách, cuốn tự truyện này lập tức có tên trong danh sách các tác phẩm ăn khách thể loại không hư cấu trên tờ New York Times. Eat, Pray, Love... còn được hãng Paramount Pictures chọn chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh với diễn xuất của “Người đàn bà đẹp” Julia Roberts. Tác phẩm thứ tư này của chị được tạp chí Entertainment Weekly suy tôn là “1 trong 10 tác phẩm không hư cấu hay nhất năm 2006” và đã đến với khoảng 5 triệu độc giả ở 36 quốc gia, đa phần là độc giả nữ.

Khi mới 18 tuổi, Elizabeth Gilbert đã bắt đầu gửi đăng các truyện ngắn của mình, với mục đích mà như chị nói là “phải đem đến cho công chúng một cái gì đó trước khi chết”. Nhưng đáp lại, mấy năm sau đó, chị chỉ nhận được những lá thư từ chối. Mãi đến năm 1993, tạp chí Esquire mới chọn đăng truyện ngắn Pilgrims của Elizabeth Gilbert với lời quảng cáo “Sự ra mắt của một nhà văn Mỹ” và ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng yêu văn chương. Elizabeth Gilbert là nhà văn đầu tiên chưa có tác phẩm xuất bản xuất hiện trên Esquire kể từ sau Norman Mailer (1923 - 2007) hồi năm 1964. Pilgrims được nhà văn, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Annie Proulx ca ngợi là “tác phẩm của một tài năng trẻ rực sáng”. Thành công của Pilgrims giúp Elizabeth Gilbert có công việc viết báo khá ổn định cho nhiều tạp chí có uy tín như SPIN, GQ, New York Times Magazine, Allure, Real Simple, Travel + Leisure.
 
Elizabeth Gilbert sinh ngày 18/ 7/1969 trong một gia đình nông dân ở Connecticut (Mỹ). Năm 1991, chị tốt nghiệp ngành Khoa học chính trị tại Đại học Tổng hợp New York. Cho đến nay, Elizabeth Gilbert mới có 4 tác phẩm được xuất bản, nhưng khá đa dạng về thể loại, gồm tập truyện ngắn Pilgrims (1997), tiểu thuyết Stern Men (2000), cuốn tiểu sử The Last American Man (2002) và tác phẩm mới đây nhất là tự truyện Eat, Pray, Love... (2006).
Là một người sở hữu cá tính mạnh, trong Elizabeth Gilbert luôn có sự giằng xé giữa ham muốn được tự do với việc phải tuân thủ một cách rập khuôn, đôi khi quá gò bó những nguyên tắc hoặc các ràng buộc xã hội. Elizabeth Gilbert từng sống như một “nhà văn lang thang” - trải nghiệm cuộc đời của một đầu bếp, người phục vụ quán bar, chân sai vặt ở một tạp chí... tại nhiều bang của Mỹ, rồi qua cả châu Âu, châu Phi... để viết về chính những con người, sự việc mà chị gặp thường ngày.
 
Các ghi chép của Elizabeth Gilbert trong những tháng ngày rong ruổi đã làm nên tập truyện ngắn đầu tay Pilgrims (NXB Houghton-Mifflin - 1997, đoạt giải văn học Pushcart và vào chung khảo giải PEN/Hemingway). Bài báo “The Muse Of The Coyote Ugly Saloon” của Elizabeth Gilbert trên tạp chí GQ năm 1997, một ký sự về quãng thời gian chị làm người phục vụ quán bar Coyote Ugly Saloon ở East Village (Manhattan, New York), được lấy làm cốt truyện cho phim Coyote Ugly (ra mắt năm 2000 và từng giành được một số giải thưởng điện ảnh). Elizabeth Gilbert sau đó còn chuyển thể bài báo “Eustace Conway Is Not Like Any Man You’ve Ever Met” trên GQ năm 1998 thành cuốn tiểu sử về nhà tự nhiên học đương đại người Mỹ Eustace Conway mang tên The Last American Man (NXB Viking - 2002, tác phẩm này vào chung khảo giải Sách quốc gia Mỹ ở thể loại Tác phẩm không hư cấu và Giải thưởng Hội phê bình Văn học quốc gia Mỹ).
Elizabeth Gilbert ở Việt Nam hồi tháng 8/2006
 
Elizabeth Gilbert: Lòng nhiệt tình
chính là bệ phóng của thành công

* Thành công của Eat, Pray, Love... đã làm thay đổi cuộc đời chị như thế nào?

- Thành công của tác phẩm này có lẽ là điều ngạc nhiên lớn nhất với tôi. Độc giả cần hiểu rằng Eat, Pray, Love... ra đời trong hoàn cảnh tôi phải trải qua quãng thời gian khó khăn, đen tối, tồi tệ và rùng rợn nhất của đời mình. Tác phẩm ấy và cuộc hành trình của tôi bắt đầu ở phòng tắm, vào lúc 4 giờ sáng, khi tôi đang khóc than trong nỗi tuyệt vọng...Thật khó tưởng tượng niềm vui sống lại có thể bắt nguồn từ một nơi tối tăm như vậy. Chính vì thế, có thể nói đó là sự ngạc nhiên, có chút gì đó hãnh diện, hân hoan đồng thời hơi siêu thực, kỳ lạ...

(Cuộc hành trình trong Eat, Pray, Love... của Elizabeth Gilbert bắt đầu bằng cảnh chị nằm khóc nấc trên sàn phòng tắm, khẩn cầu câu trả lời cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng đầu tiên).

* Không có mấy nhà văn tạo được “thành công bất ngờ”. Với chị, phải mất bao lâu mới có được thành công như ngày hôm nay?

- Tôi đoán rằng có nhiều người nói Elizabeth Gilbert là một nhà văn đã nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi, bởi tôi chỉ mất chừng 6 năm để người ta biết đến mình. Tôi bắt đầu quen với việc nhận các lá thư từ chối từ khi mới 18 tuổi, và kéo dài đến năm tôi khoảng 24 tuổi. Dĩ nhiên cảm giác bị từ chối chẳng dễ chịu chút nào, nhưng điều đó không thể giết chết được quyết tâm của tôi. Tôi đã thề là mình sẽ sống cuộc đời của một người viết lách, bởi không muốn và cũng không thể làm được công việc gì khác.

Khi tác phẩm của tôi đã được xuất bản, cánh cửa văn chương nhanh chóng rộng mở trước mặt và tôi chẳng thể không mạo hiểm bước vào, giống như nhiều nhà văn khác. Tôi nghĩ rằng lòng nhiệt tình chính là bệ phóng cho thành công ngày hôm nay của mình.

* So với trước khi Eat, Pray, Love... ra đời, Elizabeth Gilbert bây giờ có gì khác?

- Vẫn là tôi với những mối quan tâm như thuở nào. Tôi vẫn là nhà văn. Tôi vẫn miệt mài sáng tạo. Tôi vẫn hài hước như thế. Và tôi cũng chẳng có gì thay đổi trong cách quan hệ với mọi người.

* Chị có dự định, hay ít nhất là hy vọng có một chuyến đi tìm kiếm khác trong tương lai gần?

- Tôi cũng đã có gần một năm đi khắp nơi cùng người chồng hiện nay, người mà tôi đã gặp ở cuối tác phẩm Eat, Pray, Love... Bởi vậy ở thời điểm hiện tại, tôi thực sự không phải vật lộn với cảm giác thèm được đi đâu đó. Thực ra lúc này có thể nói rằng tôi đã cảm thấy “đủ” với những nơi mình từng đi qua. Bây giờ tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống “định cư”.

* Hiện chị có đang viết một tác phẩm nào không?

- Tôi đang bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Brazil những năm 1960. Tôi không thể tiết lộ gì thêm nữa, bởi chính tôi hiện cũng chưa chắc chắn cốt truyện sẽ như thế nào.

 
Đăng Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm