Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai

20/09/2016 19:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau đề án 322, 599, và 911, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Có thể nói đây là đề án khá dài hơi ở lĩnh vực đào tạo tài năng “chất lượng cao” cho ngành văn hóa nghệ thuật, kể từ khi chúng ta không còn gửi học sinh du học Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu từ đầu thập 1990.

Cơ quan đầu mối tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch tổng thể và hàng năm triển khai đề án là Bộ VH,TT&DL.

TS Lê Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ VH,TT&DL đã có những chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần (TTXVN) về đề án này.

* Sự ra đời của đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”trong thời điểm này, có ý nghĩa như thế nào thưa bà?

- Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phát hiện và đào tạo tài năng trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, học sinh, sinh viên đã đoạt được các giải thưởng cao tại các cuộc thi tài khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ vẫn còn nhiều hạn chế và chưa rõ nét, các chương trình đào tạo vẫn mang tính đại trà; chưa có phương thức tích cực và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng tài năng.


TS Lê Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ VH,TT&DL

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực và quốc tế, rất quan tâm đến vấn đề đào tạo tài năng, đã thành lập các hội đồng, các ban, tổ chuyên gia nghiên cứu, phân tích, đánh giá những chuẩn mực, tiêu chí trong đào tạo tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, xây dựng được quy trình, các mô hình đào tạo tài năng đỉnh cao cho đất nước. Còn ở Việt Nam, từ trước đến nay, thực hiện đào tạo tài năng và tổ chức các cuộc thi quốc gia, tham gia các cuộc thi quốc tế dựa trên sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở đào tạo nước ngoài thông qua quan hệ hợp tác quốc tế; dựa trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của các cơ sở đào tạo, của một số chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; chủ yếu tập trung ở một số ít các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở trung ương, trên cơ sở tự phát, và chưa xây dựng được quy trình, mô hình đào tạo phù hợp, thật sự có hiệu quả.

Việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng đỉnh cao, lựa chọn thí sinh tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế, chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, đánh giá để các tài năng trẻ có điều kiện được phát triển và phát huy được tài năng phục vụ cho đất nước chưa được nghiên cứu, chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nhiều tài năng trẻ sau khi được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, khẳng định được tài năng qua các giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, cũng chưa thực sự có môi trường thuận lợi để cống hiến, phát huy năng lực sau đào tạo; vấn đề bố trí sử dụng và chăm lo cho sự phát triển của tài năng sau giai đoạn đào tạo chưa thực sự được quan tâm…

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nêu: “Nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình... rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo... Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật...”; Nghị quyết số 33/-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ...”. Vì vậy, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đến năm 2030” Bộ VH,TT&DL trình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo thực hiện một cách khoa học, bài bản và bền vững.

* Với mục tiêu đặt ra, từ ngắn hạn đến dài hạn (mỗi năm 4-5 tài năng đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, hằng năm trung bình cử khoảng 5 tài năng thuộc mỗi lĩnh vực, ngành đào tạo đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài, đến năm 2021, chọn 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc ở các lĩnh vực để cử đi học theo đề án), Bộ sẽ thực hiện cụ thể những lộ trình tìm kiếm, nuôi dưỡng tài năng như thế nào?

- Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, theo thẩm quyền, Bộ VH,TT&DL ban hành Chương trình tổ chức thực hiện với những nhiệm vụ hết sức cụ thể triển khai Đề án trong phạm vi toàn quốc. Theo sự ủy quyền của thủ tướng chỉnh phủ, bộ trưởng Bộ VH,TT&DL sẽ lựa chọn, quyết  định giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo có uy tín, có chất lượng cao trong số 54 cơ sở đào tạo VHNT chuyên nghiệp trên toàn quốc để giao nhiệm vụ đào tạo tài năng, sẽ trở thành những cơ sở đào tạo tài năng cho cả nước, theo các lĩnh vực, ngành của Đề án.

Các cơ sở đầu ngành được lựa chọn (11/54 cơ sở) đảm bảo các tiêu chí có uy tín, thương hiệu, đảm bảo các điều kiện tổ chức đào tạo, tập trung đào tạo các ngành thuộc các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, ngành sáng tác văn học ở trong nước đang là thế mạnh, mũi nhọn của các cơ sở đào tạo.

Sau khi các cơ sở được lựa chọn nhận nhiệm vụ, các cơ sở đào tạo tiến hành xây dựng các dự án hợp phần của đề án. Các dự án cụ thể hóa từ Đề án, ở mỗi lĩnh vực cụ thể chỉ tiêu, kế hoạch, lên phương án triển khai, dự kiến xây dựng chương trình, giáo trình, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất, phương thức tuyển sinh, đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập… cho từng năm và tổng thể cho đến năm 2030. Các dự án hợp phần này sẽ cụ thể với từng lĩnh vực, trình Bộ phê duyệt để có cơ sở thực hiện.

Để đảm bảo cho công tác đào tạo tài năng thuộc các dự án của Đề án diễn ra, chúng ta còn phải thực hiện kiện toàn cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị hiện đại phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo. Chuẩn bị về đội ngũ giảng viên, các giảng viên giỏi, sâu cả về lý thuyết và thực hành. Giảng viên không chỉ có học hàm, học vị mà còn phải là giỏi về nghề. Đặc biệt, chương trình đào tạo còn có sự kết hợp của các chuyên gia, giảng viên giỏi từ nước ngoài vào giảng dạy.

Một công việc hết sức quan trọng, đó là nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tuyển chọn từng lĩnh vực, ngành đào tạo mà từ trước đến nay chúng ta chưa làm được một cách khoa học, hệ thống. Nghệ thuật là ngành đặc thù, mang nặng tính truyền nghề. Từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn thường tuyển chọn theo cách vừa kết hợp giữa kinh nghiệm của chuyên gia là chính.

Vì vậy, Bộ VH,TT&DL sẽ nghiên cứu, thành lập các Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm các chuyên gia kinh nghiệm trong đào tạo phát hiện và bồi dưỡng tài năng, có nhiều tài năng đoạt giải quốc gia, quốc tế, những người đã được Nga và các nước Đông Âu trước đây truyền đạt kinh nghiệm về chuyên môn, phương pháp hiện đại, để xây dựng hệ thống các tiêu chí tuyển chọn tài năng một cách khoa học, bài bản, bền vững. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo mang tính vệ tinh (không thuộc 11 đơn vị được Bộ lựa chọn) cũng có thể dựa vào đó để đào tạo tài năng tại các cơ sở mình, tạo nguồn cho các cơ sở đào tạo tài năng tại các 03 miền của đất nước.

Trên đây là các công việc mà chúng tôi triển khai trong năm 2017. Bên cạnh đó là nhiệm vụ cụ thể hóa bằng các cơ chế tài chính gồm thỏa thuận định mức triển khai và xây dựng các văn bản chế độ chính sách cụ thể để áp dụng cho người dạy và người học trong quá trình đào tạo.

* Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” có quan tâm đến nhạc nhẹ trong đời sống âm nhạc đại chúng

- Trong Đề án có đào tạo ngành Thanh nhạc, trong lĩnh vực âm nhạc, chứ không phân biệt hay chia theo dòng nhạc. Trong quá trình đào tạo, cùng với các thầy, các em sẽ sinh sẽ theo thế mạnh về chất giọng, kỹ thuật, định hình phong cách… mình được đào tạo để lựa chọn dòng nhạc mình theo đuổi, làm  nghề.

Vì thế, chúng tôi không đi sâu vào các chuyên ngành hẹp cụ thể.

* Theo bà, làm thế nào để chúng ta chiêu mộ được cả những tài năng tự bỏ tiền túi ra đi học nước ngoài trở về nước?

- Chúng ta đang nói đến cơ chế chính sách đãi ngộ sau đào tạo và sử dụng tài năng sau đào tạo. Đây là một câu chuyện lớn mà cần có sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành có liên quan.

Bộ VH,TT&DL chỉ có thể thực hiện trong khả năng nhiệm vụ của mình là tổ chức đào tạo tài năng và có những chế độ đãi ngộ nhất định đối với các em từ khi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sau khi tốt nghiệp. Ví dụ, học sinh tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại làm giảng viên, hoặc được tuyển dụng tại các đơn vị nghệ thuật trực thuộc. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế tuyển dụng đối tượng này theo ngạch viên chức, định biên chế và xếp ngạch lương do Bộ Nội vụ quản lý. Học sinh, sinh viên tài năng vẫn phải qua công tác tuyển dụng theo Luật viên chức, xếp lương theo ngạch, bậc theo hệ thống thang bảng lương ngạch viên chức, việc hưởng chế độ bảo hiểm theo Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Vì vậy, việc chiêu mộ những tài năng cũng không vượt ngoài quy định của hệ thống văn bản luật định.

Tôi nghĩ rằng số lượng tài năng tự bỏ tiền túi ra đi học không nhiều lắm, vì chi phí đào tạo nghệ thuật ở nước ngoài rất đắt so với các ngành đào tạo khác. Vì vậy, chỉ có các gia đình có điều kiện kinh tế khá, và thường là các em học sinh, sinh viên có năng khiếu đặc biệt xuất sắc thì gia đình mới mạnh dạn đầu tư.

Học sinh, sinh viên văn hóa nghệ thuật đào tạo ở nước ngoài thường là đối tượng xuất sắc đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, Bộ tạo điều kiện để được thụ hưởng các nguồn học bổng từ ngân sách nhà nước, các hiệp định, đề án do Bộ Giáo dục & Đào tạo đang quản lý. Số ít, sau khi nhận học bổng nước ngoài, các em tiếp tục học lên bằng kinh phí tự túc của gia đình.

Và thực ra,việc đi học tự túc còn liên quan đến nhu cầu của mỗi cá nhân. Bởi nếu nhận học bổng từ đề án thì không chủ động được trong việc lựa chọn ngành hay cơ sở đào tạo mà mình muốn học. Bởi có thể cùng thành phố nhưng trường mà các tài năng mong muốn theo học lại không nằm trong hệ thống các đơn vị liên kết của đề án. Ngoài ra, lưu học sinh nào cũng phải đảm bảo cam kết sau quá trình học tập sẽ phải về nước cống hiến trong lĩnh vực của mình ít nhất 5 năm cũng là một ràng buộc.


|
Tạo hình trên xà đơn - tiết mục độc đáo của trường Xiếc

* Được biết, một trong những điều mà các tài năng trăn trở khi về nước là họ không có “suất” tại các đơn vị làm nghề. Để có thể có một chỗ đứng thì họ phải chờ xếp lượt theo đợt về hưu của các bậc tiền bối. Vậy, bộ có quan tâm đến điều này không và sẽ tạo điều kiện làm việc như thế nào với những tài năng có ý định trở về nước?

- Như đã nói ở trên, đây là vấn đề nhức nhối mà Bộ VH,TT&DL rất trăn trở, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, ko đủ để có thể giải quyết tận gốc vấn đề này.

Như đã nói, Bộ chỉ có thể quan tâm, tạo điều kiện để các tài năng có môi trường thuận lợi để phát huy và đặc biệt là ưu đãi với những tài năng sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc, cả đối với đối tượng được đào tạo trong nước hay nước ngoài, không có sự phân biệt.  

Cũng phải thấy đặc thù nghề của nghệ thuật là quá trình đạo tạo dài nhưng tuổi nghề đời ngắn. Có những ngành học hết trung cấp như diễn viên múa, xiếc, diễn viên kịch hát dân tộc, nhạc công… là đã có thể ra làm nghề rất tốt, nhưng đến 40 tuổi khi thanh sắc phai nhạt, cơ thể không còn dẻo dai là không còn mấy ai lên sân khấu biểu diễn nữa. Nhưng bất cập ở chỗ, để được nghỉ, hưởng chế độ bảo hiểm lao động đòi hỏi phải đủ 55 tuổi. Với những nghệ sĩ như vậy, nghỉ hưu thì họ không được nghỉ, lên sân khấu thì đã ... qua thời xuân sắc, muốn nghỉ ko được, trong khi các diễn viên trẻ, tài năng lại không có biên chế để tuyển dụng, vì vậy, thực tế, có nhiều người hàng chục năm ở diện hợp đồng chờ tuyển dụng biên chế.  

Hiện nay, để giải quyết thực trạng của đội ngũ nghệ sĩ này, trong phạm vi thẩm quyền của Bộ VH,TT&DL, chúng tôi chỉ có thể giải quyết theo hướng: nghệ sĩ giỏi chuyên môn, các cơ sở đào tạo sẽ mời tham gia giảng dạy với tư cách là giảng viên thỉnh giảng giảng dạy thực hành. Nếu có trình độ thạc sĩ, sẽ xem xét để chuyển công tác từ đơn vị nghệ thuật về các cơ sở đào tạo tiếp tục làm giảng viên cơ hữu các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, để có thể chuyển chức danh từ diễn viên sang giảng viên, họ phải đi học lên thạc sĩ nên không phải ai cũng có thể đi học được. Hiện có NSƯT Thúy Ngần đã được giải quyết theo hình thức này.

* Như đã nói trên thì bên cạnh việc đào tạo tài năng, chúng ta cũng cần xây dựng những thiết chế văn hóa tương ứng để tài năng hoạt động. Ví dụ các tài năng âm nhạc và múa hàn lâm cần có nhiều nhà hát, dàn nhạc giao hưởng, đoàn ballet… Việc xây dựng những thiết chế văn hóa này có được Bộ VH,TT&DL quan tâm khi thực hiện đề án đào tạo tài năng?

- Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa nghệ thuật chúng ta đang có, cả các công trình mang tầm cỡ quốc tế, quốc gia, hay nhỏ hơn, chúng ta đều có đã có; hay phần lớn các Nhà hát trực thuộc Bộ cũng đã có rạp hát của mình như Nhà hát Ca Múa nhạc VN có Nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Chèo VN có Rạp Kim Mã, Nhà hát Tuồng VN có Rạp Đường Thành, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN có rạp ở Núi Trúc …

Vì đặc thù của nghệ thuật là vừa lý thuyết gắn chặt với thực hành, vì vậy, trong phạm vi các cơ sở đào tạo nghệ thuật trực thuộc Bộ cũng đều có trung tâm biểu diễn để các em có môi trường học và thực hành: Học viện Âm nhạc Quốc gia VN có Phòng hòa nhạc tầm cỡ quốc tế, trường CĐ Múa VN, trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc VN có rạp biểu diễn…

Hầu hết, các đơn vị nghệ thuật đều đã có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của công tác đào tạo như nhà hát hay các trung tâm biểu diễn. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hiện nay, phục vụ cho Đề án này, tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đào tạo tài năng, việc xây dựng các thiết chế đòi hỏi đầu tư rất lớn là chưa thực sự phù hợp, chỉ tập trung vào việc kiện toàn, bổ sung các cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng với công tác đào tạo ở các lĩnh vực là phù hợp.

* Có một thực tế là nhiều tài năng phải tự tìm kiếm cơ hội học tập ở quốc tế cho mình bởi khi được hỏi tại sao không tìm hiểu về học bổng nhà nước. Họ nói, thường thì không được biết. Chỉ có quen biết, “rỉ tai” nhau rồi bảo nhau thì mới có cơ hội.

- Vậy, phải chăng là việc không công khai các suất học bổng cũng như các tiêu chí tuyển chọn nên chúng ta tự đánh mất cơ hội tìm kiếm tài năng? Và làm thế nào để tránh tình trạng các suất học bổng luôn ưu ái cho những chỗ quen biết, thậm chí là “con ông cháu cha”?

Như đã trình bày ở trên, đây là lần đầu tiên Bộ VH,TT&DL được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai 01 đề án về đào tạo nhân lực riêng đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chúng ta đều biết, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, từ trước đến nay, các thông tin về học bổng quốc tế là do cục đào tạo nước ngoài, thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý và các chương trình đề án cũng đều công khai tuyển chọn. Hiện nay, hình thức tuyển chọn từ thông báo học bổng, thông tin về kết quả… còn được thực hiện qua mạng internet.

Vì vậy, theo tôi nghĩ họ rất công khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các ứng viên tham gia xét học bổng, chắc hẳn không có hiện tượng như bạn nêu “Chỉ có quen biết, “rỉ tai” nhau rồi bảo nhau thì mới có cơ hội”. Và khi không có hiện tượng này, thì chắc chắn càng không liên quan đến câu hỏi “phải chăng là việc không công khai các suất học bổng cũng như các tiêu chí tuyển chọn nên chúng ta tự đánh mất cơ hội tìm kiếm tài năng?”

Đối với đề án đào tạo tài năng, khi quá trình chuẩn bị đã sẵn sàng, năm 2017 khi triển khai, Bộ VH,TT&DL cũng sẽ triển khai theo hình thức công khai thông báo về học bổng và các thông tin tuyển chọn ứng viên qua mạng internet, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức tuyển chọn ứng viên. Vấn đề này công khai để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tối đa cho mọi công dân có nhu cầu tìm hiểu, có nguyện vọng được học tập ở nước ngoài theo đối tượng và tiêu chuẩn của Đề án.

Còn để nói tránh tình trạng học bổng chỉ dành cho “con ông cháu cha”. Theo tôi, đây là suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Bởi trước hết, đối tượng đăng kí nhận học bổng của Đè án phải đáp ứng được tiêu chuẩn, với rất nhiều tiêu chí của học bổng. Hội đồng tuyển chọn cũng công khai. Nếu tài năng được giải thưởng quốc gia, quốc tế hoặc thành tích học tập đặc biệt xuất sắc (một trong những điều kiện xét học bổng), lại thêm yếu tố “con nhà nòi”, gia đình có truyền thống nghệ thuật, mà không được tham gia đề án thì không công bằng.

Mà thực tế hiện nay, trong khi thực trạng nguồn tuyển năng khiếu vào các trường nghệ thuật ngày càng khó khăn, do nhiều gia đình không muốn con em theo học các ngành đào tạo vất vả, tốn kém này vì không phải ai sau khi tốt nghiệp cũng trở thành “sao”, phải thực sự yêu nghệ thuật, tâm huyết mới nghệ thuật, trong giai đoạn hiện nay, mới theo đuổi, đầu tư vào ngành, nghề này. Và thường là con nhà nòi, bố mẹ hướng cho con theo nghề, như vậy là yếu tố hết sức thuận lợi khi các em được đào tạo, được sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật.

Hơn nữa, tôi không muốn so sánh, nhưng ở một số ngành nghề khác, có thể là cần cù sẽ có kết quả. Nhưng với ngành nghệ thuật, cần cù không tạo ra năng khiếu. Nêu năng khiếu vẫn là tiêu chí hàng đầu khi xét tuyển. Vì vậy, nếu con ông cháu cha được ưu ái như bạn nói, mà không có năng khiếu, tài năng, tự em đó qua quá trình đào tạo cũng sẽ bộc lộ, không theo nghề được, bởi ngành năng khiếu mang tính sàng lọc rất cao trong quá trình đào tạo. Năng khiếu dược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc, trong quá trình phát triển, có những em phát huy được năng khiếu, bộc lộ tài năng, nhưng có những em không phát huy được, phải chịu đào thải, chuyển sang ngành nghề khác phù hợp là chuyện bình thường.

'Siêu' đề án đào tạo tài năng nghệ thuật: Nói lại chuyện… đã nói mãi

'Siêu' đề án đào tạo tài năng nghệ thuật: Nói lại chuyện… đã nói mãi

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1341/QĐ-TTg - Phê duyệt đề án 'Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030'.

* Trong lĩnh vực âm nhạc, thường các giải thưởng chỉ đến với những tài năng nhí. Còn khi các tài năng trưởng thành hơn (độ tuổi 18-23), giải thưởng hiếm khi đến với các em. Vậy phải chăng là hệ thống đào tào, nuôi dưỡng tài năng của chúng ta không có cơ hội để các em vươn xa? Mặt hạn chế này, liệu có chỉ nằm ở hệ thống đào tạo hay ở chính “nội tại” của các tài năng?

- Năng khiếu là bẩm sinh, nhưng để trở thành tài năng cần có quá trình đào tạo dài. Các em có năng khiếu từ nhỏ nhưng sẽ không bộc lộ, tỏa sáng ngay được vì còn cần thời gian rèn giũa, cần được đào tạo trong một môi trường bài bản khoa học với phương pháp đặc biệt mới phát huy hết lợi thế, bộc lộ được tài năng.

Trước đây, chúng ta đã được thừa hưởng quy trình đào tạo theo hệ thống của Nga, cùng với đội ngũ giảng dạy từ các chuyên gia Nga. Tuy nhiên, sau khi Nga và Đông Âu tan rã, chúng ta đã không còn nguồn hỗ trợ mang tính quyết định chất lượng này, đặc biệt là quy trình đào tạo khoa học, chuyên nghiệp. Hiện nay, trên thế giới, trình độ đào tạo nghệ thuật đã rất thay đổi, từ quy trình đào tạo, phương pháp đào tạo, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Họ có hẳn chiến lược dài hơi để đào tạo tài năng nghệ thuật cho đất nước.

Nhiều nước trong khu vực và quốc tế (Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ…), rất quan tâm đến vấn đề đào tạo tài năng, đã thành lập các hội đồng, các ban, tổ chuyên gia nghiên cứu, phân tích, đánh giá những chuẩn mực, tiêu chí trong đào tạo tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, xây dựng được quy trình, các mô hình đào tạo tài năng đỉnh cao cho đất nước. Họ đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo tài năng, với những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mời những chuyên gia giỏi của thế giới về đào tạo tài năng cho mình, còn chúng ta chỉ có thể giảng dạy bằng kinh nghiệm của chính mình cộng với những gì đã được lĩnh hội từ đào tạo nước ngoài

Bên cạnh đó, riêng chi phí học tập đầu tư cho một sinh viên Việt Nam tính trung bình là 1.000USD/năm. Trong khi đó, con số là 10.000 - 45.000USD/năm. Đặc biệt là ngay cả những nước tiên tiến, họ vẫn tập trung đầu tư cho các tài năng của mình với chi phí như vậy. Như vậy là một khoảng cách quá xa giữa Việt Nam và quốc tế. Dù vẫn biết, lĩnh vực này là tiêu tiền quá tốn kém trong điều kiện nhà nước hiện nay.

Bây giờ, chúng ta đang từng bước nghiên cứu, học hỏi, xây dựng quy trình đào tạo, xây dựng hệ thống tiêu chí tuyển chọn… Đào tạo tài năng bây giờ thực sự được quan tâm đúng nghĩa, với sự ra đời của Đề án này.

Có thể nói, chúng ta có rất nhiều năng khiếu ở các lĩnh vực nhưng còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân như đã phân tích ở trên, tóm lại là sự quan tâm chưa tới. Vì thế, con số các giải thưởng mà các tài năng VHNT mang về cho Việt Nam suốt thời gian cũng là kết quả lý tưởng để chúng ta tiếp tục phát huy, phấn đấu.

Và cũng Để đề án thực thi có hiệu quả, hoạt động liên kết của Việt Nam và các đơn vị đào tạo quốc tế  sẽ diễn ra như thế nào, thưa bà ?

Trước đây, chúng ta có liên kết phần lớn với các nước Đông Âu. Còn hiện nay, chúng ta đã mở rộng phạm vi liên kết sang các nước có nhiều thế mạnh ở từng lĩnh vực đào tạo.

Cụ thể trong Đè án, là Thủ tướng đã phê duyệt cho các lĩnh vực được  đào tạo tại các nước: Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác.

Với âm nhạc, chúng ta vẫn chú trọng đào tạo tại Nga và Mỹ, Đức, Ca na da, công nghiệp điện ảnh, các ngành điện ảnh đào tạo ở Hàn Quốc, quay phim là Mỹ, có những ngành cần thiết mà đang thiếu như phục chế tác phẩm nghệ thuật thuộc lĩnh vực Mỹ thuật sẽ đào tạo ở Dresden (Đức), trong ngành công nghiệp văn hóa có quản trị các ngành công nghiệp sáng tạo sẽ đào tạo ở Anh hay công nghiệp âm nhạc ở Mỹ, Hàn Quốc. Và mặc dù đào tạo các ngành mang tính ứng dụng cũng quan trọng nhưng chúng ta vẫn đề cao nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật bác học hơn.

* Vậy mục tiêu đào tạo ngắn hạn (6 tháng) và dài hạn ở nước ngoài khác nhau như thế nào?

- Đào tạo ngắn hạn dành cho thí sinh chuẩn bị tác phẩm tốt nghiệp hay giảng viên nghiên cứu cần môi trường điều kiện trang thiết bị tốt hơn. Với nghệ thuật biểu diễn cũng vậy. Hiện nay, thế giới đã kết hợp nghệ thuật biểu diễn với thiền, yogađể giúp cân bằng, them năng lượng cho diễn viên, giúp họ đạt đến sự hoàn hảo và thăng hoa trong diễn xuất... cùng rất nhiều kỹ thuật, phương pháp hiện đại, tiên tiến khác.

Trong khi phương pháp giảng dạy phổ biến hiện nay của mình theo hình thức lên lớp lĩnh hội kiến thức về lý thuyết, kết hợp với truyền dạy kinh nghiệm, vai diễn mẫu… từ các giảng viên.

Như vậy, ở hình thức đào tạo dù ngắn hạn hay dài hạn đều có giá trị nhất định và tập trung vào người học, giúp họ nâng cao chuyên môn tốt nhất.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm